Vườn quốc gia Tràm Chim trở thành khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam
Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) có tổng diện tích gần 7.500ha, nằm trong vùng đất Đồng Tháp Mười. Tại đây có hơn 130 loài thảm thực vật khác nhau, có 231 loài chim nước thuộc 25 chi, 49 họ với nhiều loài chim quý như: ngan cánh trắng, cốc đế, già sói, sếu đầu đỏ...
Riêng về thủy sản, tại đây có 130 loài cá nước ngọt thuộc 11 bộ, 31 họ và 79 giống, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: cá lóc, trê vàng, cá dày, thát lát. Tại vườn còn có 29 loài lưỡng cư, bò sát, thuộc 3 bộ, 11 họ và 25 giống, chiếm 53% tổng thành phần loài lưỡng cư, bò sát nước ngọt của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, với tất cả sự đa dạng sinh học cao, Vườn quốc gia Tràm Chim là nơi bảo tồn văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh tự nhiên của vùng Đồng Tháp Mười và đây còn là nơi nghiên cứu, học tập của học sinh, sinh viên các tổ chức bảo tồn quốc tế về hệ sinh thái đất ngập nước nội địa.
Cho đến ngày nay, đây còn là một điểm tham quan du lịch sinh thái lý tưởng của người du khách trong và ngoài nước khi đến Đồng Tháp.
Điều đặc biệt, vừa qua, Vườn quốc gia Tràm Chim đã được thế giới công nhận là khu Ramsar vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về mặt đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên.
Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết: Kể từ khi Vườn quốc gia Tràm Chim trở thành khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam đã được đầu tư triển khai thi công các dự án đầu tư xây dựng và phát triển Vườn như: Trại thực nghiệm, bảo tồn và phát triển Vườn quốc gia Tràm Chim khu Ramsar. Đầu tư hạ tầng phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim. Công trình đầu tư hệ thống cây xanh khu vực trụ sở mới.
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Tràm Chim còn tổ chức phối hợp với các ngành liên quan tuần tra bảo vệ rừng, phòng chống xâm nhập, chăn thả gia súc trái phép.
Khi vào mùa khô, lực lượng chức năng cùng nhân viên của Vườn quốc gia Tràm Chim tuần tra 24/24 để phòng chống cháy rừng và bố trí máy móc, thiết bị chữa cháy xuống tận địa bàn trọng điểm, tổ chức bơm tưới nước bổ sung độ ẩm, nhờ vào việc đó mà trong nhiều năm liền đã không xảy ra vụ cháy rừng nào lớn tại Vườn quốc gia này.
Bảo tồn hệ sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim gắn với du lịch
Liên quan đến hoạt động bảo tồn, nghiên cứu khoa học Vườn quốc gia Tràm Chim, ông Lâm cho biết đơn vị đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng và các cơ quan để tiếp nhận 20 cá thể bò sát, hơn 400 cá thể chim và 400 kg cá.
Thực hiện tổ chức thống kê, qua quá trình giám sát các loài chim nước, quý hiếm, ban quản lý đã ghi nhận 8 loài chim quý hiếm, 78 loài thông thường khác, đồng thời còn tạo cảnh quan, sinh cảnh, bãi ăn cho loài chim sếu đầu đỏ tại phân khu A1 và A3.
Bên cạnh việc bảo tồn Vườn quốc gia Tràm Chim, mới đây nhất, UBND Đồng Tháp cũng đã ra quyết định phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2030.
Mục tiêu cụ thể của phương án quản lý rừng bền vững cho Vườn quốc gia Tràm Chim khi bàn về kinh tế, doanh thu từ các hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, thuê môi trường rừng đạt khoảng 10 tỉ đồng/năm để phục vụ trở lại công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển Vườn quốc gia Tràm Chim.
Còn về môi trường, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước, với khoảng 2.600 ha rừng tràm, 3.600 ha các sinh cảnh đồng cỏ tiêu biểu như: Sen, súng, cỏ ống, mồm mốc, hoàng đầu ấn, lúa ma, năng ống, năng kim là nơi cư trú. Phân bố của nhiều loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm thông qua các biện pháp quản lý điều tiết nước, các chương trình phòng cháy chữa cháy rừng, phục hồi các sinh cảnh rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Đồng thời, không thể không kể đến, nhiều năm qua, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Đồng Tháp gắn với xây dựng nông thôn mới đã được khai thác và phát huy được nhiều thế mạnh của vùng.
Tại đây có nhiều loại hình và sản phẩm du lịch nông nghiệp nổi bật như: Du lịch tham quan các vườn dừa, vườn cây ăn trái, trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân, tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc trưng gắn liền với ruộng, vườn, cây trái và hoa kiểng,…
Với sự phát triển, đẩy mạnh hoạt động du lịch tại khu vực, hiện nay toàn tỉnh có 80 điểm du lịch nông nghiệp, cộng đồng đã được UBND tỉnh Đồng Tháp đưa vào quy hoạch và đầu tư phát triển. Và được toàn vùng xem du lịch là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế cho địa phương và gắn với xây dựng nông thôn mới.