Thứ sáu, 03/05/2019, 19:26 PM
  • Click để copy

Tin tai nạn giao thông mới nhất 4/5: Nóng với đề xuất bỏ tù những tài xế say rượu lái xe dù chưa gây tai nạn

Tin tai nạn giao thông mới nhất 4/5, dư luận xã hội đang lên án mạnh mẽ với hành vi uống rượu bia điều khiển xe gây tai nạn. Trong đó, đề xuất bỏ tù những tài xế say rượu lái xe dù chưa gây tai nạn được luật sư đưa ra nhận được nhiều chú ý.

Tin tai nạn giao thông mới nhất 4/5: Các luật sư lên án hành vi uống rượu lái xe gây tai nạn.
Tin tai nạn giao thông mới nhất 4/5: Các luật sư lên án hành vi uống rượu lái xe gây tai nạn.

Tin tai nạn giao thông mới nhất 4/5, có nhiều thông tin giao thông, các vụ tai nạn giao thông đáng chú ý. Mời bạn đọc theo dõi dưới đây.

Nhiều luật sư lên án hành vi say rượu lái xe

Những ngày qua, dư luận liên tiếp chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng xảy ra với nguyên nhân xuất phát từ việc các tài xế uống rượu bia rồi lái xe, khiến dư luận bức xúc.

Có thể kể ra đây những vụ tai nạn do tài xế uống rượu bia rồi lái xe điển hình như: Vụ việc tài xế Lê Trung Hiếu (39 tuổi, Hà Nội) điều khiển xe Mercedes GLA 250 màu trắng mang BKS 30F-154.78 sau khi uống rượu đã gây tai nạn làm 2 người phụ nữ tử vong ở hầm Kim Liên rạng sáng 1/5.

Trước đó là vụ tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi, Hà Nội) điều khiển ô tô trong tình trạng say xỉn đã đâm hàng loạt phương tiện lưu thông trên đường rồi bỏ chạy. Hậu quả khiến chị Lê Thị Thu Hà (42 tuổi, Hà Nội), là nữ lao công đang làm việc tử vong tối 22/4.

Hay vụ tai nạn giao thông chiều 11/4, trước nhà số 6 đường Nguyễn Công Trứ (TP Quy Nhơn, Bình Đình) làm 4 người chết, 6 người bị thương nặng. Tài xế Nguyễn Đức Huyện (60 tuổi, TP Quy Nhơn) gây tai nạn được xác định có nồng độ cồn vượt mức cho phép...

Trước những vụ tai nạn trên, nhiều người tỏ ra hết sức bất bình với hành vi uống rượu bia vẫn lái xe. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng nặng việc xử phạt, thậm chí cấm tài xế uống rượu khi lái xe và ngược lại "đã uống rượu thì không lái xe" bởi cho rằng việc xử lý hành vi này hiện nay còn tương đối nhẹ, không đủ tính răn đe, ngăn ngừa. 

Trao đổi cùng PV, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm (Đoàn Luật sư Hà Nội) lên án hành vi uống rượu say rồi lái xe. Luật sư Tú thậm chí cho rằng, phải "bỏ tù tài xế say xỉn lái xe dù chưa gây tai nạn".

Luật sư Trương Anh Tú.
Luật sư Trương Anh Tú.

Theo luật sư Tú, một hành vi được coi là phạm tội là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do đó việc uống rượu say rồi điều khiển phương tiện giao thông là tạo ra sự nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, việc xử lý hình sự không nhất thiết phải đợi đến khi xảy ra hậu quả.

Còn luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Hiện nay, hành vi sử dụng rượu bia rồi lái xe gây tai nạn được quy định trong nhóm tội về giao thông, là lỗi vô ý nên khung hình phạt còn nhẹ.

