Thứ bảy, 18/05/2019, 08:02 AM
  • Click để copy

Huế: Sẽ tu bổ phục hồi bờ kè Hộ thành hào theo kỹ thuật truyền thống

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo, đối với đoạn kè đã thực hiện, cần rà soát, củng cố hồ sơ, thu thập tư liệu liên quan đối với đoạn kè theo báo chí phản ánh còn khá nguyên vẹn nhưng đã hạ giải để nghiên cứu tu bổ phục hồi theo kỹ thuật truyền thống trên nền móng đã gia cường.

tu-bo-phuc-hoi-bo-ke-ho-thanh-hao-theo-ky-thuat-truyen-thong
Kè Hộ thành hào ở cửa Quảng Đức trước khi tu bổ.

Liên quan đến vụ việc tu bổ, tôn tạo hệ thống kè hộ Thành hào mặt Nam Kinh thành Huế trông như mới, ngày 18/5, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: Qua kiểm tra, nhận thấy một số nội dung báo chí phản ánh là có cơ sở, đã có một số hạn chế tồn tại, thiếu sót trong quá trình thi công dự án và đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có những giải pháp khắc phục.

Trên cơ sở báo cáo của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Chủ đầu tư) về các thông tin báo chí liên quan việc tu bổ tôn tạo hệ thống kè Hộ Thành hào mặt Nam Kinh Thành thuộc dự án Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế và nội dung làm việc giữa UBND tỉnh, các ngành liên quan với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ngày 2/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có ý kiến.

tu-bo-phuc-hoi-bo-ke-ho-thanh-hao-theo-ky-thuat-truyen-thong
Kè Hộ thành hào ở cửa Quảng Đức sau khi tu bổ.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo, đối với đoạn kè đã thực hiện, cần rà soát, củng cố hồ sơ, thu thập tư liệu liên quan đối với đoạn kè theo báo chí phản ánh còn khá nguyên vẹn nhưng đã hạ giải để nghiên cứu tu bổ phục hồi theo kỹ thuật truyền thống trên nền móng đã gia cường; Khắc phục thiếu sót đối với việc thi công mặt ngoài kè đá; Tiếp tục nạo vét, thu hồi triệt để đá cũ còn sót để sử dụng tối đa theo yêu cầu.

Đối với đoạn kè chưa triển khai thi công, yêu cầu Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu tiếp tục rà soát và thực hiện nghiêm túc, đảm bảo các quy định về tu bổ, phục hồi di tích và các khuyến nghị, thỏa thuận thiết kế thi công của Cục Di sản văn hóa, cụ thể: Tập trung bổ sung khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng, tình trạng các đoạn kè để phân loại, xác định và thực hiện các giải pháp tu bổ, phục hồi phù hợp; Thực hiện công tác đánh giá di tích theo Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thực hiện triệt để việc thu hồi, tận thu tối đa vật liệu đá cũ trong quá trình thi công tu bổ; Giữa lại tối đa các đoạn kè nguyên gốc đảm bảo đủ kích thước và ổn định về khả năng chịu lực để bảo tồn, tu bổ nguyên trạng.

tu-bo-phuc-hoi-bo-ke-ho-thanh-hao-theo-ky-thuat-truyen-thong
Sau tu bổ kè Hộ thành hào trông như mới.

Đồng thời, tổ chức thông báo rộng rãi nội dung dự án, thiết kế để người dân, các nhà khoa học tham gia góp ý trong quá trình thực hiện, tạo sự đồng thuận; Chấn chỉnh công tác tổ chức thi công tu bổ, phục hồi di tích; Kiện toàn, chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát thi công, tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc tại hiện trường.

Yêu cầu Chủ đầu tư kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan để có biện pháp xử lý, chấn chỉnh khắc phục, không để xảy ra trường hợp tương tự; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/5.

Như trước đó đã thông tin, hộ thành hào là hào nước bao bọc quanh kinh thành Huế được triều Nguyễn xây dựng từ năm 1832. Đây là một phần trong Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

tu-bo-phuc-hoi-bo-ke-ho-thanh-hao-theo-ky-thuat-truyen-thong
Hiện nay có khoảng 1.000m kè đã được thi công, chiếm gần 10% so với tổng chiều dài kè sẽ được tu bổ ở Hộ thành hào.

Công trình này được đắp bằng đá núi, theo kỹ thuật xếp đá khan không sử dụng vữa kết dính. Trải qua thăng trầm của thời gian, công trình bị xuống cấp nên được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt dự án trùng tu và tôn tạo.

Trước đó, vào năm 2001, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định phê duyệt Dự án "Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế", với tổng mức đầu tư hơn 1.280 tỷ đồng.

Mới đây, đơn vị thi công là Phân viện Khoa học - công nghệ xây dựng miền Trung (Bộ Xây dựng) đã dùng xe xúc phá dỡ toàn bộ bờ kè nguyên gốc, rồi xây mới bờ kè bằng đá granite, vữa xi măng, ống nhựa để thoát nước, phần mặt ngoài kè có dán một số viên đá gan gà nguyên gốc pha lẫn đá mới.

Trong khi đó, theo hồ sơ dự án, phương án tu bổ là "Bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ, phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ".

tu-bo-phuc-hoi-bo-ke-ho-thanh-hao-theo-ky-thuat-truyen-thong
Cận cảnh kè Hộ thành hào được xây mới bằng đá granite, vữa xi măng.

Ngoài ra, trong cuộc họp lấy ý kiến của các thành viên trong Hội đồng khoa học, ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng Tham vấn (Nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) đưa ra kết luận: "Đơn vị tư vấn thiết kế cần khảo sát, đánh giá và xác định các đoạn kè đá nguyên gốc đang trong thực trạng ổn định để có phương án bảo tồn nguyên trạng; Phải tận dụng toàn bộ đá cũ đưa ra mặt ngoài và mặt trên, chỉ được sử dụng đá mới khi đá gan gà cũ không đảm bảo số lượng và chất lượng".

Tuy nhiên, khi dự án bắt đầu được triển khai đoạn từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài, đã xuất hiện những ý kiến trái chiều về công tác trùng tu.

Liên quan đến sự việc này, ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, nội dung báo chí phản ánh về việc tu bổ di tích Kinh thành Huế để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Video ghi lại cận cảnh đoạn kè Hộ thành hào sau tu bổ, tôn tạo:

 

Huế: Vì sao không xếp đá gan gà để tu bổ bờ kè hộ thành hào?

Liên quan đến vụ việc tu bổ bờ kè hộ thành hào đang trong quá trình diễn ra vấp phải sự phản ứng của dư luận, người chủ trì thiết kế phương án tu bổ di tích Hộ thành hào đã lý giải về việc vì sao không xếp đá gan gà để tu bổ.

 

Đã có sơ suất trong tu bổ bờ kè hộ thành hào ở Huế

Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (đơn vị chủ đầu tư dự án) thừa nhận đã có một số sơ suất trong việc tu bổ bờ kè hộ thành hào ở Huế.

 

Chiêm ngưỡng bờ kè Hộ thành hào được xếp khan không dùng vữa kết dính

Mặc dù không sử dụng vữa kết dính, thế nhưng, bờ kè hộ thành hào của Kinh thành Huế vẫn sừng sững tồn tại suốt hàng trăm năm qua.