Uống nước lá đinh lăng hàng ngày có tốt không?
Cây đinh lăng vốn được mệnh danh là "nhân sâm của người nghèo". Nhiều gia đình đã tận dụng đinh lăng như một loại thuốc, một loại đồ uống tốt cho sức khỏe. Vậy, uống nước lá đinh lăng hàng ngày có tốt không?
Tác dụng của cây đinh lăng
Đinh lăng có tên gọi khác: Cây gỏi cá, sâm nam …
Thuộc họ: Ngũ gia bì Araliaceae.
Bộ phận dùng: Toàn thân (củ, thân cây, lá cây).
Thành phần hóa học: (Theo Đỗ Tất Lợi) thành phần có alkaloid, glucozid, saponin, flavonoid, tannin, vitaminB1, acid amin …
Trước đây người dân thường trồng làm cảnh ở góc hè. Khoảng 15 năm gần đây khi người dân bắt đầu biết đến tác dụng của đinh lăng thì phong trào trồng và thu hoạch đinh lăng làm thuốc mới nhiều.
Cây đinh lăng dùng làm thuốc thì càng lâu năm càng tốt. Cây có tuổi đời từ 10 năm trở lên quý như nhân sâm. Lá thường dùng ăn gỏi cá chữa đau bụng, giải độc có tôm. Phía bắc thường dùng lá ăn với thịt chó hoặc thịt mèo.
Theo y học cổ truyền lá đinh lăng có tác dụng phát tán phong nhiệt, chữa đau đầu, cảm nắng. Dùng lá sắc đặc uống có tác dụng tiêu nhọt, áp xe vú.
Lá sắc uống có tác dụng điều trị tiểu máu, tiểu buốt dắt do viêm tiết niệu do sỏi.
Thân cây thái lát phơi khô rồi sao vàng hạ thổ dùng điều trị các bệnh lý về xương khớp, điều trị đau lưng mỏi gối, đau nhức các khớp.
Củ cây đinh lăng có giá trị cao, có tác dụng bồi bổ cơ thể phục hồi tốt cho người mới ốm dậy, tốt cho tiêu hóa, làm mát cho cơ thể. Các thầy thuốc Đông y quý củ đinh lăng lâu năm như sâm cao ly.
Củ rễ cây đinh lăng sao vàng hạ thổ tác dụng điều trị viêm đại tràng mạn tính.
Uống nước lá đinh lăng hàng ngày có tốt không?
Nước lá đinh lăng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe và được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực y học cổ truyền và làm đẹp. Tuy nhiên, bạn không nên uống nước lá đinh lăng hàng ngày thay cho nước lọc, bởi vì nước lá đinh lăng có thể gây ra các tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
Lá của cây đinh lăng có chứa nhiều chất saponin. Chất này có thể gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy ở những người mắc hội chứng ruột kích thích và thậm chí là gây phá hủy hồng cầu. Ngoài ra, khi bạn uống quá nhiều nước đinh lăng, cơ thể dung nạp quá nhiều saponin sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nôn mửa. Do đó, bạn không nên uống nước đinh lăng thường xuyên, chỉ nên sử dụng đủ trong một thời gian nhất định. Nếu gặp phải các tác dụng phụ kể trên, bạn nên ngưng sử dụng và đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.