Gian Lận thi cử ở Sơn La: Điểm Văn nâng từ 4 lên 8,5 điểm, giáo viên chỉ nhận do chấm ẩu, chấm thoáng?
Sau khi chấm thẩm định môn Văn, nhiều thí sinh điểm từ 8,5 giảm xuống còn 4 điểm nhưng các giáo viên chỉ thừa nhận do chấm ẩu, chấm thoáng, chấm đón ý... mà không thừa nhận được ai tác động nâng điểm cho thí sinh.
Tiếp tục thông tin về vụ việc gian lận thi cử ở Sơn La xảy ra tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, cán bộ trong ngành giáo dục và cán bộ của tỉnh Sơn La đã "nâng điểm, sửa điểm" để nhiều thí sinh đạt được số điểm xét tuyển vào đại học năm 2018.
Để đạt được mục đích trên, ngoài việc nâng sửa điểm các môn trắc nghiệm thì các thí sinh còn được "giúp đỡ" nâng, sửa điểm đối với môn tự luận (tức Ngữ Văn), đây là môn thi tự tay các em làm vì thế rất khó để sửa kết quả. Vậy bằng cách nào các đối tượng này có thể thay đổi kết quả, nâng sửa điểm thi theo "đặt hàng"?
Tại bản kết luận điều tra, cơ quan chức năng cũng nêu ra những lời khai của các giáo viên chấm điểm môn văn của các thí sinh có điểm chênh lệch gần gấp đôi sau khi chấm thẩm định. Trong đó có trường hợp thí sinh được 8,5 điểm nhưng sau khi Bộ GD&ĐT chấm thẩm định điểm số giảm hơn 1 nửa chỉ còn 4 điểm.
Vậy nhưng khi bị triệu tập, xác minh thì các giáo viên này chỉ thừa nhận thực hiện sai quy trình, quy chế trong việc ghi điểm trên bài thi, nhập kết quả chấm 1 vào phiếu chấm 2 thay cho thư ký. Số cán bộ giáo viên này chỉ thừa nhận chấm sai nhưng là do chấm ẩu, chấm thoáng, chấm đón ý... mà không thừa nhận được ai tác động nâng điểm cho thí sinh.
Cụ thể, căn cứ tài liệu có trong hồ sơ Cơ quan An ninh điều tra Sơn La xác định có 7 cặp giáo viên chấm 10 bài thi văn bị hạ điểm sau khi chấm thẩm định gồm:
1. Cặp giáo viên Dương Thị Đạt - Trường THPT Chiềng Sinh (TP Sơn La) và Lò Thị Dung - Trường THPT Bình Thuận (Thuận Châu - Sơn La).
Cặp giáo viên này chấm bài thi môn Văn của thí sinh Ngô Đức Anh được 8 điểm, sau chấm thẩm định bị hạ xuống còn 5 điểm. Bài thi của thí sinh Lê Văn Hải từ 8,5 điểm hạ xuống còn 4 điểm.
2. Cặp giáo viên Nguyễn Thị Minh Xen - Trường THPT Tông Lệnh (Thuận Châu - Sơn La) và Vũ Thị Thanh Huyền - Trường THPT Thuận Châu.
Cặp này chấm bài thi của thí sinh Dương Hoàng Trung được 7,5 điểm, sau chấm thẩm định bị hạ còn 5,75 điểm.
3. Cặp giáo viên Đinh Thị Liên - Trường THPT Quỳnh Nhai (Quỳnh Nhai - Sơn La) và Nguyễn Thị Thu Giang - Trường THPT Chiềng Khương (Sông Mã - Lơn La).
Cặp này chấm bài thi Văn của thí sinh Lê Văn Tùng được 8 điểm, sau thẩm định còn 7,5 điểm.
4. Cặp giáo viên Nguyễn Thị Huyền - Trường THPT Dân tộc nội trú Sơn La và Nguyễn Thị Minh Xen - Trường THPT Tông Lệnh (Thuận Châu - Sơn La).
Cặp này chấm bài thi của thí sinh Ngô Lương Bảo Ngọc được 8,75 điểm, sau chấm thẩm định bị hạ còn 7,5 điểm.
5. Cặp giáo viên Lê Mai Sao - Trường THPT Mộc Hạ (Mộc Châu - Sơn La) và Vũ Văn Toàn - Trường THPT Mường La (huyện Mường La).
Cặp giáo viên này chấm bài của thí sinh Nguyễn Yến Khanh được 9 điểm, sau thẩm định bị hạ còn 7,75 điểm.
6. Cặp giáo viên Mai Thị Hương Giang - Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Mường La và Nguyễn Thị Hường - Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên TP Sơn La.
Cặp này chấm bài thi của thí sinh Lê Tất Thành được 8,25 điểm, sau thẩm định bị hạ còn 7,75 điểm.
7. Cặp giáo viên Nguyễn Thị Hoàng - Trường THPT Mường Giôn (Quỳnh Nhai - Sơn La) và Lê Mai Sao - Trường THPT Mộc Hạ (Mộc Châu - Sơn La).
Cặp này chấm bài thi của thí sinh Nguyễn Hà Phong được 8 điểm, sau thẩm định bị hạ còn 5,25 điểm và bài của thí sinh Đinh Văn Quang từ 6,5 bị hạ còn 5 điểm.
Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra Sơn La còn xác minh vơi nhóm cán bộ giáo viên chấm 4 bài thi có điểm trên bài lệch với điểm trên phiếu chấm và điểm công bố.
