Thứ năm, 12/09/2019, 19:39 PM
  • Click để copy

Sớm bố trí vốn giải tỏa khu vực Kinh thành Huế

Liên quan đến đề án di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I, di tích Kinh thành Huế, Chủ tịch Quốc hội ủng hộ và chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành xem xét giải quyết.

som-bo-tri-von-giai-toa-khu-vuc-kinh-thanh-hue
Những ngôi nhà tạm bợ mọc trên khu vực Thượng thành.

Chiều tối 12/9, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, mới đây, Tổng thư ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc đã ký Thông báo kết luận số 3304/TB-TTKQH, thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại chuyến thăm, làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 17/8.

Theo đó, nhiều đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Chủ tịch Quốc hội ủng hộ và chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành xem xét giải quyết.

Về việc bố trí vốn cho đề án di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I, di tích Kinh thành Huế, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách của địa phương, trong đó, dự kiến bố trí cho dự án 500 tỷ đồng.

som-bo-tri-von-giai-toa-khu-vuc-kinh-thanh-hue
Người dân sinh sống trong không gian chật hẹp.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận thống nhất giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát lại danh mục, thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao vốn bổ sung cho các bộ, ngành, địa phương dựa trên nguyên tắc được nêu tại Nghị quyết số 84/2019/QH14 của Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đôn đốc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu trình Chính phủ bố trí ít nhất 500 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho dự án. Đồng thời, lưu ý tiếp tục bố trí vốn cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới, nhằm bảo đảm hoàn thành dự án trong nhiệm kỳ tới.

som-bo-tri-von-giai-toa-khu-vuc-kinh-thanh-hue
Người dân ở khu vực Thượng thành mong sớm được di dời.

Về đề nghị bố trí sử dụng các nguồn vốn còn dư khác của ngân sách Trung ương như: nguồn thu vượt, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách Trung ương, nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm… để thực hiện dự án, đề nghị Chính phủ xem xét, có phương án cân đối bố trí để đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện đề án. Ủy ban TVQH sẽ quan tâm chỉ đạo Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội lưu ý kiến nghị của tỉnh khi thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương, hoặc trong quá trình xây dựng dự toán năm 2020 của tỉnh để bổ sung cho dự án.

som-bo-tri-von-giai-toa-khu-vuc-kinh-thanh-hue
Chủ tịch Quốc hội thăm hỏi các hộ dân ở di tích Kinh thành Huế.

Liên quan đến kiến nghị có cơ chế hỗ trợ có mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 để phục hồi, tôn tạo các hạng mục di tích Cố đô Huế, đề nghị tỉnh đề xuất cụ thể với Chính phủ để có phương án cân đối nguồn vốn, tổng hợp trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

som-bo-tri-von-giai-toa-khu-vuc-kinh-thanh-hue
Chủ tịch Quốc hội tặng quà cho các hộ dân thuộc diện sắp di dời.

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhằm đảm bảo nguồn lực kịp thời thực hiện và giải ngân dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I, di tích kinh thành Huế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Quốc hội chỉ đạo bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2019 - 2020 và bố trí vốn nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế.

Như đã thông tin, đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I, di tích Kinh thành Huế sẽ có hơn 4.200 hộ dân được di dời, kinh phí thực hiện là 2.735 tỷ đồng (đề xuất Trung ương hỗ trợ).

Ngoài ra, phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng với quy mô 105ha ở phường Hương Sơ (TP. Huế) cũng được dự kiến thực hiện với kinh phí 1.362 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

Mục tiêu của đề án nhằm đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị di sản và ổn định cuộc sống cho hơn 1,5 vạn dân đang sinh sống tại khu vực I các di tích Kinh thành Huế. Đồng thời, tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, bảo tồn kho tài nguyên văn hóa đồ sộ, đặc sắc tiêu biểu của văn hóa dân tộc Việt Nam. Qua đó, tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này.

Theo kế hoạch, trong năm 2019 này, sẽ hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng thành.

Video cuộc sống chật chội của người dân ở khu vực Thượng thành:

 

Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế: Sẽ thực hiện bằng các cơ chế chính sách đặc thù

Nói về dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, Quốc hội luôn ủng hộ tối đa cho Huế và sẽ thực hiện bằng các cơ chế chính sách đặc thù.

 

Chủ tịch tỉnh thăm các thương binh, gia đình liệt sỹ sống ở kinh thành Huế

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gặp gỡ các thương binh, gia đình liệt sỹ, ân cần hỏi thăm sức khỏe, động viên và tặng quà cho 7 hộ gia đình sinh sống ở di tích Kinh thành Huế.

 

Tiến độ di dời 523 hộ dân ra khỏi di tích Kinh thành Huế đang được thực hiện ra sao?

Trong quá trình triển khai, đến nay, các hộ dân phối hợp tốt với cơ quan, chính quyền và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án.