Tỉ thí võ thế nào cho đúng luật?
Mấy ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện clip võ sư Nam Anh Kiệt đánh võ sư Nam Nguyên Khánh. Theo lời của võ sư Nam Anh Kiệt thì những hành động của ông chỉ là một cuộc tỉ thí võ nghệ, do trước đó đôi bên có thách đấu với nhau.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng có dấu hiệu hình sự trong vụ việc được gọi là tỉ thí đó. Còn những người có võ, được học võ thì gọi đó là "đánh lộn" chứ không phải tỉ thí. Vậy để so tài cao thấp, cần phải làm thế nào mới đúng?
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự
Coi clip lan truyền trên mạng, luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng trong clip thể hiện việc đánh nhau diễn ra trong nhà chứ không phải trên sàn thi đấu.
Cũng theo lời của võ sư Nam Nguyên Khánh, sự việc này không phải là tỉ thí mà là ông bị đánh trong thế bị động.
Việc một nhóm người do võ sư Nam Anh Kiệt dẫn đến nhà võ sư Khánh cho thấy có dấu hiệu của việc xâm phạm tư gia bất hợp pháp, việc đánh võ sư Khánh nếu đủ căn cứ có thể bị khởi tố tội cố ý gây thương tích.
Hiện nay, võ sư Khánh đang điều trị vết thương tại bệnh viện, đó là hậu quả của việc bị võ sư Kiệt đánh. Ông Khánh vừa bị đánh, vừa bị quay clip tung lên mạng nên các bằng chứng về việc ông bị đánh khá rõ ràng.
Luật sư Hướng cho rằng việc xâm phạm tư gia bất hợp pháp của nhiều người để đánh một người dẫn đến thương tích thì cần phải xem xét yếu tố hình sự.
Cụ thể, võ sư Khánh nên trình báo công an để xem xét đầy đủ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Để xác định được việc thì võ sư Khánh cần phải được giám định tỉ lệ thương tích, và từ kết quả giám định này mới có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.
Ông Khánh cũng cho rằng mình bị làm nhục thì đây cũng là ý mà ông cần củng cố để bảo vệ mình, chứng minh các thiệt hại mà hành vi của võ sư Kiệt gây ra.
Ngoài ra, hành vi kéo theo nhiều người đến đánh đấm tại nhà đồng thời cũng là võ đường của võ sư Khánh, theo luật sư Bùi Quang Nghiêm thì còn có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng.
Để xác định được hành vi của võ sư Kiệt có đủ yếu tố cấu thành tội hình sự hay không thì cần phải thu thập thêm các bằng chứng, lời khai khác.
"Tuy nhiên, theo tôi, đã là võ sư dạy môn đồ thì cần chuẩn mực trong ứng xử và tuân thủ pháp luật Việt Nam" - luật sư Bùi Quang Nghiêm nói.
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, hiện tại pháp luật Việt Nam chưa cho phép tổ chức những cuộc đấu võ, tỉ thí mà chỉ cho tổ chức đấu võ thuật trong thể thao. Vậy nên, nếu ai đó cho rằng buổi đánh nhau đó là tỉ thí võ nghệ thì cuộc tỉ thí đó không phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Bị khiêu khích thì làm gì?
Không chỉ có vụ võ sư Kiệt đánh võ sư Khánh lan truyền trên mạng thời gian qua, mà thực ra trước đó đã có một võ sĩ nước ngoài đi khiêu chiến ở nhiều lò võ, môn phái tại Việt Nam. Nhiều nơi, các võ sư không ra mặt, cũng không nhận lời thách đấu nhưng vị võ sĩ này vẫn giễu võ giương oai khiêu khích.
Võ sư Nguyễn Khánh Hiền, phó chủ tịch Hội karatedo TP Đà Nẵng, cho rằng võ thuật luyện tập cho khỏe mạnh chứ không phải để sử dụng vào những mục đích trái pháp luật.
Dù là tỉ thí hay giao hữu thì cũng cần phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Không có ngoại lệ nào cho võ sư, võ đường trong việc truyền dạy võ thuật.
Do đó, muốn tổ chức một giải đấu thì phải có ban tổ chức, có trọng tài, có những điều kiện, luật chơi thật công bằng và đảm bảo không gây tổn hại về sức khỏe, thân thể cho các bên tham gia.
"Việc đấu võ phụ thuộc vào cân nặng, tuổi tác, trong luật đấu võ thì chênh nhau 5kg đã là nhiều. Tuổi tác thì như nhiều vận động viên thể thao khác, trên 40 là giải nghệ; trong vụ "tỉ thí" vừa qua, một người 43 tuổi đánh người tuổi 58 thì không chỉ không cao thượng mà còn thể hiện tính côn đồ, láo xược", ông Hiền nói.
Ông Hiền cũng nói nếu gặp phải người đến trước nhà, trước võ đường khiêu khích, thách đấu để phân cao thấp thì người học võ hãy sống như cây trúc.
Ông Hiền ví von và phân tích: cây trúc mùa đông tuyết rơi phủ kín, nó rũ lá xuống cho tuyết phủ. Khi tuyết quá dày, không thể chịu đựng nữa thì bật lên, rũ bỏ tuyết như chưa từng bị tuyết vùi. Người càng giỏi võ, càng tĩnh, càng biết cúi đầu và nín nhịn nhưng không để mất danh dự.
Theo ông Hiền, nếu xảy ra tình huống bị khiêu khích mà buộc phải bước ra tỉ thí để bảo trọng danh dự thì những người tham gia chỉ được sử dụng những đòn cho phép, còn những đòn đánh đấm làm tổn hại đến đối phương thì không được dùng. Như vậy, việc tỉ thí cũng phải tính toán cho công bằng giữa hai bên và phải có trọng tài tính điểm.
Còn luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng hiện tại, việc tổ chức các giải đấu thể thao (trong đó có võ thuật) được thực hiện theo hướng dẫn của thông tư số 9/2012/TT-BVHTTDL.
Theo đó, giải đấu phải báo cáo cho cơ quan chức năng trước và sau khi tổ chức giải và cần phải nêu rõ ý nghĩa mục đích, quy mô tổ chức.
Như vậy, việc các võ sư "rủ nhau tỉ thí" tại bất kể đâu không mang lại cái đẹp trong việc thi đấu, trình diễn võ thuật mà giống như đánh lộn, gây rối trật tự công cộng hơn.
Ông Hướng cũng cho biết tại một số tỉnh thành phát triển truyền thống võ thuật thì sở VH-TT&DL có những văn bản quy định riêng, trong đó nêu rõ: mọi cuộc thi đấu, biểu diễn võ phải được phép của sở thể dục thể thao mới được tổ chức. Nghiêm cấm việc thi đấu tỉ thí giữa các lớp, các câu lạc bộ trong môn phái, giữa các môn phái với nhau; việc tổ chức thi nâng cấp đai, đẳng cho võ sinh phải tuân thủ quy chế chuyên môn do Liên đoàn Võ thuật trung ương hoặc Ủy ban Thể dục thể thao ban hành và có sự giám sát của phòng chuyên môn.
Nếu sai tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật!
Võ sư Vịnh Xuân chính thống phái (còn gọi là Vịnh Xuân Nam Anh) Nam Anh Kiệt cho biết sự việc xảy ra với võ sư Nam Nguyên Khánh xuất phát từ mục đích cá nhân. Cụ thể, giữa hai người xảy ra mâu thuẫn nên ông Kiệt mới đến nhà ông Khánh thách đấu.
Ông Kiệt cũng cho biết: "Nếu cơ quan chức năng xác định việc làm của tôi là sai, tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật". Tuy nhiên, ông Kiệt khẳng định sẽ không thỏa hiệp với ông Khánh.
Trước đó vào tối 15-7, Liên đoàn quốc tế Vịnh Xuân chính thống phái ra thông báo cách chức tổng đàn chủ tại Việt Nam của võ sư Nam Anh Kiệt. Chia sẻ về vấn đề này, ông Kiệt thừa nhận có thể đã không suy nghĩ thấu đáo về việc làm của mình nên gây ảnh hưởng đến môn phái. "Tôi tôn trọng quyết định này, có làm thì có chịu" - ông Kiệt nói.
Đ.K.
Học võ không phải để hơn thua!
Võ sư Nguyễn Khánh Hiền cho rằng người học võ là để luyện tập chứ không phải để tỉ thí hơn thua cao thấp. "VN hiện giờ chỉ có các giải đấu võ mang tính thể thao trong từng môn phái (karatedo, taekwondo, vovinam, pencat silat, tán thủ, cổ truyền, judo...) theo điều luật của Tổng cục Thể dục thể thao quy định. Môn phái nào đấu theo luật của môn phái đó, nếu môn phái khác tham gia thì phải đấu theo luật của môn phái mình đăng ký thi đấu.
Do các giải đấu võ mang tính thể thao nên VĐV được trang bị bảo hộ theo quy định để tránh chấn thương" - võ sư Nguyễn Khánh Hiền chia sẻ.
Theo ông Hiền, các hình thức đấu kiểu tự do, muaythai, MMA, UFC chưa được phổ biến rộng tại VN và chưa được ngành TDTT cấp phép do tính sát thương cao, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng VĐV.
Bình luận về vụ "tỉ thí" lan truyền clip trên mạng, ông Hiền cho rằng: "Võ dùng để tự vệ chứ không để gây hấn. Nếu có muốn giao đấu ngoài môn phái thì cũng trên tinh thần tôn trọng nhau, giao đấu để giao lưu học hỏi chứ không phải để phân định cao thấp, thắng thua".
Mới đi tù về, cô gái bị đâm tử vong trong nhà nghỉKhoảng 21h30 ngày 16/7, tại một nhà nghỉ thuộc địa phận thôn Chè Đen 1, xã Hoàng Khai đã xảy ra vụ án mạng khiến một cô gái tử vong. |
Khởi tố vụ án đánh đập, cướp tiền của cậu bé bán vé sốLiên quan đến vụ việc nam thanh niên đánh đập, cướp tiền của cậu bé bán vé số, cơ quan chức năng đã quyết định khởi tố vụ án. |
Đã bắt được nghi phạm đánh đập, cướp tiền của cậu bé bán vé sốLiên quan đến vụ việc một kẻ lạ mặt đánh đập, cướp tiền của cậu bé bán vé số 13 tuổi, cơ quan công an đã bắt được nghi phạm này. |