Qua triệu tập, toàn bộ số giáo viên này đều thừa nhận có sai phạm quy trình, quy chế thi trong khâu rà soát, đối chiếu, thống nhất điểm, tự ghi điểm trên phiếu chấm 1 vào phiếu chấm 2 thay cho nhiệm vụ của thành viên ban thư ký.
Đối với việc 4 bài thi bị chênh lệch điểm nêu trên, các cán bộ chấm thi đều khẳng định chữ viết, chữ số trên phiếu chấm thi 2 của các bài thi này không phải chữ viết của mình, khẳng định đã bị thay phiếu chấm nhưng không biết ai đã thay.
Số cán bộ tham gia việc nhập điểm thi là Nguyễn Quốc Chiến - Trường THPT Tô Hiệu (TP Sơn La) và Phạm Thị Hải Vân - chuyên viên Sở GD&ĐT Sơn La đều khai nhận, theo quy định thì việc nhập điểm thi, hòa điểm thi môn Ngữ Văn vào hệ thống là nhập trên kết quả điểm ghi trên phiếu chấm 2, chứ không lấy kết quả ghi trên bài thi.
Do vậy, chênh lệch điểm của 4 bài thi giữa điểm công bố và điểm ghi trên bài thi là do có sự lệch điểm giữa bài thi và phiếu chấm 2.
Trước đó, như chúng tôi đã thông tin: Theo bản kết luận điều tra, đối với môn thi Ngữ Văn, Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên phòng Khảo thí và quản lý chất lượng (Sở GD&ĐT Sơn La) là người trực tiếp hướng dẫn Nguyễn Thanh Nhàn - Phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD&ĐT Sơn La sử dụng phần mềm lập khoá phách vòng 1 (cắt phách bài thi sắp xếp vào các túi theo thứ tự, đánh số túi bài thi) và hướng dẫn Phạm Đăng Quang lập khoá phách vòng 2 (thay đổi số túi bài thi đã được đánh trong lần khoá phách vòng 1).
Biết sẽ có thí sinh nhờ nâng điểm môn Ngữ văn, để giúp thí sinh nâng điểm phải có khoá phách vòng 1 và vòng 2 (số túi bài thi và số thứ tự bài thi của thí sinh trong túi bài thi) của từng thí sinh thì mới nhờ cán bộ chấm bài thi tìm bài chấm nâng điểm của thí sinh được.
Do vậy, ngày 28/6/2018, Nguyễn Thị Hồng Nga đã câu kết với Nguyễn Thanh Nhàn in toàn bộ dữ liệu khoá phách 2 vòng rồi giao cho Nhàn giữ để phục vụ tra tìm bài thi của thí sinh có “nhu cầu” nâng điểm môn Ngữ văn. Trong đó, thí sinh do Nguyễn Thị Hồng Nga nhập giúp nâng điểm là 5 trường hợp.
Ngày 3/7/2018, Nga đã chuyển danh sách của 5 thí sinh gồm: Mai Việt Tùng, Nguyễn Văn Mạnh, Trần Ích Quân, Nguyễn Văn Chung (là 4 trường hợp nhờ nâng từ 5-6 điểm), Phạm Thanh Sơn (nhờ nâng 9 điểm) cho Lò Văn Huynh - Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng và bảo Huynh đến gặp Nguyễn Thanh Nhàn để lấy khoá phách nâng điểm. Sau khi nhận danh sách của Nga, Lò Văn Huynh ghi thêm thông tin của 3 thí sinh do y tự nhận giúp.
Sau đó, Nguyễn Thanh Nhàn đã tra tìm và ghi thông tin khoá phách của từng thí sinh đồng thời ghi thêm thông tin của 4 trường hợp khác do Nhàn mới nhận lời giúp rồi chuyển lại cho Lò Văn Huynh.
Sau khi có khoá phách, ngày 4/7/2018, Huynh chuyển cho Nguyễn Quốc Chiến là thành viên Ban thư ký hội đồng thi để tác động cho cán bộ trực tiếp chấm thi nâng điểm cho thí sinh.
Căn cứ kết quả điều tra và các bị can khai nhận trong số 44 thí sinh được nâng điểm có 36 thí sinh dự thi môn Ngữ văn. Sau khi tổ công tác của bộ GD&ĐT chấm thẩm định ngẫu nhiên 110 trường hợp (trong đó có 11/36 bài thi của các thí sinh nêu trên), cơ quan an ninh điều tra tiếp tục đề nghị bộ GD&ĐT chấm thêm 24/36 trường hợp.
Hiện tại đã làm rõ 6 thí sinh được các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga và Nguyễn Thanh Nhàn và Lò Văn Minh tác động nâng điểm là: Ngô Lương Bảo Ngọc, Dương Hoang Trung, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Tiến Đạt, Đặng Tùng Lâm, Nguyễn Duy Phương. Còn 7 thí sinh vẫn chưa xác định được ai là người cung cấp khoá phách, tác động để nâng điểm.
Tin tức 24h mới nhất ngày 1/6: ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Nhạ, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ KhaisilkTin tức 24h mới nhất ngày 1/6 với những sự kiện nổi bật và đáng chú ý nhất về tình hình thời sự, kinh tế, pháp luật trong nước. |
'Hé lộ' nguyên nhân vụ sập cầu Tân Nghĩa sau 3 tháng dừng thu phí: Do xe quá tải trọngSở GTVT Đồng Tháp đã có báo cáo nguyên nhân ban đầu về vụ sập cầu Tân Nghĩa (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) sau 3 tháng dừng thu phí. |