Thứ tư, 16/10/2019, 15:28 PM
  • Click để copy

Chân dung 'đại gia' GELEX - ông chủ thực sự của nước sạch sông Đà

Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX chính là “ông chủ” thực sự của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà khi đang nắm hơn 60% cổ phần của công ty này.

Khách sạn Melia Lý Thường Kiệt bao gồm Khách sạn Melia và Tòa nhà văn phòng cho thuê Hanoi Center Office tọa lạc tại vị trí vàng 44B Lý Thường Kiệt.
Khách sạn Melia Lý Thường Kiệt bao gồm Khách sạn Melia và Tòa nhà văn phòng cho thuê Hanoi Center Office tọa lạc tại vị trí vàng 44B Lý Thường Kiệt.

Lộ diện ông chủ thực sự của nước sông Đà

Những ngày này, người dân Hà Nội sôi sục vì thông tin nước của Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Wiwasupco) nhiễm dầu.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Hà Nội: Mặc dù biết nước có vấn đề những doanh nghiệp này vẫn cố tình bán cho người dân. Hậu quả là một số quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Hoài Đức nước có mùi khét, thậm chí kết quả kiiểm nghiệm thể hiện việc nước sạch nhiễm nồng độ Styren cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần.

Tại buổi họp báo Thành ủy chiều 16/10, Tổng giám đốc Wiwasupco Nguyễn Văn Tốn cho biết, ông chỉ là người làm thuê. 

Như vậy, câu hỏi được đặt ra, sau khi cổ phần hóa, ai là ông chủ thực sự của Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà? Tại sao đến thời điểm này "ông chủ" này chưa lên tiếng?

Tìm hiểu được biết, “ông chủ" của Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà chính là Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX .

GELEX đang sở hữu cổ phần chi phối của doanh nghiệp nước vừa bán nước nhiễm dầu cho người dân. Một cổ đông lớn khác là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh với 35,95% cổ phần.

Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà trước đây có tên là Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (thuộc Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex) được thành lập vào tháng 3/2009.

Tháng 9/2009, doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, đổi tên từ Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex thành Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex. Sau đó được đổi tên thành Công ty CP nước sạch sông Đà kể từ ngày 01/02/2018.

Đến ngày 31/12/2018, các cổ đông lớn của Công ty gồm có: Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX giữ tỉ lệ 60,46% cổ phần, còn lại là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh với 35,95% cổ phần.

"Đại gia" GELEX nắm giữ nhiều đất vàng Thủ đô

Được biết, GELEX đang sở hữu các bất động sản có vị trí vàng như Tổ hợp khách sạn 5 sao Melia Hà Nội và tòa nhà văn phòng HCO; Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27-29 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm; Tòa nhà văn phòng cao cấp GELEX TOWER 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng....

Theo thông tin trên trang http://www.gelex.vn, Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX (GELEX Engery) có vốn điều lệ hiện tại là 2.300 tỷ đồng, do GELEX giữ 100% vốn.

GELEX Engery đã tham gia đầu tư vào 3 dự án nguồn phát điện với tổng công suất 122MW (Thủy điện Canan 1,2, Thủy điện Sông Bung, Trang trại điện Mặt trời Ninh Thuận).

Thông tin sơ bộ về GELEX.
Thông tin sơ bộ về GELEX.

Công ty đồng thời cũng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và cung cấp nước sạch, một bộ phận quan trọng khác trong nhóm hạ tầng thiết yếu.

GELEX Energy hiện đang sở hữu chi phối Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà, đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ ngày đêm.

Đặc biệt, mới đây tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019, GELEX cũng chính thức thông báo lấn sân sang lĩnh vực mới: Bất động sản.

Cụ thể, Gelex lên kế hoạch phát triển mảng bất động sản (BĐS) khu công nghiệp, phân khúc đang phát triển mạnh nhờ vào quá trình phân công lại sản xuất toàn cầu dẫn đến sự dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Bên cạnh đó, Gelex cũng đầu tư nhà ở xã hội, định hướng mở rộng thêm lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng trong mảng khu công nghiệp.

Cũng trên trang web chính thức, Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX là công ty thành viên của Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện, tiền thân của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam ngày nay, được thành lập ngày 10 tháng 7 năm 1990 nhằm tập trung sức mạnh các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc ngành công nghiệp kỹ thuật điện.

Từ khi thành lập đến nay, Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện đã lần lượt được chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động thành Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam với cơ chế điều hành công ty mẹ - công ty con vào năm 2006 và chính thức được cổ phần hoá để trở thành Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GELEX) vào tháng 12 năm 2010.

Người dân Hà Nội đang khát nước sạch sau bê bối về nhà máy nước sông Đà.
Người dân Hà Nội đang khát nước sạch sau bê bối về nhà máy nước sông Đà.

Từ quy mô vốn điều lệ tại thời điểm thành lập là 177 tỷ đồng, doanh thu xấp xỉ 300 tỷ đồng, đến giữa năm 2017 vốn điều lệ của Tổng công ty đã tăng gấp 13 lần, lên đến 2.320 tỷ đồng; doanh thu cuối năm 2016 tăng 24,7 lần, đạt mức 7.410 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam là ông Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1984.