Thứ tư, 08/05/2019, 17:33 PM
  • Click để copy

Bi hài chuyện người dân góp tiền đóng cọc tre trên sông ngăn chặn ‘cát tặc’

Để ngăn “cát tặc” hoành hành trên dòng sông yên bình, người dân Thừa Thiên Huế đã mua cọc tre đóng trên dòng sông nhằm ngăn chặn tàu thuyền khai thác cát.

bi-hai-chuyen-nguoi-dan-gop-tien-dong-coc-tre-tren-song-ngan-chan-cat-tac
Sông Bồ có nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng.

Dựng trận địa cọc tre trên sông để chống “cát tặc”

Câu chuyện tưởng chỉ có trong cổ tích nay đã thành sự thật trên dòng sông Bồ (đoạn qua tổ dân phố Lại Bằng 2, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Theo tìm hiểu, từ bao đời nay, người dân ven sông đã gắn bó với vùng sông nước yên bình này. Thế nhưng, gần đây, cứ đêm đến, người dân lại chứng kiến cảnh tượng đau lòng diễn ra ngay cạnh mình sinh sống. Các tàu lần lượt được đưa đến đây hút cát… ảnh hưởng đến hai bên bờ sông cũng như cuộc sống của người dân.

Để đối phó với tình trạng này, người dân nơi đây đã nghĩ ra cách để bảo vệ chính cuộc sống của họ. Bất đắc dĩ, họ mới đóng cọc, lắp kè đá ngầm rào sông.

Những ngày qua, sự việc bi hài trên diễn ra ngay trên dòng sông yên bình, những hàng dài cọc tre được kéo dài liên tục trông như một trận địa.

Ghi nhận của chúng tôi, một dãy cọc tre khoảng 50 cọc được đóng từ bờ ra giữa sông Bồ. Dãy cọc này được chôn theo hướng hình vòng cung, nhô lên khỏi mặt nước chừng hơn 0,5 mét và được gia cố bên dưới bởi đá sạn.

Phía bên kia sông, rất nhiều cọc tre cũng đã được người dân thôn Sơn Bồ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) tập kết để chuẩn bị đóng xuống sông. Tàu thuyền di chuyển lên về đều phải “khổ cực” để luồn lách qua dãy cọc tre...

Nhiều đoạn bờ sông Bồ hiện nay cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Nói về việc này, người dân địa phương kể lại, việc đóng cọc tre xuất phát từ nạn khai thác cát sạn trái phép cứ tiếp diễn vào ban đêm, đỉnh điểm là việc lồng cá của dân bị phá hoại gần đây. Do đó, có khoảng 200 người dân tổ dân phố Lại Bằng 2 đã họp lại, thống nhất đóng góp mỗi hộ 100.000 đồng mua tre, đá hộc và thuê phương tiện để đóng cọc xuống sông.

bi-hai-chuyen-nguoi-dan-gop-tien-dong-coc-tre-tren-song-ngan-chan-cat-tac
Trận địa cọc tre giữa dòng sông Bồ.

Bà Trần Thị L. (67 tuổi) cho hay: “Đêm đêm, người ta cứ lần này đến lần khác đưa tàu đến hút cát. Bất đắc dĩ lắm nên người dân chúng tôi mới tìm cách đóng cọc, lắp kè đá ngầm rào sông. Biết không xin chính quyền là trái quy định, nhưng mục đích sau cùng của bà con nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng, bảo vệ bờ đê khỏi bị sạt lở thêm”.

Được biết, cọc tre sẽ chặn những thuyền chở cát sạn sau khi khai thác ở mỏ cát được cấp phép của Công ty TNHH MTV Xây dựng & Giao thông Tuấn Hải và những thuyền khai thác trái phép khu vực gần đó.

Vận động người dân tháo gỡ cọc tre

Liên quan đến sự việc này, ông Châu Văn An - Chủ tịch UBND phường Hương Vân cho biết, sau khi nắm tình hình, địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng đến vận động người dân dừng việc đóng và gia cố cọc tre.

