Ngôi nhà vỏ bom & ký ức chiến tranh
20 năm qua, có một người đàn ông vẫn luôn cần mẫn, kiên trì sưu tầm kỷ vật chiến tranh để dựng lên ngôi nhà bằng hơn 300 vỏ bom đạn các loại gần Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ngôi nhà đặc biệt này như một bảo tàng nhỏ giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về chiến tranh cũng như sự mất mát của dân tộc.
Chiều tháng 7, Quảng Trị nắng đổ vàng như rót mật, bên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại có một ngôi nhà nằm lấp ló dưới những hàng cây, đối diện con đường vào Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Nằm ở phía nam cầu Bến Tắt, ngôi nhà làm từ hơn 300 vỏ các loại bom, pháo và lưu giữ hàng nghìn kỷ vật chiến tranh đã được dựng lên từ cách đây mấy tháng, vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Ông Trần Công Chức (54 tuổi, sống tại thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) trầm ngâm lau chùi, sắp xếp lại từng kỷ vật chiến tranh trong ngôi nhà vỏ bom đạn này.
Ông Chức nói rằng, ông vốn là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất lửa Quảng Trị. Cuộc đời ông trải qua những mất mát của chiến tranh. Mẹ ông là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 1967, 6 anh chị ruột của ông đã bị bom Mỹ giết chết, nỗi đau không thể kể xiết. Ngay từ lúc ngoài 30 tuổi, ông đã ấp ủ sưu tầm những quả bom thời chiến tranh còn sót lại để xây dựng nhà trưng bày. Hơn 20 năm sau, “ngôi nhà bom” ông hằng mong ước đang dần thành hình hài.
Trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, Quảng Trị là túi bom, là vùng đất lửa. Mỗi người dân Quảng Trị ngày ấy phải gánh chịu nhiều tấn bom đạn trút xuống từ quân địch. Ông Chức bảo, khắp đất nước này đâu đâu cũng phải hứng chịu những nỗi đau chiến tranh, nhưng có lẽ đất lửa Quảng Trị là nơi hứng chịu nhiều bom đạn nhất, bởi đây là giới tuyến của những ngày chia ly Nam - Bắc. Bây giờ, Quảng Trị có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như địa đạo Vịnh Mốc, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Cồn Tiên, Dốc Miếu, sân bay Tà Cơn, Đường 9 Khe Sanh… Quảng Trị còn được ví như “Bàn thờ Tổ quốc” khi có đến 2 nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất cả nước là Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9, có Thành cổ Quảng Trị - nơi một nấm mồ chung tưởng nhớ hàng nghìn anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi này trong những ngày bão lửa.
Mấy mươi năm qua, thấu hiểu mất mát của đời người và cả sự khốc liệt của chiến tranh, ông Chức luôn mong muốn làm việc gì đó để góp chút sức mọn của mình cho hòa bình sau này và chí ít cũng để những thế hệ sau biết và hiểu hơn về chiến tranh, về sự mất mát của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, hơn 20 năm qua, ông Chức đã dày công sưu tầm những kỷ vật chiến tranh.
“Bất kể phải lặn lội từ rừng núi đến vùng sông nước, vào các bãi thu mua phế liệu chiến tranh, hay khi đi ngang trên đường, khi bắt gặp một món đồ nào đó, tôi đều dừng lại để tìm hiểu. Có khi là xin, có khi là mua lại, cũng có khi người khác tặng. Khi nghe ở đâu có một món đồ kỷ vật chiến tranh nào đó, tôi đều tìm tới nơi, miễn sao có thể thu lượm về. Đến nay, bộ sưu tập của tôi có cả nghìn kỷ vật như bom, đạn, tăng võng, cuốc xẻng, súng đạn..., nói chung là các loại vật tư thiết bị chiến tranh để có thể làm sống dậy những năm tháng gian khó mà hào hùng, những ngày tháng mất mát đau thương, đầy bi hùng của dân tộc trong hành trình đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước”, ông Chức tâm sự.
Hơn 20 năm sưu tầm, tìm kiếm, đã có hàng nghìn phế liệu chiến tranh được ông Chức sưu tầm từ khắp nơi, nhiều nhất là các loại bom, pháo, đạn cối mà quân Mỹ đã trút xuống vùng đất Quảng Trị - nơi được coi là vùng “đất thép, đất lửa”. Năm 2019, ông Chức đã chuẩn bị để xây dựng nhà vỏ bom. Thế nhưng, dịch Covid-19 đã khiến ông phải hoãn lại.
