Chủ nhật, 27/10/2019, 16:32 PM
  • Click để copy

Người dân sống ‘treo’ trên Thượng thành cùng Chủ tịch tỉnh đi xem khu tái định cư

Người dân sinh sống ở khu vực Thượng thành đã phấn khởi cùng Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tham quan khu tái định cư cho cuộc di dân lịch sử.

nguoi-dan-song-treo-tren-thuong-thanh-cung-chu-tich-tinh-di-xem-khu-tai-dinh-cu
Đến nay, dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ khu vực 1 đã hoàn thành.

Phấn khởi đi xem nơi ở mới

Theo tìm hiểu, dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ phục vụ cho việc di dời dân cư (đợt 1) có diện tích khu vực 1 là 4,98 ha và khu vực 2 là 4,90 ha. Dự án có tổng kinh phí gần 110 tỷ đồng, với gần 500 lô đất tái định cư.

Hiện nay, dự án đang được xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân, bao gồm các hạng mục san nền; đường giao thông; điện chiếu sáng; viễn thông; hệ thống cấp nước; thoát nước; cấp điện sinh hoạt; cây xanh; trường mầm non với thiết kế 2 tầng  và 16 phòng học. 

Ngày 27/10, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi gặp mặt với đại diện của hơn 200 hộ dân thuộc diện di dời, giải phóng mặt bằng (đợt 1) khu vực 1, Kinh thành Huế và cùng với các hộ dân tham quan thực tế dự án hạ tầng phục vụ tái định cư ở khu dân cư Bắc Hương Sơ.

Ngay từ sáng sớm, các hộ dân đã phấn khởi có mặt tại khu dân cư Bắc Hương Sơ để được tận mắt xem nơi ở mới của gia đình mình sau khi di dời khỏi di tích Kinh thành Huế.

Bà Lê Thị Lài (ở phường Thuận Lộc, TP Huế) cho hay: "Trong mơ, tôi cũng không nghĩ có ngày gia đình tôi sẽ được chuyển đến ở một nơi có vị trí thuận lợi, hạ tầng khang trang và đẹp như thế này. Mấy mươi năm sống trong căn nhà tạm bợ, chật chội, giờ tôi chỉ mong sao sớm được về nơi ở mới". 

nguoi-dan-song-treo-tren-thuong-thanh-cung-chu-tich-tinh-di-xem-khu-tai-dinh-cu
Người dân lắng nghe thông tin về dự án và đề đạt các nguyện vọng.

Trong khi đó, bà Phan Thị Cháu (ở phường Thuận Lộc) chia sẻ: “Được nhìn tận mắt khu đất sắp trở thành nơi ở mới của cả gia đình, tôi rất vui và phấn khởi. Nhưng tôi thuộc diện hộ nghèo, có con trai bị thần kinh thì lấy tiền đâu mà xây dựng nhà. Nếu nhận tiền của nhà nước mà không có thêm tiền, rồi không có người đứng ra xây dựng thì biết khi nào mới có nhà để ở”. 

Giải tỏa mối lo cho bà Cháu, lãnh đạo UBND TP Huế khẳng định, đối với 32 hộ nghèo khu vực Thượng thành không đủ điều kiện xây dựng nhà ở sau khi di dân, ngoài khung chính sách hỗ trợ theo quy định, tỉnh và thành phố sẽ vận động các nguồn, kêu gọi mạnh thường quân để có thêm kinh phí xây dựng nhà ở cho bà con với hình thức “chìa khóa trao tay” theo thiết kế nhà mẫu. Ai cũng sẽ có nhà mới sau khi di dời. 

nguoi-dan-song-treo-tren-thuong-thanh-cung-chu-tich-tinh-di-xem-khu-tai-dinh-cu
Ông Thọ cùng người dân đi xem nơi ở mới.

Hiện nay, Trung tâm Phát triển qũy đất TP Huế đã hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ và đang lập phương án bố trí tái định cư (TĐC), phấn đấu hoàn thành vào đầu tháng 11. Từ ngày 6- 26/11 sẽ công khai, niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; từ ngày 30/11 - 5/12 thành phố sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đến giữa tháng 12/2019 bắt đầu di dân đợt 1. 

Cuộc di dân mang tính lịch sử

Sau khi lắng nghe tâm tư, thắc mắc và mong muốn của bà con, ông Thọ ghi nhận và cám ơn sự ủng hộ, quyết tâm cao của các hộ dân để dự án triển khai đúng tiến độ. Cuộc di dân lần này là một chủ trương lớn, theo nhận định của Chính phủ, Quốc hội thì đây là cuộc di dân mang tính lịch sử của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Với quy mô rất lớn về phạm vi, khối lượng, đặc biệt là kinh phí cho nên lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo thành phố trong thời gian qua đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai những công việc liên quan đến công tác di dời và tái định cư.

Với quan điểm cuộc di dân đợt 1 này sẽ là cuộc di dân kiểu mẫu để lấy đó làm kinh nghiệm cho những đợt sau. Đồng thời, việc đầu tư xây dựng khu tái định cư phải đảm bảo chất lượng, phải làm sao để bà con nhận thấy đây là địa điểm lý tưởng để an cư lạc nghiệp. 

nguoi-dan-song-treo-tren-thuong-thanh-cung-chu-tich-tinh-di-xem-khu-tai-dinh-cu
Ông Thọ cùng người dân trò chuyện về nơi ở mới.

Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, mặc dù đã có sự hỗ trợ của Thủ tướng Chính Phủ và các Bộ ngành, nhưng đến nay kinh phí vẫn đang còn rất khiêm tốn. Tuy vậy, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố đã hứa với dân thì sẽ làm đến nơi đến chốn. 

Đối với các hộ nghèo, khó khăn không có điều kiện làm nhà, tỉnh sẽ vận động các nhà tài trợ, các nguồn để hỗ trợ nhà cho bà con với quan điểm đây là cuộc đổi đời thực sự của bà con, đặc biệt là các hộ nghèo, các hộ khó khăn và gia đình chính sách để bà con có cuộc sống tốt hơn, hạ tầng tốt hơn nơi ở cũ. 

nguoi-dan-song-treo-tren-thuong-thanh-cung-chu-tich-tinh-di-xem-khu-tai-dinh-cu
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bỏ tiền túi mua vé số tặng người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là khi xây dựng khu dân cư mới tại đây thì nhà phải theo mẫu, theo chuẩn để có một đô thị đẹp, một đô thị khang trang, một đô thị xanh, sạch, sáng, một đô thị mới kiểu mẫu mang tầm quốc gia. Tỉnh sẽ vận động từ nhiều nguồn để xây dựng nhà trẻ hiện đại, khu vui chơi giải trí và các tiện nghi khác để phục vụ tốt nhất cho bà con khi đến ở nơi khu dân cư mới.

Theo Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực 1, di tích Kinh thành Huế, sẽ có hơn 4.200 hộ dân được di dời, kinh phí thực hiện là 2.735 tỷ đồng (đề xuất Trung ương hỗ trợ). Đề án thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân; giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân.

Ngoài ra, phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng với quy mô 105ha ở phường Hương Sơ cũng được dự kiến thực hiện với kinh phí 1.362 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

Clip nhiều ngôi nhà ở khu vực Thượng thành: