'Điểm nóng' Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La chuẩn bị thế nào trước ngày thi THPT Quốc gia 2019?
Cả 3 địa phương là Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La đều khẳng định quyết tâm không để tái diễn việc gian lận thi cử xảy ra trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.
Ngày 24/6, một ngày trước khi hàng triệu học sinh cả nước bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2019, các địa phương đã có những báo cáo về công tác chuẩn bị phục vụ kỳ thi này.
Công tác thi cử năm nay có 3 địa phương được dư luận đặc biệt quan tâm gồm: Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La.
Đây là 3 "điểm nóng" từng xảy ra gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, với con số là 222 thí sinh được nâng sửa điểm. Trong đó, có 114 thí sinh ở Hà Giang, 64 thí sinh ở Hòa Bình (một thí sinh của năm 2017) và 44 thí sinh ở Sơn La. Trong số này có 6 thủ khoa, á khoa các trường Đại học lớn được nâng từ 15 đến 27 điểm.
Về tình hình thi THPT Quốc gia 2019, ghi nhận tại cả 3 địa phương đều cho thấy có sự quan tâm đặc biệt trong khâu giám sát, phương án chống hành vi gian lận.
Sơn La lâp camera giám sát an toàn
Báo cáo của Sơn La cho thấy, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 địa phương này có 33 điểm thi với 453 phòng thi được lắp đặt hệ thống camera giám sát an toàn.
Ban chỉ đạo thi thành lập 11 đoàn kiểm tra giám sát các điểm thi. Đến thời điểm này, công tác sao in đề thi đến 33 điểm thi được đánh giá an toàn. Ban chỉ đạo liên tục rà soát danh sách các cán bộ tham gia coi, sao in đề thi.
Đối với những cán bộ có người nhà hay thí sinh dự thi năm nay đều bị gạt bỏ khỏi danh sách và thay thế kịp thời bằng những cán bộ khác.
Ban đầu, tỉnh Sơn La công bố có 10.068 thí sinh dự thi. Tuy nhiên, đến hôm nay con số này bị giảm đi 6 do 2 em có thành tích tốt được thi tuyển thẳng, 4 em đau ốm không đảm bảo kết quả học nên không đủ điều kiện dự thi. Các em thí sinh sẽ được tỉnh hỗ trợ 50 nghìn đồng ăn trưa tại các điểm thi.
Ngoài ra, Hội đồng thi cũng yêu cầu các em thí sinh để lại số điện thoại liên lạc trong trường hợp gặp khó khăn khi đến trường thi.
Công tác chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia 2019 tại tỉnh này được đánh giá là tốt dù đang gặp nhiều khó khăn. Nhất là là thời điểm diễn ra thi cử Sơn La đang trong mùa mưa bão nên các phương án đảm bảo về thời tiết, mưa lũ, sạt lở đất cũng được tính đến để đảm bảm an toàn nhất cho kỳ thi.
Ông Lê Hồng Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn la, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2019, tại buổi kiểm tra công tác tổ chức thi THPT Quốc gia năm 2019 sáng 24/6, đã yêu cầu tiếp tục siết chặt công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là ở các điểm thi; quản lý chặt chẽ, đảm bảo tuyệt đối an toàn khu vực quản lý đề thi, bài thi..
Hà Giang khẳng định sẽ đảm bảo quá trình thi nghiêm túc, trung thực
Theo báo cáo, Hà Giang có 5.180 thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2019. Trong đó, có 4.717 thí sinh GDPT, 463 thí sinh GDTX, 299 thí sinh tự do.
Địa phương bố trí 20 điểm thi với 224 phòng thi và 590 cán bộ địa phương làm công tác quản lý, coi thi, giám sát, phục vụ kỳ thi, đến thời điểm này, các công việc chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất.
Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang khẳng định, sẽ đảm bảo quá trình thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, trung thực để lấy lại niềm tin của người dân, xã hội sau ồn ào gian lận thi cử năm 2018.
Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Giang - Nguyễn Thế Bình cho biết: Ngay từ rất sớm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo và phân công Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn làm Trưởng ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.
Cũng theo ông Bình, Hà Giang cũng hình thành hệ thống Ban chỉ đạo thi cấp huyện, thành phố. Trong Quy chế thi chỉ yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, nhưng Hà Giang thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, thành phố, trong đó có các ngành thành viên có liên quan với công tác thi, có sự có mặt của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Việc này nhằm tạo sự chỉ đạo liên tục, xuyên suốt, xử lý được các tình huống tại chỗ ngay về công tác phối hợp. Ví dụ bão lũ, mưa lụt chẳng hạn, thiên tai thì phải khắc phục tại chỗ và trực tiếp chịu trách nhiệm là Ban chỉ đạo thi cấp huyện, thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang, nhân sự làm công tác thi THPT Quốc gia 2019 phải trải qua lựa chọn nhiều vòng. Các trường giới thiệu lên Sở, Sở xem xét, lựa chọn, gửi văn bản sang cơ quan có liên quan như Công an tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để thẩm định thân nhân, báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh, quyết định phân công bố trí vào các nhiệm vụ, các khâu, các bước của kỳ thi năm 2019.
