Rầm rộ… chạy bộ
Có thể nói vài năm trở lại đây phong trào chạy bộ ở TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác của nước ta có sự phát triển hết sức mạnh mẽ. Mỗi buổi sáng, buổi tối tại nhiều công viên cũng như cung đường đẹp, nhiều cây cối, khu ven hồ..., người ta có thể dễ dàng gặp nam phụ lão ấu miệt mài “cày đường”.
Hàng trăm hội nhóm dành cho những runner (người chạy bộ) được lập trong một thời gian ngắn, thu hút rất nhiều thành viên. Không chỉ chạy quanh quẩn tại một số công viên, hồ nước trong nội thành, nhiều nhóm thường xuyên rủ nhau tìm đến những cung đường độc lạ.
Giải thích về phong trào chạy bộ, anh Hoàng Phương - một vận động viên (VĐV) giàu kinh nghiệm cho biết, chạy bộ là một trong những môn thể thao rất tốt cho sức khỏe. Khi tập luyện thường xuyên, có kế hoạch, sức khỏe sẽ được cải thiện đáng kể. Thêm vào đó đây là một môn thể thao hết sức đơn giản, gần như không tốn trang thiết bị như các môn “sành điệu” đắt đỏ khác. Chỉ cần quần đùi, áo phông và một đôi giày là có thể bắt đầu luyện tập.
Như được tiếp thêm hơi nóng, gần đây, mỗi năm ở Hà Nội có hàng chục các cuộc thi marathon được tổ chức hoành tráng, chuyên nghiệp. Từ các giải đường trường như VNE marathon, VPbank marathon, Long Biên marathon, Ecopark marathon... cho đến chạy trail (địa hình) thuộc hệ thống VMM (Vietnam Moutain Marathon) như Sapa marathon đều có số lượng VĐV tham gia rất đông.
Việc tổ chức các giải chạy cũng làm giàu cho các đơn vị tổ chức. Chỉ đơn cử mỗi giải có khoảng 2.000-5.000 runner tham gia, ban tổ chức bán BIB (thẻ có gắn chíp phục vụ thi đấu) cùng bộ race-kit với giá trung bình 500 nghìn đồng/bộ đã có thể thu về một vài tỉ đồng. Chưa kể nguồn tài trợ từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Cùng với đó là số lượng thiết bị đeo (đồng hồ thông minh, vòng đeo thông minh), các loại giày hỗ trợ môn thể thao này cũng bán chạy chưa từng thấy. Hàng chục đầu sách dành cho runner cũng được xuất bản, tái bản rầm rộ như “Sinh ra để chạy”; “Tôi nghĩ gì khi chạy bộ”...
Rõ ràng, chạy bộ là môn thể thao rất tốt, dành cho đại chúng. Và so sánh với nhiều quốc gia trên thế giới như Đài Loan, Singapore, Mỹ, Nhật Bản... thì số lượng các cuộc thi marathon cũng như phần trăm dân số tham gia môn thể thao này ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.
Mặc dù vậy xung quanh phong trào chạy bộ cũng có không ít những chuyện bi hài, những câu chuyện phi thể thao, phản sức khỏe mà bản thân các runner cần phải tự nhìn lại mình, để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Trong các nhóm chạy ở Hà Nội, nhóm nào hầu như cũng có thành viên “ảo tưởng sức mạnh”, nghĩ là mình “sinh ra để chạy”. Dù chỉ luyện tập một thời gian ngắn, bữa đực bữa cái nhưng hễ có giải là tham gia. Thấy sức không theo được thì tìm mua các loại thuốc tăng lực, thuốc giảm đau... để đua với những VĐV chuyên nghiệp, có quá trình luyện tập lâu dài.
Cần biết lắng nghe cơ thể
Có thể thấy đa phần các tai nạn xảy ra cho VĐV là do các nguyên nhân chủ quan. Runner nghiệp dư Việt Hà (hiện đang công tác tại một doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu) cho biết, chị bắt đầu đến với môn chạy bộ khoảng 4 năm về trước. Do tập luyện đều đặn, có phương pháp nên sức khỏe của chị được cải thiện rõ rệt. Từ mốc 10km ban đầu, chỉ vài tháng chị đã nâng lên 21km (còn gọi là Half-marathon), rồi lên 42km Full-marathon. Chị thường xuyên tham gia nhiều cuộc thi marathon. Đồng thời chị cũng tham gia câu lạc bộ để có bạn chạy cùng cho vui, thêm động lực.
