Phát biểu với các phóng viên tại Brussels hôm thứ Hai (13/11) sau cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao EU, ông Borrell cho biết: “Gói trừng phạt thứ 12 này sẽ bao gồm… các lệnh cấm xuất khẩu mới, trong số đó… là kim cương, các hành động thắt chặt trần giá dầu, nhằm giảm doanh thu của Nga từ việc bán dầu - không phải cho chúng tôi mà cho những người khác - (và) đấu tranh chống lại hành vi né tránh trừng phạt”.
Kể từ khi Nga bắt đầu xung đột với Ukraine vào tháng 2/2022, EU đã thông qua 11 gói trừng phạt, nhắm vào quân sự, năng lượng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, theo dữ liệu chính thức, doanh thu từ ngành dầu khí của Nga đã tăng trong tháng 10.
Một trong những biện pháp mà EU và Mỹ đưa ra là áp mức trần giá cho dầu xuất khẩu của Nga.
Được ban hành vào tháng 12 năm ngoái bởi nhóm các nền kinh tế G7 và Úc, cơ chế này bắt buộc các chủ tàu chở dầu phương Tây và các công ty bảo hiểm hàng hải phải có được sự bảo đảmrằng dầu của Nga được vận chuyển hoặc bảo hiểm được bán dưới mức trần 60 USD/thùng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nga bắt đầu báo cáo rằng dầu Urals, loại dầu thô được giao dịch phổ biến nhất của nước này, đã được bán trên mức giá trần trong mùa hè.
Tờ Financial Times của Anh dẫn lời một quan chức cấp cao của chính phủ châu Âu nói rằng “hầu như không có” chuyến hàng chở dầu nào của Nga bằng đường biển trong tháng 10 có giá dưới mức giới hạn.
“Dữ liệu mới nhất cho thấy rằng chúng ta sẽ phải cứng rắn hơn..., hoàn toàn không được để Nga tiếp tục làm điều này”, vị quan chức này nói.
Tuy nhiên, ông Mikhail Krutikhin, đối tác của Công ty tư vấn năng lượng RusEnergy có trụ sở tại Moscow, nghi ngờ khả năng của phương Tây trong việc thắt chặt cơ chế trần giá.
Theo ông, kể từ khi được phê duyệt, các nhà khai thác dầu của Nga và các chi nhánh của họ đã thành lập một số lượng lớn các công ty cho thuê tàu chở dầu, có trụ sở tại các quốc gia không tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế, để họ có thể tiếp tục vận chuyển dầu mà không cần tuân theo giới hạn giá.
Ông cho biết các công ty vận chuyển dầu của Nga cũng đã xây dựng mối quan hệ với một số lượng lớn các công ty bảo hiểm nằm “ngoài nhóm các công ty bảo hiểm uy tín của phương Tây”.
Ông Krutikhin kết luận rằng các thành viên G7 không có cơ chế thu thập bằng chứng về hành vi vi phạm trần giá hoặc có hành động chống lại những bên không tuân thủ.
Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói với Financial Times rằng mục đích của việc giới hạn giá không chỉ là để “khiến càng nhiều thùng dầu được bán dưới mức giới hạn càng tốt” mà còn là “để thay đổi các ưu đãi của Nga theo cách khiến nước này phải đưa ra những lựa chọn khó khăn”.
Quan chức này tuyên bố rằng việc chuyển sang bán dầu mà không có bảo hiểm và vận chuyển của phương Tây đã tiêu tốn một “khoản chi phí lớn” cho Điện Kremlin.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nga lưu ý rằng mức chiết khấu của Urals so với dầu thô Brent đã thu hẹp gần đây xuống dưới 10 USD/thùng so với 30 đến 40 USD/thùng vào năm ngoái. Điều này cũng đã được xác nhận bởi các cơ quan giá dầu độc lập.
Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ đã yêu cầu thông tin từ 30 công ty quản lý tàu biển về 98 tàu bị nghi ngờ vi phạm trần giá.
Trong số 30 công ty quản lý tàu được liên hệ, 17 công ty thuộc các nước thuộc liên minh G7, 6 công ty từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, số còn lại đến từ Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông và Indonesia, một người quen thuộc với vấn đề này nói với Financial Times.