Thứ ba, 20/08/2019, 07:36 AM
  • Click để copy

Trường Global vẫn ngang nhiên treo mác 'Quốc tế' dù nằm ngoài danh sách

Mặc dù nằm ngoài danh sách 11 Trường Quốc tế trên địa bàn được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố nhưng Trường Global vẫn ngang nhiên treo biển Trường Quốc tế "rất khủng". Nhiều người cho rằng đây là hành vi "treo đầu dê, bán thịt chó", ngang nhiên thách thức dư luận.

Trường Global ngang nhiên treo biển Trường Quốc tế dù không nằm trong danh sách được Hà Nội công bố.
Trường Global ngang nhiên treo biển Trường Quốc tế dù không nằm trong danh sách được Hà Nội công bố.

Công bố Trường Quốc tế "xịn" lộ diện hàng loạt trường Quốc tế "dởm"

Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố danh sách 11 Trường có tên kèm hai chữ “Quốc tế” trong quyết định thành lập và giấy phép hoạt động, hay còn gọi là 11 Trường Quốc tế "xịn" trên địa bàn TP.

Đáng chú ý, trong danh sách này không có tên Trường Gateway (tên đầy đủ là Trường phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway) cùng hàng loạt các trường học gắn mác "Quốc tế" khác trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Cụ thể, danh sách 11 Trường Quốc tế "xịn" được công bố gồm có các trường sau: Trường Tiểu học Quốc tế Singapore tại Ciputra; Trường Tiểu học Quốc tế Singapore tại Vạn Phúc; Trường Tiểu học, THCS, THPT Quốc tế St.Paul; Trường Mầm non và phổ thông Quốc tế ParkCity Hà Nội; Trường Hàn Quốc tại Hà Nội; Trường Quốc tế đa cấp Anh Việt Hoàng Gia; Trường Quốc tế đa cấp Anh - Hà Nội; Trường Phổ thông đa cấp Concordia Hanoi; Trường Tiểu học, THCS, THPT Song ngữ Quốc tế Horizon tại TP Hà Nội; Trường THCS, THPT Quốc tế Singapore; Trường Tiểu học Quốc tế Singapore tại Gamuda Gardens.

Như vậy, chiếu theo danh sách này, thì trên địa bàn các quận ở Hà Nội hiện có nhiều Trường gắn mác Quốc tế "dởm".

Chỉ tính riêng quận Cầu Giấy, khảo sát của PV cho thấy có rất nhiều ngôi Trường gắn mác "Quốc tế" không nằm trong danh sách nêu trên.

Ví dụ như: Trường Quốc tế Alaska (địa chỉ ở phố Thọ Tháp, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội), Trường Quốc tế Global...

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy từng khẳng định trên địa bàn không có Trường Quốc tế.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy từng khẳng định trên địa bàn không có Trường Quốc tế.

Tại Hà Đông có thể kể ra là Trường Quốc tế Việt - Hàn Montessori (tòa nhà Hyundai Hillstate, số 5 Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội). Mới đây trường này đã tháo dỡ biển hiệu; Trường Mầm non Quốc tế IQ và Tiểu học Quốc tế IQ (địa chỉ số 55, Lê Lai, Hà Đông, Hà Nội).

Tại Thanh Xuân là Trường Mầm Non Montessori, ở Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Quận Thanh Xuân.

Trường Global bất chấp nằm ngoài danh sách vẫn treo biển Quốc tế to đùng để quảng cáo

Mặc dù tại buổi họp báo hôm 7/8 vừa qua, trả lời câu hỏi của Báo Sức Khỏe Cộng Đồng sau vụ việc bé lớp 1 tử vong trên xe đưa đón tại Trường Gateway, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết: Trên địa bàn quận không có Trường nào là Trường Quốc tế mà chỉ có một số trường có yếu tố nước ngoài.

Thế nhưng ghi nhận sau danh sách 11 Trường Quốc tế "xịn" được Hà Nội vừa công bố cho thấy, dù nằm ngoài danh sách nhưng tại Cầu Giấy thì Trường Global vẫn ngang nhiên quảng cáo trên mạng với danh xưng Trường Quốc tế.

Không những vậy, tại ngôi trường này dòng chữ "Trường Quốc tế Global" còn được làm khung sắt to đùng treo đỉnh nóc trường như thể sự thách thức pháp luật.

Để tìm hiểu sự việc, PV đã vào liên hệ với lãnh đạo Nhà trường. Tuy nhiên, các nhân viên văn phòng của ngôi trường gắn mác Quốc tế này lại tỏ ra "bí ẩn" khi nói rằng mọi hồ sơ về việc thành lập trường Quốc tế đều đã chuyển lên Phòng GD&ĐT quận. Đồng thời nói lãnh đạo nhà trường đang đi công tác ở nước ngoài.

Xe đưa đón của Trường Quốc tế Global.
Xe đưa đón học sinh của Trường Quốc tế Global.

Quan sát của PV vào cuối giờ chiều 19/8, cũng cho thấy: Ngôi trường có danh xưng Quốc tế này có hàng loạt các xe đưa đón học sinh. Tuy nhiên, quy trình, điều kiện đưa đón thế nào thì nhà trường cũng chưa cung cấp.