“Việc tự ý đóng cọc tre của người dân là vi phạm pháp luật, dễ dẫn đến tai nạn đường sông. Hiện tàu thuyền vẫn qua lại được vì cọc chỉ đóng nửa sông. Chúng tôi đã đối thoại, tiếp thu kiến nghị của người dân. UBND phường cũng đã làm báo cáo gửi lên UBND thị xã Hương Trà và trước mắt sẽ có phương án để cảnh báo cho các tàu thuyền đi qua đoạn sông đã đóng cọc tre”, ông An chia sẻ.

bi-hai-chuyen-nguoi-dan-gop-tien-dong-coc-tre-tren-song-ngan-chan-cat-tac
Người dân góp tiền mua tre tạo ra trận địa giữa sông.

UBND thị xã Hương Trà và UBND huyện Phong Điền đã tiến hành họp nhằm có phương án kiểm tra việc khai thác cát của Công ty TNHH MTV Xây dựng & Giao thông Tuấn Hải và hàng loạt cọc tre trên sông Bồ.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Ngày 6/5, anh Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì cuộc họp với huyện cũng như thị xã Hương Trà, các cơ quan ban ngành và đã chỉ đạo quyết liệt. Hiện tại, giao cho thị xã Hương Trà vận động bà con tháo gỡ các cọc tre. Giao Sở TN&MT có văn bản chỉ đạo Công ty TNHH MTV Xây dựng & Giao thông Tuấn Hải dừng khai thác để đánh giá lại ĐTM (Đánh giá tác động môi trường) và độ sâu khai thác cũng như tìm phương án chống sạt lở ở khu vực đó”.

bi-hai-chuyen-nguoi-dan-gop-tien-dong-coc-tre-tren-song-ngan-chan-cat-tac
Bi hài trận địa cọc tre chống “cát tặc”.

Thời gian qua, UBND tỉnh này đã tiến hành siết chặt quản lý khai thác cát ở tất cả mọi con sông trên địa bàn tỉnh. Việc này đã đẩy cát sạn trở nên khan hiếm và giá tăng “phi mã”. Đây cũng là lý do khiến việc khai thác cát trái phép vào ban đêm ngày càng phức tạp.

Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay, trên sông Bồ có 2 giấy phép khai thác cát được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH MTV Xây dựng và Giao thông Tuấn Hải. Cụ thể, gồm giấy phép được cấp phép khai thác tại bãi bồi Lại Bằng và giấy phép được cấp phép khai thác tại khu vực Khe Băng thuộc phường Hương Vân (Thị xã Hương Trà) và xã Phong Sơn (huyện Phong Điền).

Trong khi đó, người dân Hương Vân cho rằng, họ không tin Công ty TNHH MTV Xây dựng và Giao thông Tuấn Hải tuân thủ giấy phép khai thác. Do đó, họ đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương về tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc được cấp mỏ để khai thác ngoài khu vực quy định, vượt quá khối lượng được cấp phép, gây xói lở bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, kiến nghị trên vẫn chưa được giải quyết cho thỏa đáng.

 

Lại xuất hiện thêm một người dân bị “cát tặc’ đánh phải nhập viện

Trong khi vụ việc một người dân ở TP. Huế bị “cát tặc” chém trọng thương đang còn điều trị tại bệnh viện, mới đây, một người dân ở thị xã Hương Trà cũng bị “cát tặc” đánh nhập viện.

 

Triệu tập thêm một đối tượng trong vụ ‘cát tặc’ chém người dân nhập viện

Một đối tượng thứ 2 đã được công an triệu tập trong vụ việc tấn công người dân xua đuổi thuyền trộm cát.

 

Chủ tịch tỉnh thăm hỏi người dân bị ‘cát tặc’ tấn công nhập viện

Sau khi xảy ra vụ việc người dân bị “cát tặc” hành hung phải nhập viện, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến bệnh viện thăm hỏi.