Chủ đầu tư Hòa Bình Green City 'ôm' quỹ bảo trì: Hà Nội yêu cầu xử lý

Thứ ba, 30/06/2020, 08:47 AM

TP Hà Nội yêu cầu Thanh tra giải quyết dứt điểm việc chủ đầu tư "chung cư dát vàng" Hòa Bình Green City 505 Minh Khai "ôm" hàng chục tỷ đồng quỹ bảo trì.

Cư dân Hòa Bình Green City 505 Minh Khai căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng.

Cư dân Hòa Bình Green City 505 Minh Khai căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng.

Chung cư nhiều bê bối

Chung cư Hòa Bình Green City 505 Minh Khai được mệnh danh là "chung cư dát vàng" là tổ hợp căn hộ chung cư cao cấp kết hợp trung tâm thương mại, được thiết kế với 2 tòa tháp cao 27 tầng, xây dựng trên diện tích đất 1,7 ha tại số 505 Minh Khai (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Dự án do Công ty TNHH Hòa Bình (ông Nguyễn Hữu Đường còn được biết đến với biệt danh đại gia Đường bia - giữ chức Chủ tịch HĐQT) làm chủ đầu tư.

Chung cư này đã bắt đầu bàn giao cho cư dân về ở từ năm 2014. Nhưng suốt những năm qua Hòa Bình Green City của đại gia Đường bia dính rất nhiều lùm xùm như: triển khai xây dựng khi chưa có giấy phép, chưa nộp thuế nhưng vẫn hoàn thiện xong phần móng; tự ý xây dựng hai ngôi chùa trên nóc hai tòa nhà; xây dựng làm nứt nhà dân, cư dân căng băng rôn đòi sổ hồng, hay mới nhất là lùm xùm ôm hàng chục tỷ đồng tiền quỹ bảo trì….

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND TP Hà Nội giao Thanh tra TP thực hiện nhiệm vụ đã được phân công, nghiên cứu phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, UBND quận Hai Bà Trưng theo đề xuất của Sở Xây dựng về việc ủy quyền cho UBND quận Hai Bà Trưng ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì tòa B Hòa Bình Green City 505 Minh Khai.

Được biết, ban quản trị nhà chung cư Hòa Bình Green City được UBND quận Hai Bà Trưng ra quyết định công nhận từ ngày 21/3/2019, tuy nhiên chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị theo quy định pháp luật.

Theo phản ánh, tổng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của 2 tòa A, B chung cư Hòa Bình Green City khoảng 41 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 6/3, Văn phòng UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng yêu cầu Công ty TNHH Hòa Bình (chủ đầu tư dự án Hòa Bình Green City) bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư tòa B cho ban quản trị theo quy định.

Ngày 27/3, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư dự án nhà chung cư Hòa Bình Green City số tiền 125 triệu đồng. Đồng thời UBND TP cũng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc chủ đầu tư bàn giao ngay kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định.

Thế nhưng, sau khi UBND TP Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Hòa Bình - chủ đầu tư chung cư Hòa Bình Green City 505 Minh Khai có văn bản số 77 gửi một số cơ quan trung ương và TP Hà Nội với nội dung: "Hết tháng 5/2020 nếu các khách hàng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì công ty chúng tôi sẽ phối hợp với khách hàng tại dự án khởi kiện UBND TP việc không có thông báo xác nhận dự án Hòa Bình Green City đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng tại dự án".

Ngoài "dọa" kiện ra tòa, Công ty TNHH Hòa Bình còn đề nghị UBND TP Hà Nội thu hồi quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1270/QĐ-UBND ngày 27/3.

Liên quan tới việc làm "sổ hồng" chung cư này, ngày 4/5, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Công ty TNHH Hòa Bình và Công ty CP Nông sản Agrexim góp vốn hợp tác đầu tư chưa nộp cho Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội hồ sơ, tài liệu văn bản của các cơ quan có liên quan.

Kiểm tra dữ liệu trên hệ thống thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận thấy chủ đầu tư dự án Hòa Bình Green City chưa nộp hồ sơ đề nghị thẩm tra pháp lý để có cơ sở làm "sổ hồng".

Đại gia Đường "bia" là ai?

Tìm hiểu được biết, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Hoà Bình, người được gọi với cái tên “đại gia Đường bia” vốn là một cựu chiến binh xuất ngũ năm 1979.

Sau khoảng 10 năm đạp xích lô chở bia thuê trong HTX vận chuyển bia của công ty Bia Hà Nội, năm 1987 khi Nhà nước cho phát triển nhiều thành phần kinh tế, với vốn học mót kinh nghiệm làm bia, ông Đường đã đứng ra lập tổ hợp Thương binh nặng Hòa Bình.

Trên cơ sở đó đến năm 1993, công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình ra đời, đây là doanh nghiệp tư nhân sản xuất bia đầu tiên tại Hà Nội và là đơn vị thứ hai làm bia sau Công ty Bia Hà Nội. 

Sau đó, phát hiện ra nhiều công ty nước ngoài bán malt (hạt đại mạch nảy mầm đã qua chế biến dùng để sản xuất bia) kém chất lượng vào Việt Nam, ông Đường quyết định đổ 250 tỷ đồng vào xây dựng nhà máy sản xuất malt đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á vào năm 2002.

Ông Nguyễn Hữu Đường trả lời thắc mắc của cư dân Hoà Bình Green City trong buổi đối thoại.

Ông Nguyễn Hữu Đường trả lời thắc mắc của cư dân Hoà Bình Green City trong buổi đối thoại.

Nhà máy đặt tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh), áp dụng công nghệ hiện đại bậc nhất của CHLB Đức và sản phẩm malt làm ra không thua kém gì so với malt nhập khẩu.

Cũng bởi không chịu lép vế trước doanh nghiệp ngoại, ông Đường còn bắt tay vào sản xuất nước giải khát (nước có ga và không ga), trực tiếp cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế vốn đang phổ biến tại Việt Nam như Coca-Cola hay Pepsi. Công ty của ông Đường đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất nước ngọt đặt tại Bắc Ninh mang tên V-Cola, công suất hơn 200 triệu lít/năm.

Ngoài làm bia, làm malt, làm nước ngọt, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường còn tham gia vào lĩnh vực sản xuất thép không gỉ, bắt đầu từ năm 2008... Có lẽ cũng vì đó mà cái tên Đường "bia" được nhiều người gắn cho vị đại gia này.

Những năm gần đây, Hòa Bình lấn sân sang kinh doanh bất động sản và nhanh chóng sở hữu nhiều dự án đình đám tại Hà Nội, Đà Nẵng... Trong đó, phải kể đến trước tiên chính là dự án Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng, còn gọi là khách sạn Vịnh Vàng, có bể bơi trên tầng 29 được dát vàng 24K, từng chạy đua tiến độ để kịp phục vụ cho hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.

Công ty Hòa Bình cũng là chủ đầu tư tòa tháp đôi Hòa Bình (Hòa Bình Somerset) với hai sân bay trên nóc, hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm 2006, dự án Nhà máy Đường Man (tại Bắc Ninh), dự án Khách sạn Hòa Bình Palace (27 phố Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); dự án Hòa Binh Green Apartment (tại dốc 376 đường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội).

Tuy nhiên, không ít dự án mang bóng dáng vị đại gia này cũng được biết đến thông qua những lùm xùm, tai tiếng.

Bài liên quan