Cũng liên quan đến danh xưng Quốc tế, PV Báo Sức Khỏe Cộng Đồng trong quá trình tìm hiểu cơ sở pháp lý tại Trường Quốc tế Alaska đã được cung cấp một thông tin khá bất ngờ. Đó là người ký giấy cho phép thành lập Trường Quốc tế Alaska chính là một Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy.

Dư luận thắc mắc rằng, mặc dù ngôi trường này mới thành lập 1 năm, hiện chỉ có 8 lớp học nhưng không hiểu vì sao vị Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy vẫn chấp nhận cho Trường này lấy danh là Trường Quốc tế?

Thực tế này liệu có đi ngược với câu trả lời của ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy rằng "Trên địa bàn quận không có Trường Quốc tế nào"?.

Gắn mác Quốc tế chẳng khác gì gắn mác hàng giả?

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Việc gắn thêm chữ "International" (Quốc tế) đang bị các trường lợi dụng nhằm thu hút, thu lợi từ các bậc phụ huynh "háo danh", muốn con đi học "cái này cái kia"; còn thực chất tính "quốc tế" như thế nào thì không biết.

Trong khi đó, TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục độc lập cho rằng: Tại Việt Nam xuất hiện tình trạng nhiều người đầu tư vào giáo dục để tính chuyện thu lời, "gần như cái gì cũng có thể trở thành món hàng để trao đổi".

"Họ cảm thấy thích thú khi đầu tư về giáo dục, bởi chỉ cần một lần thu hút được khách là có thể hưởng lợi trong thời gian rất dài. Bởi ở trường tiểu học, các cháu sẽ học 4-5 năm, nghĩa là chỉ cần một lần thu hút, trường có thể thu tiền đến 50 tháng hoặc hơn. Ở cấp THPT, thấp nhất cũng là 3 năm.

Bên cạnh đó, việc "cho tiền" được xem là khá dễ dàng trong giáo dục. Bởi khi trường yêu cầu đóng tiền học cho con, rất ít phụ huynh phản đối, kêu ca. Do vậy, họ sẽ dễ thu tiền hơn so với những sản phẩm khác, lĩnh vực khác.

Theo bà Hương, việc kiểm duyệt tên gọi của các trường theo đúng với giấy phép kinh doanh là điều rất quan trọng. Có thể trên trang web, trên Facebook họ đặt các tên khác nhau, nhưng biển ở cổng trường chắc chắn phải đúng tên gọi.

"Tuy nhiên, sau một thời gian rất dài chúng ta không để ý đến việc này và không có những định danh rõ ràng các trường quốc tế, dân lập, công lập; không có những trang web công khai tuyên bố cụ thể trường thuộc loại nào (quốc tế, công lập hay dân lập) nên phụ huynh hiểu nhầm giữa trường nọ và trường kia.

Đây cũng chính là cách "lật lọng" trong kinh doanh giáo dục", Tiến sĩ Hương nhấn mạnh. Tiến sĩ Vũ Thu Hương khẳng định không có trường Quốc tế tồn tại ở Việt Nam. Ở nước ta chỉ tồn tại trường dân lập, trường công lập và trường tư thục. Trong đó, trường tư thục có thể nhận đầu tư từ nước ngoài.

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, TS Lê Thống Nhất (chuyên gia giáo dục) cho rằng: Hiện nay, có nhiều trường tư thục có yếu tố nước ngoài như giáo viên nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không phải trường Quốc tế.

Song tâm lý của nhiều phụ huynh cứ thấy có chữ Quốc tế trong tên trường, thì tưởng rằng đây là trường Quốc tế.

"Chúng ta cần xác định rõ “quốc tế” ở chỗ nào, đạt chuẩn Quốc tế về chương trình, giáo viên hay cơ sở vật chất. Có các chuẩn của Singapore, của Mỹ hay của Úc? Trong mỗi nhà trường, cơ sở vật chất là quan trọng, nhưng bản chất của nhà trường vẫn là chương trình học thế nào. Cho dù đào tạo theo chương trình Quốc tế nào, thì vẫn là phải qua thẩm định của Bộ GD&ĐT Việt Nam. Các nội dung cần thẩm định như chương trình có phù hợp không, giáo viên có đạt chuẩn không”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin...

 

Giá heo hơi hôm nay 20/8: Giá heo hơi tăng đột biến

Giá heo hơi hôm nay 20/8, giá heo hơi tăng đột biến tại miền Nam, trong khi đó giá lợn hơi miền Bắc vẫn đang duy trì ở mức cao nhất cả nước lên đến 55.000 đồng/kg.

 

Vì sao hàng trăm xe container chở thanh long tắc đường sang Trung Quốc?

Hải quan Trung Quốc đang áp dụng máy soi hàng nông sản khiến hơn 500 xe container chở thanh long tắc ở cửa khẩu Lào Cai, việc chờ đợi lâu cửa khẩu khiến doanh nghiệp lo ngại ảnh hưởng chất lượng nông sản.

 

Thị trường giá nông sản hôm nay 20/8: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu không biến động

Thị trường giá nông sản hôm nay 20/8, giá cà phê tăng nhẹ trở lại với mức 100 đồng/kg, trong khi đó giá hồ tiêu khu vực Tây Nguyên giá không thay đổi.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/truong-global-van-ngang-nhien-treo-mac-quoc-te-du-nam-ngoai-danh-sach-132758.html