Thứ bảy, 27/10/2018, 05:28 AM
  • Click để copy

Hà Nội giữ nguyên vị trí ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm: 'Nhà rùa học' Hà Đình Đức tiếp tục cảnh báo

Trong báo cáo Thủ tướng, Hà Nội khẳng định ga ngầm C9 và tuyến hầm đường sắt đô thị không xâm phạm khu vực bảo vệ các di tích lịch sử cạnh Hồ Gươm. Tuy nhiên, "nhà rùa học" Hà Đình Đức vẫn lên tiếng cảnh báo.

c92
TP Hà Nội khẳng định ga ngầm C9 không xâm phạm di tích Hồ Gươm.

Ga ngầm C9 không xâm phạm di tích Hồ Gươm

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng trình bày việc quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 (cạnh Hồ Gươm) thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2.

Trong văn bản khẳng định, thiết kế tổng mặt bằng ga ngầm C9, tuyến hầm có phần nằm trong khu vực bảo vệ Hai nhưng hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ 1 - là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn.

Tuyến hầm đi qua bên dưới gian trước của đền Bà Kiệu, cách gò đá chân Tháp Bút 1m nhưng là đi ngầm, đỉnh hầm cách mặt đất 12,3 m, đáy hầm cách mặt đất 18,8 m, hoàn toàn không xâm phạm vùng bảo vệ Một, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến Thủ đô.

UBND TP Hà Nội còn cho biết, phương pháp thi công ga ngầm và tuyến hầm là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Ngoài ra, phương án thiết kế, thi công nhà ga cũng bảo toàn giá trị vật thể, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn.

Nguy cơ đội vốn

Văn bản của UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ, tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm đã tuân thủ Luật Di sản văn hóa như cảnh báo trước đó của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

TP Hà Nội cũng cho biết, trong quá trình nghiên cứu, thiết kế lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga; lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế ga ngầm C9, đơn vị tư vấn đã thực hiện đầy đủ các công tác khảo sát, lập báo cáo đánh giá địa hình, địa chất, thủy văn; tính toán chống thấm nước, sụt giảm mực nước ngầm trong khu vực; đánh giá tác động môi trường, xã hội, không gian văn hóa… tuân thủ các yêu cầu và thẩm định khắt khe của nhà tài trợ JICA theo chuẩn mực quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.

c93
Đánh giá tác động công trình với Tháp Bút được trưng bày lấy ý kiến nhân dân.

Viện Khảo cổ đã thực hiện công tác khảo sát, lập báo cáo đánh giá khảo cổ tuân thủ theo các quy định hiện hành. Các kết quả nghiên cứu đều được Hà Nội xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, các cấp chính quyền và cộng đồng cư dân liên quan, cũng như đã tổ chức nhiều hội thảo xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học.

Hà Nội cũng đã tổ chức trưng bày, xin ý kiến rộng rãi người dân về vị trí ga C9 trong tháng 3/2018 (kết quả đã nhận được 1.718 phiếu đóng góp ý kiến, trong đó 90,3% ủng hộ, 7,2% phản đối và 2,5% không có ý kiến)...

Đáng chú ý, theo Hà Nội, quá trình nghiên cứu dự án đã kéo dài từ 2004 đến nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án và có nguy cơ tiếp tục làm tăng tổng mức đầu tư dự án. Trường hợp tiến độ tiếp tục bị đẩy lùi, chi phí dự án sẽ tiếp tục tăng lên do các yếu tố trượt giá, nhân công, vật liệu thay đổi.

UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng xem xét lại các ý kiến, chấp thuận và chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục xem xét có văn bản đồng ý với quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm liên quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để dự án đảm bảo tiến độ.

"Nhà rùa học" Hà Đình Đức tiếp tục cảnh báo

Trong cuộc trao đổi với PV mới đây, PGS Hà Đình Đức, người nhiều năm gắn bó với Hồ Gươm và cụ rùa tiếp tục lên tiếng cảnh báo về việc xây dựng ga ngầm C9 ở Hồ Gươm.

ga-ngam-c9-canh-ho-guom
Mô hình nhà ga C9.

Ông bày tỏ sự lo ngại việc xây dựng ga ngầm C9 sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích xung quanh bờ hồ. Ông Đức cho rằng, việc phân định vòng 1, vòng 2, vòng 3, vùng lõi khu vực Hồ Gươm chưa được phân biệt rõ ràng.

"Vùng 1 là từ đâu, vùng 2 từ đâu, vùng 3 từ đâu... Tôi cho rằng rất không rõ ràng", PGS Hà Đình Đức bày tỏ.

 PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, việc xây ga C9 cạnh Hồ Gươm sẽ làm mất đi giá trị truyền thống và giá trị tâm linh của di tích “linh thiêng” này. Ông cũng cho rằng việc xây dựng như trên là hành động xâm hại luật di sản, di tích quốc gia đặc biệt.

 

PGS. TS Hà Đình Đức: ‘Xây ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm gây hậu quả khôn lường’

PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng Hồ Gươm là vùng đặc biệt của Hà Nội và việc làm ga tàu điện ngầm cạnh đây là hành động xâm phạm, gây hậu quả khôn lường.

 

Người dân lo ngại ga ngầm cạnh hồ Hoàn Kiếm làm ảnh hưởng đến di tích lịch sử

Tại buổi lấy ý kiến về việc xây dựng ga đường sắt đô thị ngầm tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, nhiều người dân tỏ ra lo ngại về an toàn của những công trình kiến trúc cổ.

 

Chuyên gia giao thông: Phản đối xây ga tàu điện ngầm là ích kỷ, hẹp hòi

Cho rằng Hồ Gươm là không gian văn hóa, lễ hội ai cũng muốn đến để vãn cảnh… vì thế TS. Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ sự ủng hộ khi làm ga ngầm bởi nó giúp người dân dễ dàng tiếp cận khu vực. Đồng thời ông Thủy cho rằng những ý kiến không đồng tình vì làm ga tàu điện sẽ làm nhiều người đến Hồ Gươm là ích kỷ, là hẹp hòi.