Tại Hội thảo Quản lý chất lượng không khí Hà Nội "Từ cam kết đến hành động" diễn ra sáng 23/2, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, TP.Hà Nội đã có nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, nâng cao ý thức cộng đồng, cấm đốt bếp than tổ ong (đã giảm được 99,8% bếp than tổ ong), xử lý đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp, tăng rửa đường, kiểm soát khí thải đối với xe gắn máy…
Theo khảo sát đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) trong năm 2015, 40% tổng dân số của Hà Nội bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 ở ngưỡng gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia và gấp nhiều lần tiêu chuẩn thế giới. Hiện chưa có số liệu cập nhập trong năm 2023 nhưng với tốc độ đô thị hóa cao thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều so với cách đây 7-8 năm.
Bên cạnh đó, các nguồn phát thải tại nội đô chỉ chiếm 1/3 tổng phát thải, còn lại chủ yếu đến từ các vùng bên ngoài Hà Nội, các tỉnh lân cận và nguồn tự nhiên. Trên cơ sở đó, chuyên gia đưa ra 5 khuyến nghị để giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Một là thắt chặt hơn các giá trị giới hạn phát thải đối với nhà máy điện và có biện pháp cho các làng nghề.
Hai là thực thi hiệu quả cấm đốt rơm rạ ngoài trời và áp dụng các biện pháp giảm bụi đường sá.
Ba là có chế tài thực thi tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy, ôtô và xe buýt.
Bốn là quản lý bền vững chất thải rắn đô thị: Loại bỏ đốt rác lộ thiên, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại và tái chế rác thải…
Năm là cần giải quyết triệt để các nguồn phát thải amoni từ nông nghiệp. Đặc biệt, để cải thiện hiệu quả chất lượng không khí ở Hà Nội không chỉ Hà Nội làm mà cần phối hợp với các tỉnh trong khu vực.
Ngày nay, khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm khí hậu chu kỳ ngắn trong khu vực châu Á đã và đang gia tăng do sự gia tăng lên nhanh chóng của dân số và các hoạt động công nghiệp. Nhiều thành phố lớn trong vùng Nam Á và Đông Nam Á đang hứng chịu các vấn đề phức tạp về chất lượng không khí, trong đó hầu hết nguyên nhân đều đến từ quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá đi kèm với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Trong đó, Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi. Trong đó, bụi mịn PM2.5 được coi là “tử thần” có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng người già, trẻ em.
Trước đó, trong bản công bố kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của 63 tỉnh/TP năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống, Hà Nội trong Top 5 địa phương có mức độ hài lòng thấp nhất, cùng với Bắc Kạn, Hà Giang, Vĩnh Phúc và Bình Phước
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Việt Nam hiện còn thiếu các nghiên cứu về ô nhiễm không khí, giải pháp hiện nay chủ yếu vẫn chỉ là... chờ mưa.
Và “điệp khúc” ô nhiễm không khí theo mùa sẽ còn tái diễn nếu không có các biện pháp kiểm soát nguồn phát thải hiệu quả. "Mưa chỉ giải quyết được tức thời tình trạng ô nhiễm thôi. Các cấp phải ngồi lại cùng các biện pháp để giảm thiểu: hạn chế phương tiện giao thông như thế nào? Nhiều người có đốt rác hay không? Thế rồi các cơ sở sản xuất, các làng nghề ví dụ tái chế giấy, kim loại, nhựa,… Phải làm cương quyết mới mong hạn chế được phần nào", TS Tùng nhấn mạnh.