Thứ bảy, 29/06/2019, 06:35 AM
  • Click để copy

Tài xế Taxi Vinasun 'vô cảm' bỏ mặc nạn nhân sau tai nạn: Có dấu hiệu phạm tội hình sự

Theo luật sư, tài xế Taxi Vinasun "vô cảm" bỏ mặc nạn nhân sau tai nạn có dấu hiệu phạm tội hình sự và xét theo quy định có thể bị xử đến 10 năm tù.

Gần 60 con người cùng tài xế Taxi Vinasun
Gần 60 con người cùng tài xế Taxi Vinasun "vô cảm" bỏ mặc nạn nhân sau tai nạn.

Lời khai của tài xế Taxi Vinasun "vô cảm" bỏ mặc nạn nhân sau tai nạn

Vụ viêc tài xế Taxi Vinasun bỏ mặc nạn nhân sau tai nạn giao thông xảy ra lúc 3h sáng 25/6 vừa qua, tại giao lộ Tân Hương - Võ Công Tồn (quận Tân Phú, TP HCM), đang trở thành tâm điểm của dư luận.

Trong diễn biến mới nhất, danh tính tài xế Taxi Vinasun "vô cảm" bỏ mặc nạn nhân sau tai nạn được xác định là Đặng Tấn Phú (48 tuổi, ngụ ở quận 5 TP HCM).

Hai nạn nhân trong vụ tai nạn được xác định là Nguyễn Hoàng Long (16 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) và Nguyễn Thị Mỹ Tiên (24 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre), cô gái đã tử vong.

Thời điểm xảy ra tai nạn Long chở Tiên đi trên đường bằng xe máy Exciter. Theo đó, Long và Tiên gặp nhau tại 1 quán ăn đêm. Sau đó khoảng 15 phút, Tiên nhờ Long đưa về nhà trọ trên đường Tân Sơn Nhì.

Long chở Tiên trên đường Tân Hương, hướng Bình Long đi Độc Lập. Đến đoạn giao với Võ Công Tồn, xe máy va chạm với taxi chạy cùng chiều đang rẽ trái. Anh Long bị thương nặng. Chị Tiên tử vong tại chỗ.

Tại cơ quan Công an, tài xế Phú khai, lý do bỏ mặc các nạn nhân là vì khi xuống xe tài xế thấy các nạn nhân co giật nên hoảng sợ.

Bước đầu, Công an xác định phía nạn nhân vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, tài xế Taxi Vinasun mắc hai lỗi gồm: Rẽ trái không bật tín hiệu giao thông, rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn.

Trong vụ việc này, đáng lên án hơn nữa là việc rất nhiều người thậm chí tập chung tại hiện trường vụ tai nạn nhưng sau đó đều rời đi bỏ mặc nạn nhân nằm kêu cứu.

Cần truy cứu hình sự hành vi bỏ mặc nạn nhân sau tai nạn

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: Hành vi bỏ mặc nạn nhân trong vụ tai nạn mà không cứu giúp đưa đi cấp cứu, dù bản thân có đủ điều kiện cần thiết của tài xế Taxi Vinasun là rất đáng lên án.

Qua hình ảnh camera ghi lại, cùng nhận định ban đầu luật sư Thơm cho rằng, cả tài xế Vinasun và thiếu niên điều khiển xe máy đều đã có lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ.

Cụ thể như sau: Tài xế Vinasun vi phạm Khoản 1 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ “chuyển hướng không giảm tốc độ và có tín hiệu báo rẽ".

Lái xe máy vi phạm Điều 12 Luật Giao thông đường bộ về tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe. “Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường” và vi phạm Khoản 3 Điều 5 Thông tư 91/2015: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong trường hợp “Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức”.

Xét về lỗi vi phạm của các bên trong vụ việc này là lỗi hỗn hợp. Hậu quả xảy ra làm 1 người tử vong nên cả 2 người điều khiển phương tiện ô tô và xe máy đều phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS.

Đối với thiếu niên 16 tuổi điều khiển xe máy, nếu có căn cứ xác định khi điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm a, Khoản 2 Điều 260 BLHS với khung hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Đối với tài xế Taxi Vinasun, do có hành vi bỏ chạy trốn và cố ý không cứu giúp người bị nạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm c, Khoản 2 Điều 260 với khung hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Cùng nhận định, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng: Nếu tài xế taxi là nguyên nhân gây ra tai nạn thì với tình tiết bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì tài xế có thể bị phạt từ 3 đến 10 năm tù.

Còn nếu tài xế không có lỗi thì không thể truy cứu theo Điều 260. Tuy nhiên, ở đây tài xế thấy người nguy hiểm đến tính mạng nhưng không cứu giúp khi bản thân mình có khả năng cứu giúp thì đã vi phạm Điều 132 Bộ luật hình sự Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Với tình tiết người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm, người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì người tài xế sẽ bị tù từ 1 năm đến 5 năm.

Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, cho dù trong trường hợp người tài xế qua đường có xi nhan theo đúng luật, người thanh niên do không làm chủ tốc độ phải chịu hậu quả của hành vi do mình gây ra thì trong trường hợp này cả pháp luật và đạo đức đều không cho phép người tài xế hành xử như thế.

Trong trường này, người tài xế có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện hành vi cứu giúp nạn nhân và việc thực hiện hành vi này không gây nguy hiểm cho tài xế thì với trách nhiệm nghề nghiệp của mình người tài xế phải có các cách ứng xử như thông báo cho Công an, kêu gọi mọi người cùng đến giữ hiện trường và chở người đi cấp cứu chứ không thể nào bỏ mặc người bị nạn.

Hiện trường vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn.

“Nhìn ở góc độ đạo đức xã hội, những hành động dửng dưng trước sự nguy hiểm của người khác, thái độ ấy đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm mới mong răn đe, phòng ngừa chung.

Khi thấy người khác gặp nạn thì trước tiên phải có trách nhiệm cứu giúp họ thoát khỏi tình trạng nguy hiểm bất chấp khó khăn.

Ở đây, rõ ràng có đầy đủ bằng chứng cho thấy người tài xế không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, do đó cần truy cứu trách nhiệm hình sự để làm gương cho mọi người”, luật sự Bình nhấn mạnh.

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Tin tức tai nạn giao thông ngày 29/6: Gần 60 người vô cảm vụ tài xế Taxi Vinasun không cứu giúp nạn nhân vụ

Tin tức tai nạn giao thông ngày 29/6, hình ảnh từ camera ghi lại cho thấy, trong 10 phút sau va chạm với taxi Vinasun đã có gần 60 người và phương tiện đi qua hiện trường nhưng tất cả đều tỏ ra vô cảm khi không cứu giúp nạn nhân.

 

Video đám cháy uy hiếp đường dây 500kV

Cháy rừng ở tỉnh Thừa Thiên Huế khiến ngọn lửa bao trùm đường dây 500kV đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh, khiến đường dây này gặp sự cố.

 

Cháy rừng ở Thừa Thiên Huế: Chủ tịch tỉnh đến hiện trường chỉ đạo dập lửa

Ngay sau vụ cháy xảy ra, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mặt ở hiện trường để chỉ đạo công tác dập lửa.