Trong nhóm này có một thành viên nam (tên Thành) tỏ ra hết sức có “năng khiếu”. Tuy vậy, runner này muốn “đốt cháy” giai đoạn, vừa tập luyện được vài ngày đã tham gia cuộc thi Full marathon với “pace” khủng là 4,5 (chạy 1km trong thời gian trung bình 4 phút rưỡi). Và hậu quả là chạy chưa được nửa đường đã bị tụt huyết áp, gục ngã giữa đường. May cứu hộ kịp thời có mặt đưa đi viện cấp cứu mới giữ được tính mạng.
Hài hước không kém là có những runner tham gia giải chạy chỉ để “làm màu”. Họ đóng tiền mua race-kit, cũng đầu tư giày chuyên nghiệp của các hãng nổi tiếng... song cuộc thi chỉ vừa bắt đầu thì lại chuồn ra một góc ăn uống bét nhè. Khi các VĐV về đích thì họ chạy ra mượn huy chương, ra background chụp ảnh như thể vừa trải qua 42km nhọc nhằn.
Nguy hiểm hơn, một số runner chạy mãi không vượt được ngưỡng của mình thì nghĩ đến các loại thuốc, nước uống để tăng cơ bắp cũng như chống co cơ, thuốc giảm đau. Một khi sử dụng những loại thuốc này, VĐV có cảm giác mình như “siêu nhân” có thể chạy cả ngày không biết mệt. Song thực tế, đã có nhiều runner phải trả giá đắt khi không nghe được cơ thể cảnh báo, không phát hiện được huyết áp tăng cao bất thường, vẫn cố chạy và kết cục là phải cấp cứu trong bệnh viện, thậm chí có người tử vong.
Mới đây nhất, ngày 14-4-2024, tại giải chạy Tây Hồ Half Marathon 2024, một sự việc đáng tiếc đã xảy ra khi một VĐV nam 34 tuổi bất ngờ ngã gục và ngừng tim chỉ cách vạch đích 100m. Theo đánh giá của đội ngũ y bác sĩ, tình trạng bệnh nhân không thể qua khỏi. Thông tin ban đầu cho biết, người này có tiền sử tăng huyết áp 4 năm và thường xuyên sử dụng thuốc điều trị.
Theo anh Cao Minh Tùng, Giám đốc kỹ thuật của một trung tâm Yoga-Fitness, các VĐV muốn có một sức khỏe tốt thì phải một kế hoạch luyện tập, biết lượng sức trong tập luyện cũng như trong thi đấu. Những người bị bệnh tim, huyết áp, các bệnh về xương khớp... tuyệt đối không nên chạy bộ mà có thể tham gia nhiều môn khác như đạp xe, yoga...
Với các VĐV chạy bộ, khi mới bắt đầu luyện tập chỉ nên bắt đầu với 3-5km trong vài tuần đầu. Sau đó tăng lên 7-10km các tuần tiếp theo. Trước khi tập luyện, thi đấu cần phải khởi động kỹ... Đặc biệt hạn chế dùng các loại thuốc kháng đau, kháng viêm hoặc thực phẩm chức năng bởi nó sẽ làm giảm khả năng phát hiện các dấu hiệu bất thường của cơ thể, nhất là những thay đổi nhỏ. Bên cạnh các bài tập nên bổ sung dinh dưỡng. Giấc ngủ cũng cần được chăm sóc, ngủ đủ và đúng chu kỳ...
Các VĐV muốn có một sức khỏe tốt thì phải một kế hoạch luyện tập, biết lượng sức trong tập luyện cũng như trong thi đấu. Những người bị bệnh tim, huyết áp, các bệnh về xương khớp... tuyệt đối không nên chạy bộ mà có thể tham gia nhiều môn khác như đạp xe, yoga..