Cái sự “giả” có thể thấy ở những người không bao giờ đưa ra chính kiến rõ ràng, chuyên nói dựa ý kiến lãnh đạo, chuyên dẫn lời của những vị có “tầm ảnh hưởng” để nói ý đồ cá nhân. Ở những nơi được xem là “đoàn kết” vẫn có tình trạng cán bộ, đảng viên cấp dưới rất ngần ngại khi nêu chính kiến, sợ mất lòng cấp trên, và nhiều nỗi sợ vô hình khác.
Thái độ khách quan, khoa học là, khi luận chứng về một vấn đề nào đó thì phải dùng sự thật để chứng minh. Sẽ không thuyết phục khi dùng quan điểm của người khác để chứng minh cho quan điểm của mình. Khi gọi đúng tên sự thật sẽ nhìn nhận, phân tích nó một cách đầy đủ, khoa học và có giải pháp khắc phục rốt ráo, triệt để hơn. Gọi đúng tên để trong sinh hoạt tự phê bình, phê bình, trong nhận xét, đánh giá, sử dụng cán bộ, chúng ta có căn cứ xác đáng khi đặt nó trong mối liên quan với những tiêu chí, tiêu chuẩn khác về phẩm chất đạo đức, phong cách cán bộ.
Tình trạng “Nể nang, thiếu thẳng thắn” mặc dù được chỉ ra từ rất lâu rồi nhưng thật là khó sửa. Qua các cuộc kiểm tra của các đoàn kiểm tra, giám sát từ Trung ương xuống cơ sở, hầu như cuộc nào cũng nói tới cái sự “mũ ni che tai” cho khỏi “phiền” đến mình. Không ít tổ chức đảng và người đứng đầu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, không thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, đội ngũ cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần đấu tranh với những hành vi vi phạm của đồng chí mình. Gần đây nhất, trong các ngày 20 và 21-2-2023, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã họp Kỳ thứ 26. Cuộc họp đã chỉ ra sai phạm của một số cấp ủy đảng, trong đó khuyết điểm chủ yếu là: trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo.
Đáng lưu ý, việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ - một nguyên tắc cơ bản của Đảng - lại thường có gốc rễ từ bệnh độc đoán, quan liêu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Trong cuộc họp người ta tâng bốc nhau lên tận mây xanh, nhưng ra ngoài thì chê bôi, dựng chuyện. Khi giới thiệu để lấy phiếu tín nhiệm quy hoạch, bổ nhiệm, họ không tiếc lời khen, nào là bằng cấp đầy mình, nào là chuyên môn siêu giỏi, nhưng khi cầm lá phiếu thì chính họ gạch tên người mình vừa “ca ngợi”.
Có một câu hỏi về sự đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm. Rằng người ta “đẩy” việc cho ai? Xin thưa, rất nhiều chỗ đẩy, đẩy sang người khác vì không thuộc lĩnh vực của tôi, đẩy lên cấp trên vì quá thẩm quyền của tôi, đẩy sang cơ quan khác vì công trình này đã bàn giao. Nhưng sợ nhất là đẩy vào ngăn kéo, đẩy vào lãng quên. Tình trạng K/C (kính chuyển) từ vài chục năm trước nay vẫn tái diễn, có điều nó tái diễn qua một cái nhấp chuột máy tính nên có phần đỡ lộ vở hơn. Việc né tránh, đùn đẩy được lí giải bởi đủ thứ lý do khách quan, cũng không chỉ là của một người mà trong một số trường hợp là của cả một tập thể lãnh đạo, gây nên tình trạng trì trệ, ách tắc công việc.
