Thứ hai, 09/09/2019, 14:33 PM
  • Click để copy

Cần truy cứu hình sự Công ty Rạng Đông vì gian dối về thủy ngân trong vụ cháy

Theo luật sư, việc che giấu, gian dối thông tin về thủy ngân trong vụ cháy nhà máy của Công ty Rạng Đông có thể khiến việc ứng phó sự cố của cơ quan chức năng gặp khó khăn, từ đó gây ảnh hưởng sức khỏe nhất định của người dân.... Chính vì thế cần truy cứu hình sự lãnh đạo Công ty này cũng như người ký báo cáo gian dối.

Khu dân cư
Khu dân cư "bỏ hoang" sau đám cháy tại Công ty Rạng Đông. (Ảnh: Ngoan Nguyễn).

Vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (gọi tắt là Công ty Rạng Đông) xảy ra được hơn 10 ngày nay vẫn đang là tâm điểm của dư luận.

Vụ cháy không chỉ khiến người dân lo lắng về vấn đề sức khỏe, sự ô nhiễm môi trường do thủy ngân và hóa chất từ nhà máy phát tán ra môi trường mà trong diễn biến mới nhất vừa qua một thông tin khiến dư luận rất bức xúc đó là việc Công ty Rạng Đông đã gian dối khi che dấu thông tin về thủy ngân trong vụ cháy.

Cụ thể, báo chí thông tin rằng: Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) chiều 8/9, phát đi thông báo về kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông.

Theo đó, vụ cháy đã làm cháy khoảng 6.000m2 kho chứa sản phẩm. Gồm: Bóng đèn huỳnh quang: 480.000 sản phẩm, chủ yếu là loại đèn dài 1,2m, sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng với hàm lượng là 20mg/bóng; Bóng đèn compact: 1,6 triệu sản phẩm, sử dụng 1 viên Amalgam/bóng đèn trọng lượng khoảng 11,5 mg, hàm lượng Hg khoảng 22-30%. Bóng đèn tròn công suất thấp dùng sợi đốt vonfram: 2 triệu sản phẩm), nguyên liệu và một số loại hóa chất độc hại...

Trước đó, báo cáo ban đầu của công ty nhấn mạnh rằng, từ năm 2016 chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hống của Hg - Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8 cùng với quá trình đấu tranh với lãnh đạo công ty, công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Hg lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng.

Khối lượng hóa chất còn lại là: 4,5 triệu viên Amalgam với trọng lượng là 41,75 kg; Hg lỏng là 108,9 kg, trong đó 34,3 kg được bảo quản an toàn cùng với viên Amalgam trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy. Lượng Hg đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg.

Như vậy, Công ty đã gian dối trong việc cung cấp thông tin, thiếu trung thực trong việc cung cấp thông tin khiến nguy cơ dẫn đến việc ảnh hưởng sức khỏe của người dân lớn hơn.

Trước thông tin này, nhiều ý kiến phẫn nộ cho rằng, Công ty Rạng Đông đã vì lợi ích riêng mà ỉm các thông tin, báo cáo thiếu trung thực. Chính vì thế cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm với hành vi này.

Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định: "Trong kinh doanh, khách hàng luôn hợp tác làm ăn với những doanh nghiệp trung thực, uy tín. Cũng chính vì thế mà chúng ta mới hình sự hóa hành vi quảng cáo gian dối hay hành vi lừa dối khách hàng đã được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự.

Luật sư Diệp Năng Bình.
Luật sư Diệp Năng Bình.

Trong kinh doanh, không thể lúc nào cũng thuận buồm xui gió, những rủi ro luôn tiềm ẩn đem lại sự cố cho doanh nghiệp. Vấn đề là, khi đã xảy ra sự cố thì cần phải trung thực với người dân để cùng người dân chủ động đối phó với hậu quả chứ không thể lập lờ, lấp liếm, gian dối như Rạng Đông". 

Theo luật sư Bình, hậu quả trực tiếp của vụ cháy liên quan đến an toàn, sức khỏe và tính mạng của người dân, ở mức độ nguy hiểm. Nó khác hoàn toàn với các cơn khủng hoảng của những doanh nghiệp khác... Vì thế việc gian dối, che đậy thông tin là rất nguy hiểm.

"Chúng ta thấy có các loại nhiễm độc qua sự cố này đó là bụi và khói và sự thẩm thấu vào đất, nước. Trong đó, bụi có chứa chất độc thủy ngân có thể rơi vào các luống rau ngoài trời, cá dưới hồ, thịt ngoài chợ lộ thiên. Khói khiến người ta híc vào cơ thể...Nhiễm độc thủy ngân còn là nguyên nhân gây nên sẩy thai và thai dị dạng.

Ngay khi xảy ra sự cố, Công ty Rạng Đông lẽ ra phải thông tin, thông báo kịp thời, trung thực về số lượng, chủng loại chất độc, chất gây nguy hại, chất gây ô nhiễm để cơ quan chức năng có thẩm quyền áp dụng biện pháp ứng phó sự cố cho tương thích. Công ty Rạng Đông phải cần phải thực hiện ngay biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân.

Thế nhưng thay vào đó, Công ty này lại báo cáo nhẹ đi... Chính việc che giấu thông tin dẫn đến việc cơ quan có chức năng đã không có đầy đủ thông tin nên đánh giá không đúng mức về quy mô, sự nguy hại cho sức khỏe của người dân nên dẫn đến không kịp thời có biện pháp ứng phó, khắc phục khiến cho sự cố môi trường càng nghiêm trọng hơn", luật sư Bình nhìn nhận.

Theo luật sư Bình, trước dấu hiệu gian dối trong việc cung cấp thông tin của Rạng Đông, cơ quan chức năng cần xem xét dấu hiệu hình sự của các cá nhân có liên quan có lỗi để xảy ra vụ cháy, có lỗi trong việc thông tin thiếu trung thực, đầy đủ, không ứng khó, khắc phục sự cố môi trường theo Điều 237 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

"Nếu có việc cung cấp thông tin không chính xác, không kịp thời mà gây ra thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của tổ chức, cá nhân thì đây là việc làm đáng trách, đáng lên án vì đã coi thường tính mạng, sức khỏe của biết bao nhiêu con người. Cần làm rõ yếu tố này để xử lý trách nhiệm cá nhân đối với hậu quả vụ cháy", luật sư Bình nhấn mạnh.

Đám cháy tại Công ty Rạng Đông khiến người dân lo lắng.
Đám cháy tại Công ty Rạng Đông khiến người dân lo lắng.

Điều 237. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường quy định như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường;

b) Vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng.

 

Một loạt công ty xây dựng ứng hàng tỉ đồng rồi… bùng

Hàng loạt nhà thầu tạm ứng nhiều tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nhưng không thực hiện đúng hợp đồng và không trả nợ.

 

Hòa Bình muốn xây trung tâm hành chính tập trung 750 tỉ đồng

Tỉnh Hòa Bình vừa đề xuất xây khu trụ sở liên cơ quan trên khu vực đổ thải của Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, vốn xây dựng gần 750 tỉ đồng.

 

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: Chậm tiến độ vì người dân lấn mặt bằng?

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sau loạt kì vọng bỗng biến thành một trong những dự án "rùa bò" nhiều tai tiếng, phải chăng việc chậm tiến độ do người dân lấn mặt bằng?