Do dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều nên gánh nặng hỗ trợ phục hồi kinh tế đang đặt lên vai chính sách tài khóa rất nhiều. Phần lớn nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là từ chính sách tài khóa. Vai trò của đầu tư công là cực kỳ quan trọng cho triển vọng tăng trưởng năm 2023. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh chương trình phục hồi, cần thiết thì có sự chỉnh sửa linh hoạt để triển khai.
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công là một giải pháp cho phục hồi kinh tế, tuy nhiên dù trong tháng 11 này đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa để về đích cả năm 2022.
Mới đây, báo Đầu tư đưa tin, có 6 cơ quan trung ương và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 80% kế hoạch thủ tướng giao. Nhiệm vụ giải ngân năm nay hết sức nặng nề vì còn hơn 41 % chưa giải ngân. Bộ kế hoạch và Đầu tư kiến nghị không trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022, coi đây là điều kiện để xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của năm nay của người đứng đầu bộ và địa phương.
Còn tờ Người lao động cho hay, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều nền gánh nặng hỗ trợ phục hồi kinh tế đang đặt lên vai chính sách tài khóa lên rất nhiều. Do đó, vai trò của đầu tư công là cực kỳ quan trọng cho triển vọng tăng trưởng năm 2023.
Giải ngân vốn đầu tư công cũng chính là nội dung được thảo luận rất thẳng thắn tại phiên họp của HĐND TP.HCM. Tại phiên họp này, UBND TP đã đề xuất tạm dừng thực hiện 17 dự án giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn ngân sách là 1.400 tỷ đồng.
Một tờ báo bình luận, lý do đưa ra là bởi các dự án đều chậm tiến độ triển khai do ảnh hưởng của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, một số dự án có nguy cơ đội vốn. Nguồn vốn dự tính dành cho các dự án này sẽ được bố trí cho những dự án cấp bạch khác. Việc này cho thấy thông điệp mạnh mẽ của TP về nâng hiệu quả đầu tư công. Chậm trễ thì đứng sang 1 bên để ưu tiên cho các dự án khác.
Một năm 2022 chuẩn bị khép lại cũng là lúc nhìn lại một năm điều hành kinh tế và có những bài học quý giá cho năm 2023 và những năm tiếp theo. Theo báo Công Thương, nếu như trước đây cải cách hành chính của Việt Nam tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính thì nay cải cách phải tạo ra động lực để phát triển thị trường, từ đó phân bổ sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý. Ở đây, việc củng cố và tăng cường niềm tin thị trường đang trở nên đặc biệt quan trọng, làm nền cho mục tiêu tăng trưởng bền vững.
TS. Võ Trí Thành: Kết quả phục hồi kinh tế năm 2022 khá ấn tượng, tuy nhiên đằng sau quá trình phục hồi này có một số vấn đề cần lưu ý. Từ đầu năm, chúng ta kỳ vọng triển khai chương trình phục hồi, trọng tâm là đầu tư công và nhờ tăng trưởng xuất khẩu. Song đến nay nhìn lại, động lực phục hồi 3 quý vừa qua chủ yếu là từ xuất khẩu, tiêu dùng và một phần nào đó là giải ngân vốn FDI. Tình hình này đặt ra vấn đề liệu các động lực tăng trưởng năm tới có còn tốt như năm nay hay không?
Từ cuối quý III đến nay, kinh tế đã bắt đầu xuất hiện nhiều khó khăn. Bên cạnh những áp lực rất lớn cho vĩ mô về lãi suất, tỷ giá, lạm phát, thì còn xảy ra những vụ việc không hay liên quan đến thị trường tài chính, hệ thống tài chính ngân hàng. Sản xuất bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn. Đơn hàng xuất khẩu của rất nhiều lĩnh vực giảm một cách đáng kể.
TS. Võ Trí Thành: “Bên cạnh những kết quả đạt được, khi nhìn lại tôi cũng có sự tiếc nuối rằng, giá như chúng ta thực hiện được chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và mạnh hơn; nếu thực hiện được đầu tư công nhanh, mạnh hơn, kết quả phục hồi sẽ tốt hơn và đặt thêm nền tảng cho những năm sau.