Những năm gần đây, trong các nghị quyết, quy định của Đảng ta đã nói rất cụ thể về biểu hiện muôn vẻ của “đoàn kết xuôi chiều”, nguyên nhân do đâu, ngăn chặn như thế nào? Trong Báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư, ngày 5/1/2004, Kiểm điểm nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã khẳng định: “Việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn đoàn kết nội bộ tuy có chuyển biến, tiến bộ, nhưng vẫn còn những biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc không theo quy chế, độc đoán, chuyên quyền; một số nơi còn tiềm ẩn nguy cơ mất đoàn kết, không thể xem thường; bên cạnh đó không ít tổ chức đảng có biểu hiện đoàn kết xuôi chiều”.
Hội nghị lần thứ 4 của các nhiệm kỳ Đại hội XI, XII và XIII của Đảng ta, Trung ương đều ra Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn đảng, trong đó trọng tâm là chống tham nhũng, tiêu cực. Hội nghị T.Ư 4 (khóa XIII) đánh giá rất cụ thể, rõ ràng về nguyên nhân, tác hại và những giải pháp khắc phục tình trạng “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”. Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành T.Ư về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào ngày 09-12-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ đều là không đúng”.
Đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh do nhiều nguyên nhân, từ những ảnh hưởng của nếp nghĩ cũ, sợ rằng “sự thật mất lòng” nên không dám nói giữa dạ mình điều phải trái; từ trình độ, nhận thức không đồng đều trong một tập thể; từ môi trường công tác, làm việc. Có những nơi vì thủ trưởng gia trưởng, không muốn nghe những điều trái tai dẫn đến tình trạng dù có nhiều ý kiến nhưng vẫn là chủ kiến của cấp trên.
Đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức là căn bệnh mãn tính, gây hại không kém gì so với mất đoàn kết nội bộ. Không hề nói quá khi coi những người luôn nói theo hoặc giữ thái độ im lặng là đã suy thoái trong nhận thức và hành động. Tuy không gây nguy hiểm ngay, nhưng nó phá hoại sức mạnh của Đảng, của các tổ chức một cách thầm lặng. Nó là mảnh đất tốt cho chủ nghĩa cơ hội tiếp tục phát triển.
Trong những năm qua Đảng ta đã có nhiều quy định cụ thể nhằm “luật hóa” các đường lối, chủ trương, đáp ứng yêu cầu mới, phù hợp thực tiễn. Trong những quy định đó đã đề ra các giải pháp chống tình trạng đoàn kết xuôi chiều và dân chủ một cách gượng gạo, hình thức.
Quy định 08/QĐ/TƯ, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành T.Ư, trong Điều 8 yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên T.Ư “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm”.
Cụ thể thêm một bước, Quy định số 37-QĐ/TƯ ngày 25-10-2021 đã bổ sung một số quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Trong đó, Điều thứ 3 quy định đảng viên không được “phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyển quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.
Mới đây nhất là Quy định 96, ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, trong các tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm, Quy định nêu cụ thể về việc đánh giá “ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình”. Như vậy, những người dĩ hòa vi quý, né tránh đấu tranh chắc chắn sẽ không nhận được sự tín nhiệm của tập thể. Sức nặng của lá phiếu lần này là, không chỉ để tham khảo mà còn là một kênh giám sát và xử lý những cán bộ có số phiếu không tín nhiệm quá cao.
Tuy nhiên, dù có bao nhiêu quy định, quy chế cũng không thể bao trùm lên thất thảy mọi hoạt động của Đảng và các cơ quan nhà nước, đoàn thể. Do vậy, không thể không nhắc một điều tưởng như đã quá quen thuộc, đó là, mỗi tổ chức đảng, đảng viên phải luôn luôn nhận thức sâu sắc và hành động nhất quán theo Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng. Cần nhấn mạnh vai trò gương mẫu của người đứng đầu. Thủ trưởng phải công tâm, công bằng, thật sự là trung tâm đoàn kết, quy tụ được người tài, người thẳng thắn, có ý kiến khác mình. Không có thắng lợi chung chung, thành tựu chung chung. Muốn tập thể giành thắng lợi thì mỗi cá nhân phải làm tốt công việc của mình, phải dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.