Thứ sáu, 03/01/2020, 19:48 PM
  • Click để copy

Uống rượu bia dắt bộ xe máy sẽ không bị xử phạt?

Theo nhận định của luật sư, nếu người uống rượu bia dắt xe máy chỉ để đối phó thì CSGT chỉ cần chứng minh bằng hình ảnh. Còn sau khi uống rượu bia mà xuống dắt bộ xe máy thì khó xử lý.

Để phạt được người sử dụng rượu bia dắt xe đối phó thì CSGT cần phải có hình ảnh chứng minh. (Ảnh minh họa).
Để phạt được người sử dụng rượu bia dắt xe đối phó thì CSGT cần phải có hình ảnh chứng minh. (Ảnh minh họa).

Dư luận đang xôn xao về Nghị định 100/2019/NĐ – CP chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020, trong đó có quy định xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.

Trước những mức phạt nặng mà nghị định quy định nhiều người vẫn băn khoăn đặt câu hỏi nếu những người sử dụng rượu bia xong mà không điều khiển xe, lựa chọn phương án dắt xe thì có bị xử lý không?

Trao đổi với PV về thắc mắc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp lái xe máy uống rượu bia hoặc có vi khác vi phạm luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, khi gặp CSGT họ xuống xe dắt bộ đi qua chốt của lực lượng chức năng.

Đây có thể là một hình thức đối phó của người vi phạm đối với hoạt động thực thi pháp luật của CSGT.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 đã tăng mức xử phạt tiền các lỗi vi phạm lớn hơn nhiều so với Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, trong đó có cả xe mô tô, xe thô sơ.

Do đó, để tránh việc xử phạt, một số trường hợp đã chống đối bằng hình thức khi nhìn thấy CSGT từ xa đã dừng xe xuống dắt bộ.

Theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì chỉ có thể xử phạt người đang điều khiển phương tiện. Trong trường hợp này, họ đang dắt xe chứ không điều khiển xe tham gia giao thông.

"Để có thể xử phạt, CSGT phải chứng minh được lái xe vi phạm mà trước đó điều khiển xe. Nếu người vi phạm không thừa nhận thì CSGT có thể chứng minh bằng camera, hình ảnh, người làm chứng", luật sư Thơm nêu quan điểm.

Làm thế nào để không xử lý "oan" cho người có nồng độ cồn do ăn hoa quả?

Thiếu tá Nguyễn Quang Nam - Đội CSGT số 4 (phòng CSGT - Công an TP Hà Nội) cho biết: Lực lượng CSGT sẽ thực hiện 5 bước theo quy trình để kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, cụ thể như sau:

Bước 1: Thông báo cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhiệm vụ kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề.

Bước 2: Mời người tham gia giao thông chấp hành kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng CSGT.

Bước 3: Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông bằng máy kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở. Người bị kiểm tra sẽ ngậm vào ống thổi, sau đó thổi dứt khoát vào máy cho đến khi cán bộ kiểm tra thông báo ngừng lại.

Bước 4: Nếu người bị kiểm tra không vi phạm về nồng độ cồn sẽ tiếp tục di chuyển. Nếu vi phạm về nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ – CP thì lực lượng CSGT sẽ kiểm tra đăng ký xe, GPLX và các giấy tờ hành chính có liên quan.

Bước 5: Thông báo lỗi vi phạm nồng độ cồn, mức xử phạt và lập biên bản theo quy định.

Về việc các trường hợp người vi phạm nồng độ cồn khẳng định chỉ ăn hoa quả, uống siro hoặc đồ uống lên men, Thiếu tá Nam cho hay lượng cồn trong hoa quả, siro hay thức uống y tế để chữa bệnh có nồng độ rất thấp, không đến mức bị xử lý vi phạm.

Khi gặp trường hợp người vi phạm đưa ra lý do ăn hoa quả, uống siro mà có cồn trong cơ thể, tổ công tác sẽ cho người tham gia giao thông kiểm tra nồng độ cồn bình thường. Sau đó, lực lượng chức năng sẽ đối chiếu với lượng cồn có thể có trong cơ thể người sau khi ăn hoa quả, uống siro hoặc đồ uống lên men. Nếu kết quả vượt quá mức cho phép sẽ xử phạt.

Đối với các trường hợp người vi phạm nồng độ cồn không công nhận kết quả kiểm tra bằng ống thở mà muốn được xét nghiệm máu để làm rõ, sẽ cử cán bộ đưa người này đến cơ sở y tế gần nhất để làm thủ tục xét nghiệm và xử lý trên kết quả nồng độ cồn trong máu.

Ngoài những thắc mắc về quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT, nhiều người cũng tỏ ra lo ngại xảy ra trường hợp một ống thổi được dùng cho nhiều người sẽ có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm.

Về vấn đề này, Thiếu tá Nam khẳng định, các ống thổi gắn vào máy chuyên dụng để kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông là ống thổi được sử dụng một lần duy nhất, không được tái sử dụng.

 

Xây dựng Thừa Thiên Huế: 'Chúng ta phải tiến lên, không có đường lùi'

Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Chủ tịch tỉnh này cho rằng, phải tiến lên, không có đường lùi.

 

Vũ trường King Night bị sập, nhiều người bị thương

Chiều 3/1, vũ trường King Night Club trên đường Cách Mạng Tháng 8, TP Bà Rịa bị sập khiến nhiều người bị thương.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/uong-ruou-bia-dat-bo-xe-may-se-khong-bi-xu-phat-148183.html