Thứ hai, 06/05/2019, 09:41 AM
  • Click để copy

Đề xuất tử hình bằng lá ngón có khả thi?

Trước đề xuất của cử tri Hà Nội về việc tử hình bằng lá ngón thay vì tiêm thuốc độc cho phạm nhân để tiết kiệm chi phí, các luật sư đã đưa ra quan điểm dưới góc độ pháp lý.

Cử tri Hà Nội đề nghị áp dụng hình thức tử hình bằng lá ngón thay vì tiêm thuốc độc đối với phạm nhân nhằm tiết kiệm chi phí. (Ảnh: Infonet).
Cử tri Hà Nội đề nghị áp dụng hình thức tử hình bằng lá ngón thay vì tiêm thuốc độc đối với phạm nhân nhằm tiết kiệm chi phí. (Ảnh: Infonet).

Dư luận đang xôn xao trước việc một cử tri ở Hà Nội vừa qua đưa ra đề xuất tử hình bằng lá ngón  với phạm nhân thay vì tiêm thuốc độc để tiết kiệm chi phí.

Cụ thể: Tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, diễn ra sáng 4/5 tại Hoàn Kiếm, cử tri Trần Ngọc Toán nêu cho rằng: Việc tử hình phạm nhân bằng hình thức tiêm thuốc độc như hiện nay gây tốn kém ngân sách mà thời gian chờ đợi quá lâu, trong khi tồn đọng tử tù lớn gây nghi ngờ trong xã hội.

"Tại sao chúng ta không dùng phương pháp rất đơn giản và hiệu quả nhất là lá ngón, đỡ tốn kém. Dùng lá ngón, hình phạt tự tử tù phải ăn, chỉ cần 11 lá ngón là thi hành án xong rồi", cử tri Toán đặt vấn đề.

Đề xuất của cử tri này hiện đang nhận được nhiều quan tâm từ dư luận. Nhiều người bày tỏ sự đồng tình khi cho rằng việc tiêm thuốc độc để tử hình phạm nhân rất tốn tiền đến gần 300 triệu đồng, trong khi lá ngón là một loại thực vật cực độc có nhiều ở vùng núi lại không được tận dụng. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến nói rằng việc tử hình bằng lá ngón là không nhân văn, gây nhiều khó khăn...

Đã có nhiều trường hợp tự tử bằng lá ngón.
Đã có nhiều trường hợp tự tử bằng lá ngón.

Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định: "Điều 7 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị đã nêu: "Không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm. Đặc biệt, không ai có thể bị sử dụng để làm thí nghiệm y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý tự nguyện của người đó".

Việt Nam là thành viên của công ước này. Ngày 17/6/2010 với đa số phiếu tán thành, Quốc hội nước ta đã nhất trí từ 1/7/2011 ở nước ta sẽ áp dụng hình thức thi hành án tử hình mới: Tiêm thuốc độc".

Sáng 6/8/2013, việc thi hành án tử bằng phương thức tiêm thuốc độc đã lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Tử tù đầu tiên được thi hành án bằng phương thức này tại Trại giam Công an Hà Nội là Nguyễn Anh Tuấn (SN 1986, quê ở Mê Linh, Hà Nội). Tử tù này đã được tiêm đầy đủ 3 mũi thuốc độc gây mê; làm tê liệt hệ thần kinh, cơ bắp và ngừng hoạt động tim.

Theo luật sư Bình, thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc được cho là phương thức ưu việt nhất hiện nay, giúp tử tù ít đau đớn nhất và đã được áp dụng ở một số nước trên thế giới từ nhiều thập kỷ trước.

"Sở dĩ nhiều nước lựa chọn cách tử hình này vì không tạo ra những cảnh man rợ như đầu rơi, máu chảy, phạm nhân gào thét vì đau đớn. Các chuyên gia y học thế giới thường nhận xét về biện pháp tử hình này là cách "chết nhẹ nhàng", "chết không đau đớn".

Luật sư Diệp Năng Bình.
Luật sư Diệp Năng Bình.

Trên thế giới, trong gần 80 nước đang áp dụng án tử hình, có hơn 30 nước áp dụng hình thức tiêm thuốc độc. Tiêm thuốc độc bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn, phù hợp tâm lý Á Ðông, gia đình xin nhận xác bị án về mai táng... Chủ trương này cũng thể hiện sự đối xử rất tình người, nhân đạo ngay cả khi tử tù đã bị tước đi quyền sống", luật sư Bình bày tỏ.

Về đề xuất tử hình bằng lá ngón, luật sư Bình cho rằng: Lá Ngón có thành phần có thể giết người. Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, sau đó dẫn đến mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn co giật và chết.

Như vậy, có thể thấy cái chết do lá ngón đem lại là đau đớn thể xác, không nhân đạo. Các tử tù trước khi chết còn được ăn một bữa cơm cuối cùng thịnh soạn thì không lấy lý do gì để chúng ta cho họ ăn lá ngón", luật sư Bình chia sẻ quan điểm.

Vị luật sư nói thêm: Nghị Quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nêu rõ hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

Như vậy, có thể thấy kiến nghị tử hình bằng lá ngón là chưa phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp nước ta, thể hiện sự văn minh và nhân đạo của pháp luật và đi ngược với Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam ta đã ký tham gia.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thi hành án tử hình phải dựa trên pháp luật Việt Nam và luật pháp Quốc tế liên quan đến quyền con người nói chung. Xu hướng chung ở Việt Nam và trên thế giới là dần thu hẹp án, tiến tới loại bỏ án tử hình.

 

Nam thanh niên nghi giết người rồi gọi điện, chỉ đường cho công an

Tối 5/5, một vụ án mạng nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn phường Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) làm một người chết tại chỗ, một người nguy kịch.

 

Nghi án chồng sát hại vợ trong căn nhà trọ

Nghe tiếng kêu cứu của người phụ nữ ở phòng trọ, người dân đến can thiệp thì thấy cửa bị khóa chặt. Khi họ mở được cửa thì thấy chị này đã tử vong trong khi người chồng bị thương.

 

Huế: Bắt giữ nhiều người trong nhóm côn đồ chém người ở tiệm cầm đồ

Công an đã bắt giữ nhiều đối tượng trong nhóm côn đồ hung hãn gây ra vụ cố ý gây thương tích, cố ý làm hư hỏng tài sản tại tiệm cầm đồ Quốc Anh.