Đầu năm 2023, ông cùng những người bạn tâm huyết đã quyết định thực hiện ý tưởng về ngôi nhà vỏ bom của mình. Nguyên vật liệu tạm thời được sử dụng từ chính những vỏ bom, đạn pháo ông Chức đã tìm kiếm được. Căn nhà làm hoàn toàn bằng vỏ bom đạn được xây dựng trên diện tích khoảng 320m2 trên phần đất rộng chừng 10.000m2 thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Ông Chức cho biết, mỗi trụ cột có 4-6 vỏ bom, vỏ đạn kết nối với nhau bằng cách hàn xì kết dính. Riêng phần nhà bom, diện tích khoảng 300m2, với hơn 30 dãy cột nhà được làm từ những quả bom rỗng ruột không còn thuốc nổ và kíp nổ. Có những vỏ bom nặng đến 600kg, việc gắn kết những khối bom lại sao cho thành những cột thẳng đứng thay cho vật liệu thông thường như gỗ, cột đúc xi măng vô cùng khó khăn. Có những quả bom thường gọi là bom tấn, bom tạ... dù đã không còn thuốc bom bên trong nhưng nặng hàng trăm ki-lô-gam và chỉ có máy móc mới di chuyển được. Một cột trụ 4-6 vỏ quả bom, đạn kết nối với nhau có trọng lượng lên tới cả tấn. Nhiều người đến tham quan ngôi nhà đều trầm trồ khi nhận thấy toàn bộ các cột của ngôi nhà được làm từ vỏ bom được hàn cố định lại với nhau tạo thành các cột to, nhỏ của ngôi nhà. Ở dưới là các vỏ bom tấn, tạ. Càng lên cao, kích thước vỏ bom càng nhỏ dần. Phía trên, mái nhà được lợp bằng lá cọ vừa mộc mạc vừa mát mẻ.
Số vỏ bom, đạn pháo còn lại được ông Chức trưng bày quanh ngôi nhà và sắp tới ông sẽ làm hàng rào xung quanh ngôi nhà bằng vỏ bom. Khi ngôi nhà hoàn thiện, ông đưa toàn bộ gia tài kỷ vật vô giá mà ông đã dày công thu thập hơn 20 năm qua vào trưng bày. Bên trong ngôi nhà vỏ bom đạn, ông Chức trưng bày hàng nghìn kỷ vật chiến tranh, cùng tranh ảnh, trình chiếu phim tài liệu… để khách tham quan có cái nhìn tổng thể về cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam.
Ông Chức bộc bạch, ông đã bỏ tiền mua đất và chọn khu vực gần Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn để xây dựng ngôi nhà vỏ bom mong ước. Ông chọn vị trí ngay cổng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn để xây dựng nhà vỏ bom bởi Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi thiêng liêng, ngày ngày có nhiều người đến thăm viếng để thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Vậy nên, ông muốn khi mọi người đến đây không chỉ làm tròn bổn phận viếng hương hồn các liệt sĩ đang nằm lại, mà còn có những trải nghiệm thực tế qua việc xây dựng các công trình ký ức chiến tranh xưa, giúp họ có thêm cái nhìn rõ hơn về chiến tranh.
“Tôi muốn nơi này không chỉ là nơi lưu giữ kỷ vật, là nơi tìm đến của những người đã sống và chiến đấu trong chiến tranh, những người trẻ tuổi muốn tìm hiểu lịch sử. Tôi muốn nơi này là một nơi để mọi người tìm đến để yêu thêm lịch sử đất nước Việt Nam. Học sinh, thế hệ trẻ được học trên sách vở, hình ảnh trên màn hình, nhưng không dễ thấy những hiện vật chiến tranh ngoài đời thực. Tôi muốn thế hệ mai sau hiểu sâu sắc và luôn tri ân công lao của ông cha đã đổ xương máu để dành độc lập tự do. Mọi người hiểu sự ác liệt của chiến tranh để thêm yêu chuộng hòa bình. Du khách nước ngoài đến thăm sẽ hiểu thêm về cuộc kháng chiến hào hùng, tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam”, ông Chức chia sẻ.