Theo ông Bình, lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Sở chi 1 tỷ đồng lắp đặt camera giám sát an ninh tại các điểm thi, khu vực chấm thi, in sao đề thi. Tỉnh Hà Giang chi thêm 5 tỷ đồng cho hoạt động nghiệp vụ thi.
Công tác lựa chọn và bố trí nhân sự trực tiếp tham gia tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2019 trong tất cả các khâu như in sao đề thi, coi thi, làm phách, chấm thi... được thực hiện thận trọng, có sự phối hợp liên ngành, thẩm tra của công an tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Năm nay, tỉnh Hà Giang lựa chọn Nhà khách Biên phòng của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm nơi in sao đề thi, còn nơi chấm thi là Trường THCS Điện Biên.
Khu vực in sao đề thi được bảo vệ nghiêm ngặt; 20 điểm thi còn lại, mỗi nơi lắp 2 mắt camera. Khu vực lưu trữ đề thi luôn có một cán bộ điểm phó của trường đại học cùng với cán bộ Công an thường trực trông giữ, bảo quản đề thi. Tổng số lượng lực lượng an ninh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 tại Hà Giang là hơn 200 người.
Hòa Bình: Sở GD&ĐT yêu cầu nhân sự tham gia thanh tra kỳ thi có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt
Báo cáo của Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 địa phương này huy động 37 trưởng điểm thi, 74 thư ký, 412 cán bộ coi thi, 112 cán bộ giám sát, nhân viên phục vụ là 490 người cho kỳ thi THPT Quốc gia. Năm nay tỉnh có 8.993 thí sinh đăng ký dự thi với 37 điểm thi, 393 phòng thi.
Trong đề nghị giới thiệu nhân sự tham gia thanh tra kỳ thi, Sở GD&ĐT yêu cầu các cán bộ này phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; là cộng tác viên thanh tra có kinh nghiệm thanh tra thi...
Những con số khủng trong gian lận thi cử 2018
Tổng số thí sinh bị phát hiện gian lận là 222 thí sinh, trong đó có 114 thí sinh ở Hà Giang (đã đã bị trả về điểm thật trước mùa tuyển sinh năm 2019; 64 thí sinh ở Hòa Bình (một thí sinh của năm 2017) và 44 thí sinh ở Sơn La.
Trong số này có sáu Thủ khoa, á khoa các trường Đại học lớn được nâng từ 15 đến 27 điểm; vẫn còn 37 thí sinh sửa điểm chưa được xác định.
Thí sinh được nâng điểm “khủng” nhất là thí sinh N.A.T, ở Sơn La, số báo danh 14000815, được nâng tới 26,55. Điểm chấm lần đầu môn Toán: 9, Lý: 9, Ngoại ngữ: 9. Điểm chấm thẩm định lại: Toán: 0, Lý: 0,25, Ngoại ngữ: 0,2. Thí sinh này trong danh sách trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát và đã bị trả về.
Thí sinh tự do N.H.Q. của Hoà Bình có tổng điểm khi chấm lần đầu là 27,5, trở thành “thủ khoa” Trường Sĩ quan Lục quân 1.
Cụ thể, môn toán thí sinh này được 9,2 điểm, môn lý được 9 và môn hoá được 9,25 điểm. Tuy nhiên, điểm thực của thí sinh này chỉ là 1 điểm môn toán, môn lý và môn hoá đều 0 điểm (!). Tổng cộng, thí sinh này được nâng khống tới 26,45 điểm. Tuy nhiên, thí sinh này đã xin thôi học ngay khi nhập trường...
Sơn La bổ nhiệm Phó giám đốc Sở GD&ĐT trước ngày thi THPT Quốc gia 2019Một ngày trước kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, Sở GD&ĐT Sơn La có thêm một Phó Giám đốc mới là ông Nguyễn Huy Hoàng, nguyên Bí thư huyện ủy Vân Hồ. |
Gian lận điểm thi tại Sơn La: 7 cán bộ Công an bị lấy lời khai là ai?Trong vụ gian lận điểm thi tại Sơn La, ngoài 2 cựu cán bộ Công an tỉnh bị khởi tố thì còn 7 cán bộ trong ngành Công an bị mời làm việc, lấy lời khai. |
Hà Nội bất ngờ hạ điểm chuẩn vào lớp 10Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển bổ sung vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2019 - 2020. Đáng chú ý, trong số 37 trường THPT công lập, có nhiều trường thuộc Top đầu. |