Thứ sáu, 22/11/2019, 06:51 AM
  • Click để copy

Ai hưởng lợi khi làm đường sắt Lào Cai - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng?

Theo các chuyên gia kinh tế, giao thông thì việc làm tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng với vốn đầu tư lên đến 100.000 tỷ đồng, trong khi đã có đường cao tốc là lãng phí và vô lý, vì vậy Bộ GTVT cần tỉnh táo cân nhắc.

lam-duong-sat-lao-cai-hai-phong-100000-ty-dong-chuyen-gia-cung-kho-tin
Nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về dự định làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với vốn đầu tư lên đến 100.000 tỷ đồng. (Ảnh: Internet).

Dự án phi lý

Dư luận đang xôn xao trước thông tin Bộ GTVT đang dự kiến xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với vốn đầu tư lên đến 100.000 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn có tổng chiều dài 392km, diện tích đất sử dụng trên 1.650 ha, vốn đầu tư là 100 nghìn tỷ đồng. Tuyến đường sẽ đi qua 8 tỉnh, thành phố là: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Trên tuyến có 73 cầu lớn, với tổng chiều dài hơn 130km, trong đó phải xây mới 96 cầu; 25 hầm dài 25km; 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga.

Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. Tốc độ thiết kế tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là 160 km/h, mang nhiều ưu điểm vượt trội, thời gian từ Lào Cai đi Hà Nội mất 3 giờ, Lào Cai đi Hải Phòng mất 4 giờ.

Dự án này sau khi được thông tin rộng rãi đã khiến nhiều chuyên gia và người dân lo ngại về sự lãng phí bởi thực tế các địa phương đã có tuyến đường bộ cao tốc. Hơn nữa vốn đầu tư cho dự án quá lớn trong khi đó bài học nhãn tiền về tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn đó.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, không tán thành kế hoạch xây dựng dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, dự án này tốn quá nhiều tiền của bởi 100.000 tỷ đồng dù có huy động ở đâu thì rốt cụộc dân cũng là người trả, những người nộp thuế để trả.

"Việc tốn kém chi phí của người dân như thế nhưng hưởng lợi sẽ là ai?, bà Lan đặt câu hỏi, đồng thời bày tỏ nghi ngờ rằng kết nối tuyến đường sắt này có vẻ đang theo ý tưởng từ phía Trung Quốc đề xuất để tạo nên tuyến kết nối từ phía Vân Nam, Trung Quốc sang cảng Hải Phòng.

Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải trong buổi làm việc với các địa phương về dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng.
Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải trong buổi làm việc với các địa phương về dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng. (Ảnh: VTC).

Nữ chuyên gia kinh tế lưu ý: Trên thực tế, giao lưu về vận tải hàng hoá giữa bản thân tỉnh Lào Cai và các tỉnh xuyên suốt trên tuyến đường sắt này cũng không có nhiều đến mức phải cần một tuyến đường sắt tốn kém như vậy.

Bà Lan đặt nghi ngờ rằng, chưa nói về chi phí, việc hưởng lợi từ dự án này có thể Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc?

Chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi: "Nếu tính về góc độ kinh tế, sử dụng 100.000 tỷ đồng này đầu tư vào việc gì sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế Việt Nam? Nếu về giao thông, tại sao không đầu tư về giao thông cho miền Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giữa TP HCM với Đồng bằng sông Cửu Long?".

Bà Lan nhận định, mạng lưới giao thông khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang bị thiếu hụt hết sức nặng nề và nó làm cản trở sự phát triển của toàn TP HCM khi phát huy vai trò như đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam.

"Với những đóng góp lớn về mặt kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long mà lại không đầu tư hạ tầng chính đáng cho khu vực này so với các khu vực khác thì không công bằng", bà Lan nói.

Theo chuyên gia kinh tế này, việc đầu tư hạ tầng kéo lên phía Bắc hiện nay là quá đủ bởi trên thực tế giữa Lào Cai qua các tỉnh về Hà Nội và ra Hải Phòng đã có các tuyến đường có sẵn, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc.

Bà cũng cho rằng đối với việc phát triển hệ thống đường sắt, hiện Bộ GTVT đã có đề xuất xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 58 tỷ USD. "Tại sao lại có thể tham lam như vậy, vừa muốn 58 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam, lại vừa muốn 100.000 tỷ làm đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Tôi cho rằng dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng vừa lãng phí vừa vô lý vừa không phù hợp với lợi ích tổng thể của đất nước", bà Phạm Chi Lan nhận định.

Bà Lan cho rằng đối với việc đề xuất về các dự án giao thông, Bộ GTVT nên “mở mắt” ra để nhìn rộng ra cả nước chứ đừng cắt riêng cho từng đoạn. Hiện, số tiền đổ vào lĩnh vực giao thông đã quá nhiều so với chi tiêu của ngân sách, gánh nặng người dân phải chi trả là rất lớn, trong khi giao thông lại có rất nhiều dự án chưa hiệu quả.

"Bộ GTVT nên tập trung cải thiện hiệu quả các dự án để phục vụ cho phát triển kinh tế hơn là việc đề xuất thêm dự án này hay dự án khác. Việc 'đẻ' thêm các dự án chỉ làm tăng thêm mối nghi ngờ về các nhóm lợi ích muốn đạt được qua đầu tư", bà Phạm Chi Lan nói.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là bài học nhãn tiền

Cùng băn khoăn về dự án tuyến đường sắt trị giá 100.000 tỷ đồng này TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, không phải các dự án đầu tư của Trung Quốc là xấu hay có vấn đề. Nhưng chúng ta cần nhìn vào bài học của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông để có những quyết định đúng đắn.

"Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến sử dụng vốn vay ODA từ Trung Quốc thì sẽ giống như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Việc sử dụng vốn vay ODA là cần thiết để phát triển, đầu tư hạ tầng giao thông. Nhưng thực tế cho thấy, tình trạng đội vốn, kéo dài thời gian, khiến cho mức đầu tư ban đầu tưởng là hợp lý, thì sau đó đã nâng lên quá cao, gây ra nhiều tổn thất.

Chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy.
Chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy.

Những chiêu trò như bỏ thầu với giá thành rẻ, ràng buộc khi sử dụng vốn vay ODA... có thể dẫn đến những hệ lụy nêu trên. Do đó, cần phải có những nghiên cứu khoa học rất bài bản khi nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt này chứ không nên làm một cách tùy tiện. Vốn vay ODA về bản chất là tiền của dân, người dân sẽ phải đóng thuế để trả. Không thể thích thì vay, vay rồi thích làm gì thì làm”, TS Nguyễn Xuân Thủy lo ngại.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, thay vì đầu tư dàn trải, không đúng mục đích thì nên đầu tư vào việc nâng cấp đường sắt Bắc - Nam. Làm lại cầu, hầm, biến đường đơn thành đường kép, mở rộng ra khổ đường sắt 1m42... sẽ góp phần giảm tải rất nhiều cho vận chuyển bằng đường bộ.

Theo tính toán thì khi nâng cấp như thế, công suất của đường sắt sẽ tăng lên từ 4 - 5 lần, rất hiệu quả và cần thiết. Năng suất vận tải bằng đường sắt gấp nhiều lần đường bộ và giá vận tải chỉ bằng 1/2 đường bộ, quỹ đất thì chỉ bằng 1/4.

Link gốc:https://baosuckhoecongdong.vn/ai-huong-loi-khi-lam-duong-sat-lao-cai-hai-phong-100-000-ty-dong-142549.html