Ngoài việc ngôi nhà bom được xây dựng từ hàng trăm vỏ bom đạn và phế liệu chiến tranh khác, khuôn viên của khu vực này còn có những kiến trúc khác như bếp Hoàng Cầm, các khu vực tham quan khác. Ông Chức cho biết thêm, nơi này không bán vé tham quan, không đặt nặng lợi nhuận. Mục tiêu của ngôi nhà vỏ bom đạn nhằm phục vụ người dân cả nước, nhất là các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ khi đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ông Chức muốn mọi người khi đến đây sẽ được hồi tưởng và hiểu hơn về cuộc chiến tranh mà đất nước trải qua bằng những dấu tích sót lại, để thấu hiểu về những gian khổ mà quân và dân ta trên con đường trường kỳ kháng chiến đi đến thắng lợi.
Trao đổi với các nhà báo, ông Hồ Văn Hầu, Chủ tịch UBND xã Linh Trường cho biết, khi ông Chức làm hồ sơ xin cấp phép xây dựng, chính quyền địa phương đã kiểm tra và xét thấy đủ điều kiện để xây dựng nhà vỏ bom đạn. Chính quyền xã đã phối hợp với huyện tạo điều kiện thuận lợi kiểm tra, hướng dẫn để ông Chức làm các thủ tục theo đúng quy định. Đồng thời, chính quyền xã hy vọng đây sẽ là một địa điểm lịch sử để người dân cả nước có thể tìm hiểu thêm về sự khốc liệt của chiến tranh, cũng như sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc.
Tăng cường xe dự phòng, chuyến bay dịp cao điểm Tết
27/12/2024, 11:40Sân Pikleball Hoa Phượng xây dựng trái phép trên đất công viên cây xanh
25/12/2024, 21:02Không giữ “người nhà”, bỏ “người tài”
16/12/2024, 13:58Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh công tác đấu giá đất
16/12/2024, 13:54Yên Bái: Chỉ số hạnh phúc của người dân năm 2024 tăng lên 66,52%
10/12/2024, 11:18Hưng Yên: Hội nhập kinh tế quốc tế gắn với mục tiêu tăng trưởng bền vững
Những năm qua, mặc dù trải qua nhiều khó khăn và thách thức nhưng nền kinh tế của tỉnh Hưng Yên vẫn tiếp tục tăng cao và ổn định với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh mạnh nhất kể từ đầu mùa
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 05 - 06/12, một đợt không khí lạnh với cường độ mạnh nhất kể từ đầu mùa đông năm nay sẽ ảnh hưởng sâu đến miền Bắc, khiến nhiệt độ giảm hơn 10 độ C tại nhiều nơi.
Thế giới thiệt hại nặng nề trong mùa mưa bão năm 2024
Báo cáo cho thấy nơi chịu nhiều thiệt hại nhất trong mùa mưa bão là khu vực Bắc Mỹ với tổng cộng 110 tỷ USD, cao hơn nhiều mức trung bình 10 năm là 67,6 tỷ USD.
Thủ tướng yêu cầu trước 28/2/2026 phải khai thác sân bay Long Thành
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiến độ sân bay Long Thành tới ngày 31/12/2025 phải xong và trước 28/2/2026 đưa vào khai thác, không chờ tới tháng 8/2026.
Chuyên gia nói gì về hiện tượng lở đá tại Quảng Nam do động đất liên tiếp?
Trong 2 ngày (30/11 - 01/12), 9 trận động đất xảy ra tại tỉnh Kon Tum gây rung lắc. Tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, người dân cảm nhận rõ rung chấn mạnh.
Đề xuất phát hành 100.000 tỷ trái phiếu cho nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đang xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Ngày 1/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 125/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Hưng Yên lập kỷ lục đấu giá đất từ dưới 6 triệu đồng/m2 lên hơn 110 triệu đồng/m2
Lô đất LK4-30 diện tích 178m2 ở thôn Hào Xuyên, xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) có giá khởi điểm đấu giá là 5,76 triệu đồng/m2. Sau khi đấu giá, lô đất này được trả giá cao nhất lên tới hơn 110,76 triệu đồng/m2.
Tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, Nghị định 147/2024/NĐ-CP có những chính sách mới sẽ ảnh hưởng và thay đổi một số thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam.