Thứ tư, 29/01/2020, 09:20 AM
  • Click để copy

Một năm kinh tế buồn với môi giới bất động sản

Không còn những khoản thưởng Tết cao ngút trời, cũng không còn bận rộn vì nhu cầu khách hàng, với hàng loạt biến động có thể nói năm 2019 vừa qua là một năm kinh tế buồn với môi giới bất động sản.

Năm qua là năm khó khăn đối với các môi giới bất động sản. (Ảnh minh họa).

Năm qua là năm khó khăn đối với các môi giới bất động sản. (Ảnh minh họa).

Khó khăn chồng khó khăn với nghề môi giới bất động sản 2019

Môi giới bất động sản được định nghĩa là công việc “trung gian” cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản đã được nêu trong luật. Họ là người kết nối giữa bên mua và bên bán, giúp các giao dịch mua bán diễn ra thành công.

Trong mắt nhiều người, từ lâu, nghề môi giới bất động sản vốn được nhiều người coi là một nghề "hot" hái ra tiền với những khoản thu nhập trên trời.

Thật vậy, đã có rất nhiều những doanh nhân, những đại gia tài ba đều đi lên từ nghề được mệnh danh là "cò đất" này.

Những năm trước đây, mỗi dịp cuối năm người ta thường thống kê cho thấy, ngành nghề được thưởng Tết cao nhất thường đến từ các doanh nghiệp kinh doanh về môi giới bất động sản và ngân hàng.

Thế nhưng với hàng loạt sự kiện thăng trầm chấn động xảy ra, có thể nói năm 2019 vừa qua là một năm kinh tế buồn với môi giới bất động sản.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Việt một giám đốc Công ty Môi giới bất động sản nổi tiếng ở Hà Nội cho hay: Trong năm qua, những sự kiện người dân mua nhà không có sổ hồng, mua phải dự án ma, các vụ việc căng băng rôn, khẩu hiệu đã khiến tâm lý khách hàng trở nên e ngại hơn khi  "xuống tiền" đầu tư vào bất động sản.

"Nó thể hiện rõ nhất là nhiều khách hàng khi quan tâm đến dự án phân phối của công ty đều phải tìm hiểu rất cặn kẽ rồi thời gian rất lâu mới xuống tiền. Nhiều người có tâm lý chung là không còn tin nhiều vào lời của các nhân viên giới thiệu bất động sản. Thời gian trì chệ, xuống tiền kéo dài của khách hàng khiến thu nhập của anh em giảm đi. Thay vì bán được nhiều thì bán được ít hàng hơn vì thế mà ảnh hưởng đến thu nhập", anh Việt chia sẻ. 

Cũng theo đánh giá của vị giám đốc này, suốt nhiều năm làm nghề thì năm 2019 được coi là một năm khó khăn nhất. "Đã có nhiều nhân viên mới vào nghề không trụ được phải nghỉ, ban đầu họ tỏ ra rất hào hứng thì đến cuối năm anh em đều gần như nản", anh Việt chia sẻ.

Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, đầu tư tài chính: Những sự việc xảy ra với bất động sản năm 2019 cũng khiến các dự án chậm chễ hơn, khâu cấp phép, kiểm duyệt được cơ quan chức năng làm chặt chẽ, thời gian lâu hơn cũng là một trong số khó khăn.

Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân hàng, vốn dải ngân vào bất động sản cũng khiến thị trường trở nên ảm đạm.

Anh Thanh, nhân viên Công ty H.C chuyên về môi giới bất động sản cho biết: Công ty đã cho nhân viên kinh doanh nghỉ Tết từ tháng 10 bởi việc kinh doanh gặp khó khăn, thu không đủ bù chi, hàng không có để bán.

“Do nghỉ tết sớm lại không có việc gì làm nên tôi đang đi theo ông chú làm đá ốp lát, thợ hồ kiếm sống qua ngày. Năm nay thu nhập rất thấp, cộng với việc làm không ổn định nên tôi không dám về quê ăn tết”, anh Thanh cho hay.

Một Tổng giám đốc Công ty nhà đất tại TP HCM, thừa nhận công ty thành lập từ năm 2015 và chưa có năm nào “mệt” như năm qua.

"Nếu như năm trước công ty còn tham gia bán chung căn hộ tại dự án ở TP HCM cả ngàn sản phẩm thì năm nay sản phẩm hết, chủ đầu tư chưa ra sản phẩm mới, nên doanh nghiệp (DN) không có hàng để bán.

Trong năm 2019, công ty cũng đã ký kết triển khai một dự án nhưng đến nay pháp lý chưa xong, việc mở bán bị trì hoãn.

Cả năm, chỉ 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và UBND TP HCM, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) đã đưa ra những con số thống kê cho thấy một năm buồn của thị trường bất động sản.

Theo đó, HoREA cho hay: Cả năm 2019, tại TP HCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 92% so với năm 2018. Không những vậy, toàn TP chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, giảm 85%; chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 80% so với năm 2018...

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018.

Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cũng đưa ra con số đáng buồn khi năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng DN tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 DN đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 DN giải thể, tăng 39,4% so với năm 2018.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đây là năm thứ hai, thị trường bất động sản và các DN trong lĩnh vực này lại phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Các Công ty bất động sản khó khăn cũng đã kéo theo các Công ty về xây dựng bị sụt giảm theo, với mức giảm trên dưới 50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp, từ đó doanh thu và lợi nhuận bị sụt giảm mạnh.

Các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng. Các DN sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập. Các ngân hàng thương mại đứng trước rủi ro trong việc thu hồi nợ.