Luật sư Thơm cho rằng, phải xếp hành vi này vào nhóm tội cố ý. Vì pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc đưa vào cơ thể các chất kích thích như rượu bia, ma túy sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

“Với lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả xảy ra đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó. Nếu gây thương tích từ 11% trở lên thì xử tội cố ý gây thương tích, gây ra chết người thì xử theo tội danh giết người. Như vậy mới đủ sức răn đe”, luật sư Thơm kiến nghị.

Bộ Giao thông đề nghị tăng mức xử phạt tài xế uống rượu bia

Trước những vụ tai nạn giao thông do tài xế say rượu bia gây ra, mới đây Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã có chỉ thị yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với Vụ An toàn giao thông nghiên cứu sửa đổi nghị định 46/2016, theo hướng tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm. Đặc biệt là việc các tài xế uống rượu bia.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ có trách nhiệm phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra người điều khiển phương tiện trước khi xuất bến tại các bến xe, đầu nguồn hàng. Xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn, phối hợp với CSGT xử lý người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Bộ GTVT đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vận động người dân thực hiện khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”, khẩn trương phối hợp với các đơn vị xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phòng chống và xử lý vi phạm quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người lái xe cơ giới đường bộ năm 2019 và kỳ cao điểm Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán và Lễ Hội Xuân năm 2020 trình Lãnh đạo Ủy ban ký ban hành.

Đối với các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng quán triệt thực hiện nghiêm việc không được sử dụng rượu, bia, chất có cồn khác trong thời gian làm nhiệm vụ và khi tham gia giao thông.

Đề nghị này của Bộ trưởng Bộ GTVT được dư luận hết sức hoan nghênh, nhất là khi vừa qua trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn thương tâm do những tài xế "ma men" gây ra.

Cán bộ công chức làm việc từ 8h30, nghỉ trưa 1 tiếng không thể giải quyết tắc đường?

Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) công bố để lấy ý kiến, có nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận là đề xuất giờ làm việc trong các cơ quan hành chính trên cả nước sẽ bắt đầu từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 1 giờ.

Quy định này không áp dụng với những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24h để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân.

Việc đề xuất giờ làm mới này được đánh giá sẽ tác động không nhỏ đến tình hình giao thông tại các thành phố lớn, nhất là vào các giờ cao điểm sáng và chiều.

Đánh giá về vấn đề này, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc lùi giờ làm việc không mang lại nhiều ý nghĩa về giao thông bởi đối tượng tham giao giao thông không chỉ có công chức, viên chức mà còn có các học sinh, sinh viên, hay các cửa hàng, siêu thị...

“Nếu lấy thời gian bắt đầu làm việc của khối hành chính là 8h30 thì có nên đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại mở sau đó khoảng nửa tiếng (9h00) để đánh lệch thời điểm xuất phát của các chuyển đi, góp phần hạn chế lượng phương tiện ồ ạt ra đường trong cùng một lúc? Nếu không có sự thay đổi đó, việc điều chỉnh giờ làm việc của công chức bắt đầu tư 8h30 và kết thúc 17h30 cũng không ý nghĩa, không giảm được ùn tắc giao thông", một chuyên gia giao thông đề cập.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, việc quy định cứng giờ làm của công chức có thể khiến ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp hơn, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM do lượng phương tiện ra đường trong cùng một thời điểm tăng lên.

Ông Thủy nói: "Cơ quan hành chính không nhất thiết phải quy định cứng thời gian mà có thể lệch nhau từ 30 phút đến một tiếng. Ví dụ như giờ làm việc ở Hà Nội bắt đầu từ 7h30 thì khối cơ quan hành chính TW là 8h30 hoặc ngược lại. Chúng ta nên ưu tiên cho việc lệch giờ để tránh ùn tắc và hậu quả do ùn tắc giao thông gây ra thay vì quy định cứng giờ làm việc giữa cơ quan hành chính các cấp chỉ để phù hợp với xu thế".

Khẩn trương hoàn thiện danh mục các dự án giao thông trọng điểm 

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, việc triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các công trình, dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và những mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020.

