Nhận hối lộ 3 triệu USD, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đối diện mức án nặng
Theo kết luận điều tra, cả 2 cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đều khai nhận tiền từ ông Phạm Nhật Vũ để chỉ đạo sớm bán được cổ phần AVG cho MobiFone. Trong đó, cựu Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son khai nhận đến 3 triệu USD. Luật sư cho biết, theo quy định pháp luật việc nhận hối lộ trên 1 tỷ đồng sẽ đối diện với mức án tử hình.
Hai cựu Bộ Trưởng khai nhận tiền để chỉ đạo quá trình mua bán
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra về vụ án AVG (vụ án Mobifone mua AVG).
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố 14 bị can. Đáng chú ý trong số đó có 2 bị can là cựu Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.
Ông Son và ông Tuấn bị đề nghị truy tố về 2 tội danh: "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ".
Bị can Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), bị đề nghị truy tố về tội "Đưa hối lộ".
Theo báo chí đưa tin: Kết luận điều tra thể hiệ, trong quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ, đã nhiều lần liên lạc gọi điện thoại, nhắn tin cho ông Nguyễn Bắc Son để hối thúc, mong muốn ông Son chỉ đạo sớm bán được cổ phần.
Bản thân ông Son biết nhiệm kỳ Bộ trưởng đến tháng 4/2016 là hết, nên ông Son muốn có dấu ấn tạo ra cho MobiFone phải mua được mảng truyền hình của AVG trong năm 2015; mặt khác nếu việc mua bán thành công, ông Son nghĩ chắc chắn các cổ đông AVG sẽ cảm ơn ông Son bằng vật chất.
Sau khi hoàn thành dự án MobiFone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, Phạm Nhật Vũ đến nhà riêng ông Son tại số 14 ngõ 36C1 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đưa cho ông Son 3 triệu USD. Ông Son nhận thức việc Vũ đưa tiền cho ông Son vì ông Son đã chỉ đạo thực hiện xong dự án mua cổ phần của AVG.
Sau khi nhận tiền, ông Son đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền trong những lần Huyền từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội thăm gia đình (khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD) nhưng không có tài liệu gì chứng minh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Bắc Son còn thừa nhận vào dịp lễ, tết đã nhận tiền của Cao Duy Hải, Tổng giám đốc MobiFone số tiền 200 triệu đồng dịp 30/4/2015 và số tiền 200.000 USD của Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone dịp tết âm lịch 2016.
Quá trình điều tra, ông Son nhận thức được số tiền nhận từ Vũ là hưởng lợi bất chính nên đã nhiều lần viết đơn xin khắc phục hậu quả. Ông Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân tại Vietcombank để khắc phục hậu quả, Cơ quan điều tra đã phong tỏa tài khoản số tiền này.
Về phần cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện dự án đã được ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục tạo điều kiện thực hiện nhanh. Sau khi hoàn thành dự án, ông Vũ đã đến phòng làm việc của ông Tuấn, đưa số tiền 200.000 USD. Ông Tuấn nhận thức được việc ông Vũ đưa tiền cho mình vì ông có tham gia dự án, ký quyết định 236.
Quá trình điều tra, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn nhận thức số tiền nhận từ bị can Phạm Nhật Vũ là hưởng lợi bất chính nên đã viết đơn xin khắc phục hậu quả. Bị can Nguyễn Bắc Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng; bị can Trương Minh Tuấn xin nộp 2,12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Đối diện án tử?
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định: Những bị can bị khởi tố tội "Đưa và nhận hối lộ" là những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhóm tội tham nhũng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan nhà nước, tổ chức, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tội nhận hối lộ là hành vi của một người có chức vụ quyền hạn đã sử dụng chức vụ quyền hạn của mình để làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ vì lợi ích vật chất (tiền bạc, tài sản...).
Tội nhận hối lộ là tội có cấu thành vật chất nên phải xác định trị giá của nhận hối lộ để làm căn cứ xử lý tương ứng theo quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự 2015. Nếu có căn xác định các bị can nhận hối lộ với trị giá từ 1 tỉ đồng trở lên sẽ phải đối mặt với hình phạt 20 năm tù, tù chung thân và cao nhất đến tử hình.
Tội đưa hối lộ được hiểu là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (trực tiếp hoặc qua trung gian) để người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình.
Đối với tội đưa hối lộ theo điều 364 Bộ luật hình sự 2015, nếu có căn cứ xác định người đưa hối lộ với trị giá từ 1 tỉ đồng trở lên sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất đến 20 năm tù giam.
"Về nguyên tắc, các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đang phải đối mặt với hình phạt cao nhất đến tử hình theo điểm a, Khoản 4 Điều 354 BLHS. Tuy nhiên theo quy định tại điểm c, Khoản 3 Điều 40 BLHS quy định về án Tử hình thì ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn có thể được không thi hành án tử hình nếu “sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Mặt khác, đối với các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn còn được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 51 BLHS như: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;.. Đây là những tình tiết giảm nhẹ sẽ được Tòa án xem xét khi quyết định hình phạt đối với từng bị cáo theo quy định của pháp luật...", luật sư Thơm phân tích.
Điều 40. Tử hình
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng358 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Điều 364. Tội đưa hối lộ
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Hotgirl Mercedes từ sinh viên đại học thành tú bà đường dây gái gọi nghìn đôHotgirl Mercedes Nguyễn Thị Cúc xuất thân từ sinh viên một Trường đại học ở Hà Nội. Vì tốt nghiệp ra trường không có việc làm, Cúc đã trở thành tú bà của đường dây gái gọi nghìn đô và có cuộc sống dư giả với xe sang và ở căn hộ cao cấp giữa Hà Thành. |
Vụ anh trai truy sát cả nhà em trai ở Đan Phượng: Kẻ thủ ác đối diện án tửTheo nhận định của luật sư, vụ việc anh trai truy sát cả nhà em trai ở Đan Phượng (Hà Nội) là vụ án có tính chất nghiêm trọng. Căn cứ vào các tình tiết trên, luật sư cho rằng kẻ thủ ác sẽ phải đối diện với hình phạt nặng nhất là án tử hình. |
Video: Lời khai lạnh người của kẻ thảm sát cả nhà em ruột tại Đan Phương, lúc đầu chỉ định giết 2 ngườiTại cơ quan cảnh sát điều tra, Nguyễn Văn Đông khai nhận toàn bộ vụ việc thảm sát cả gia đình người em ruột, y cho biết sau khi giết người đã về nhà để tự sát nhưng không thành. |