Bị phạt nếu để khách ăn cỗ lấy phần mang về: 'Quá phi lý'
Theo các chuyên gia văn hóa, việc đi ăn cỗ lấy phần là tục lệ có từ thời xưa, ở mỗi làng mỗi xã có cách hiểu khác nhau và vì thế việc đặt ra quy định "gia chủ bị phạt nếu để khách ăn cỗ lấy phần mang về là quá phi lý".
Mới đây dư luận cả nước đã xôn xao trước thông tin một số xã ở huyện Giao Thủy (Nam Định) có đề ra quy định xử phạt đối với gia đình nào có cỗ để khách ăn cỗ lấy phần mang về.
Cụ thể: Theo phản ánh trên báo chí, quy định xử phạt gia chủ có cỗ nếu để khách đến ăn cỗ lấy phần mang về được xã Giao Long (Giao Thủy) đưa ra áp dụng gần đây.
Theo lời ông Trần Hoài Nam – Chủ tịch UBND xã Giao Long thì đây là chủ trương của UBND huyện Giao Thủy trong cuộc vận động văn minh văn hóa, làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần. Không riêng gì xã Giao Long mà có khoảng 5-6 xã đã tham gia thực hiện thí điểm được hơn 2 năm nay.
Ông Nam nói: “Khi người ta đi đăng ký (kết hôn), phía xã sẽ tuyên truyền và vận động là không làm cỗ to, không để xảy ra tình trạng lấy phần. Kể cả người dân khi đi ăn cỗ, chúng tôi cũng tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn hóa mới. Cán bộ văn hóa xã, công an xã và đại diện các thôn, xóm sẽ tuyên truyền với gia đình chủ cỗ, đồng thời giám sát việc này”.
Chủ tịch UBND xã Giao Long cho hay, khi các gia đình đi đăng ký trên xã, mỗi gia đình sẽ phải đặt cọc 3 triệu đồng. Việc này do chính quyền xã tự đặt ra để đe người dân.
Nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị xử phạt, trừ vào số tiền đã đặt cọc. Ông Nam lấy ví dụ, 1 người lấy phần có thể phạt 500.000 đồng, 2 người có thể lên đến 1.000.000 đồng… nói chung, tùy vào mức độ để xử lý chứ không có con số cụ thể.
Ông Nam cũng tiết lộ rằng, cách làm này được chính quyền huyện, xã học từ bên huyện Hải Hậu (Nam Định).
Trước quy định lạ lùng trên, nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng: "Việc xử phạt này có đúng pháp luật không khi việc ăn cỗ lấy phần là tục lệ vốn có của nhiều làng xã, thậm chí cả ở các thành phố lớn ở Việt Nam? Và rằng việc ăn cỗ lấy phần có phải hành vi vi phạm pháp luật không? Nhiều người cho rằng, việc ăn cỗ lấy phần là nét văn hóa, nét phong tục riêng ở mỗi vùng miền và xấu, đẹp hay phản cảm là ở tùy từng vùng miền, hoàn cảnh?"
Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: "Quy định trên là quá phi lý".
Ông Biền cho rằng, ăn cỗ lấy phần là một phong tục dân gian có từ thời xưa. "Nó không phải là phong tục xấu, nó cũng chẳng phản cảm, chẳng phải vi phạm pháp luật mà người ta lại đem xử phạt. Thế nhỡ nhà có cỗ cứ phải cử người giữ cỗ không cho khách lấy phần à?.
Ví dụ người ta đi ăn cỗ nhưng khi về chủ nhà lại đưa ít phần để mang về, có khi là miếng bánh, khi là hoa quả, oản...", PGS.TS Trần Lâm Biền đặt câu hỏi.
Nhà nghiên cứu văn hóa kỳ cựu này cho rằng, phong tục ăn cỗ lấy phần ở mỗi vùng khác nhau, mỗi người có thể cảm nhận khác nhau. "Có thể không phù hợp với nếp sống hiện đại nhưng chỉ nên tuyên truyền, khuyên bảo chứ không nên áp đặt xử phạt, đó là tự do của mỗi người, mỗi nhà", ông Biền bày tỏ.
Cùng trao đổi với PV, TS. Phạm Việt Long - nguyên Chánh Văn Phòng Bộ Văn Hóa thông tin (nay là Bộ VHTT&DL), Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến cho rằng: "Lấy phần khi đi ăn cỗ là phong tục dân gian có từ xưa. Nó thể hiện sự quan tâm, nhớ đến người ở nhà, đó là nét đẹp thể hiện tình cảm gia đình của người Việt Nam ngày xưa. Nhưng ở thời nay thì nhiều người cho rằng, thức ăn không thiếu và lấy phần như vậy là nhếch nhác... nhưng đó là cảm nghĩ của mỗi người ".
Theo TS Phạm Việt Long, việc ăn cỗ lấy phần không ảnh hưởng gì đến luật pháp, không ảnh hưởng đến xã hội nên việc ra quy định xử phạt là không nên. "Đó không phải hủ tục còn tùy cảm nghĩ của mỗi người. Chính quyền không nên đưa pháp luật can thiệp quá mức vào phong tục văn hóa".
Tìm thấy thi thể nữ sinh lớp 10 mất tích nhiều ngày ở Nam ĐịnhThi thể nữ sinh lớp 10 mất tích khi đi tập văn nghệ ở Nam Định đã được tìm thấy dưới sông. |