Do đó, yêu cầu Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hành động quyết liệt hơn nữa để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ các công trình, dự án GTVT nói chung, đặc biệt là những công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Để thực hiện mục tiêu trên, đồng thời đảm bảo công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo nhà nước các công trình trọng điểm ngành GTVT được toàn diện, xuyên suốt và kịp thời. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện danh mục các dự án trọng điểm của ngành, trong đó phân loại cụ thể theo nhóm mức độ hoàn thành (đã hoàn thành, đang triển khai và chuẩn bị đầu tư) và theo 5 loại hình vận tải: đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa.

Trong đó, đặc biệt lưu ý các dự án có vai trò động lực trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh để sớm triển khai nghiên cứu, lập dự án đầu tư.

Đối với lĩnh vực đường bộ, ưu tiên tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau; các đoạn, tuyến kết nối với hệ thống đường cao tốc; kết nối giữa các cảng biển, cảng hàng không với các trung tâm sản xuất công nghiệp, đô thị lớn...; đối với lĩnh vực đường sắt, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuẩn bị lập dự án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có.

Đối với lĩnh vực hàng không, sớm nghiên cứu mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài và các sân bay địa phương gắn với các trung tâm phát triển kinh tế, du lịch; đối với lĩnh vực hàng hải, ưu tiên nâng cấp, đảm bảo khai thác có hiệu quả các cảng biển, đặc biệt là hai cảng cửa ngõ quốc tế là Cảng Cái Mép - Thị Vải và Cảng Lạch Huyện.

Đối với đường thủy nội địa, ưu tiên xử lý các nút thắt của giao thông thủy nội địa như kênh Chợ gạo, cầu Đuống, nâng cấp các tuyến đường thủy trọng yếu, liên vùng để giảm tải cho vận tải đường bộ; các tuyến đường thủy gắn với phát triển du lịch.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cùng các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dự án trọng điểm đang triển khai; chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; tập trung nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự án; tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ một số quy định chưa phù hợp...

Xe container lật, 2 anh em ruột chết thảm trên đường đi làm về

Vụ tai nạn giao thông xảy ra vào khoảng 18h30 chiều 2/5, trên QL14, đoạn qua thôn 5, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước khiến 2 người tử vong tại chỗ.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông. (Ảnh: Báo Giao Thông).
Hiện trường vụ tai nạn giao thông. (Ảnh: Báo Giao Thông).

Theo thông tin ban đầu, thời điểm trên, xe máy mang BKS: 77X5-XXX do anh Nguyễn Ngọc Th. (32 tuổi) điều khiển chở phía sau em ruột là Nguyễn Ngọc Th. (30 tuổi) lưu thông trên QL14 theo hướng Đắk Nông - TP Đồng Xoài.

Khi đến địa điểm trên thì bị xe container BKS: 51C-XXX chở đầy phế liệu lưu thông chiều ngược lại lật và đè trúng.

Vụ tai nạn khiến 2 nạn nhân bị vùi lấp dưới đống phế liệu. Được biết, nhà nạn nhân ở cách hiện trường khoảng 200 m. Hai nạn nhân đang trên đường đi làm về thì gặp phải tai nạn trên.

 

Những trường Hà Nội có học phí lớp 1 hàng trăm triệu đồng

Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội có học phí lên tới hơn 560 triệu đồng. Ít nhất 12 trường khác có mức học phí hơn 100 triệu đồng.

 

Cận cảnh nón Huế 'mọc sừng' tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019

Hình ảnh những chiếc nón Huế 'mọc sừng' không chỉ xuất hiện ở cầu Trường Tiền mà đã từng xuất hiện trong đêm khai mạc và bế mạc Festival Nghề truyền thống Huế 2019.

 

Bán ra 55kg sâm củ, chợ sâm Ngọc Linh nhẹ nhàng 'đút túi' gần 4 tỷ đồng

Ở phiên thứ 20 được tổ chức, chợ sâm Ngọc Linh đã bán ra tổng cộng 55kg sâm củ và thu về gần 4 tỷ đồng.