Thứ bảy, 26/10/2019, 06:42 AM
  • Click để copy

ĐBQH: 'Khu du lịch tâm linh Lũng Cú xây lên nhằm mục đích gì?'

ĐBQH Phạm Văn Hòa cho hay, ông rất băn khoăn bởi các siêu dự án tâm linh mọc lên ngày càng nhiều. Đồng thời đặt câu hỏi khu du lịch tâm linh Lũng Cú xây dựng lên nhằm mục đích gì khi phật giáo không phải tín ngưỡng gắn với đồng bào dân tộc ở địa bàn này?

Xe núi làm siêu dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú.
Xe núi làm siêu dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú.

Địa phương đua nhau xây chùa, làm tâm linh

Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến siêu dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú được xây dựng trên địa phận xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) nằm cách cột cờ Lũng Cú khoảng 500m do Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư.

Nhiều băn khoăn về siêu dự án này đang được dư luận đặt ra, trong đó nhiều ý kiến lo ngại rằng việc xây chùa, khu du lịch tâm linh đang phát triển ở khắp nơi và rằng Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú xây dựng nhằm mục đích gì khi phật giáo không phải tín ngưỡng gắn với đồng bào dân tộc ở địa phương?

Trao đổi với PV, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) nhận định: Thời gian gần đây, người dân cũng như dư luận cảm thấy rất lạ lùng trước việc một số tỉnh nhất là các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc có hiện tượng bất thường với người dân nhưng lại rất bình thường do đã quá nhiều đó là việc quy hoạch, xây dựng các Khu tâm linh kết hợp với du lịch, đặc biệt là xây dựng mới chùa chiền, tâm linh.

 

Ngày 22/6/2016, nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Giang làm Lễ động thổ dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú. (Ảnh: Báo Hà Giang).
Ngày 22/6/2016, nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Giang làm Lễ động thổ dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú. (Ảnh: Báo Hà Giang).

ĐBQH Phạm Văn Hòa đặt dấu hỏi rằngviệc xây dựng chùa, khu tâm linh như ở Lũng Cú có được quy hoạch, được cho phép của ai, tại sao lại xây chùa ở đó?

"Thời qua có tình trạng đổ xô xây dựng chùa lớn kết hợp với khu du lịch tâm linh, dịch vụ đi kèm như chùa Tam Chúc, Bái Đính và mới đây Hòa Bình cũng đề nghị Chính phủ quy hoạch khu du lịch tâm linh, giờ Lũng Cú (Hà Giang) lại xây dựng chùa lớn. Trong khi đó tín ngưỡng tâm linh Phật giáo không phải nơi nào cũng có...”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Theo đại biểu Hòa, tại các địa phương có tín ngưỡng tâm linh Phật giáo hầu hết đều đã có chùa chiền, tại sao chúng ta không nâng cấp hoặc xuống cấp quá có thể xây dựng lại trên nền chùa cũ?

"Nhưng hiện nay, có tình trạng xây dựng mới chùa chiền lại xây dựng hết sức hoành tráng.Điều đáng lưu ý đây đã trở thành hiện tượng hết sức bình thường. Chính phủ cần phải vào cuộc hết sức quyết liệt để ngăn ngừa, phòng ngừa những ai lợi dụng vấn đề tâm linh để xây dựng chùa chiền to lớn phá vỡ cảnh quan di tích, di sản, được quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng sản xuất…

Chúng ta phải có sự vào cuộc để bảo vệ cảnh quan di tích, di sản, cảnh quan thiên nhiên danh thắng chứ không được cho phép quy hoạch xây dựng khu tâm linh ở Lũng Cú mà xây dựng những chùa như thế. Ai đó thực hiện những việc này tôi cho là lợi dụng xây dựng chùa với quy hoạch tâm linh để thu lợi”, Đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.
ĐBQH Phạm Văn Hòa.

Vị ĐBQH cũng cho rằng, thực tế có không ít địa phương họ muốn làm như vậy, thậm chí có những việc lợi ích nhóm, sân sau của một số người nào đó để thực hiện những việc này.

“Tôi là một đại biểu Quốc hội với suy nghĩ công tâm, khách quan, vô tư cho rằng, cần phải có một sự quyết liệt của Chính phủ để ngăn chặn những hành vi mà lợi dụng tâm linh, chùa chiền của người dân để thực hiện hoạt động dịch vụ kinh doanh, thu lợi nhuận”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh thêm.

Lo sợ “phá nát cảnh quan” di tích cột cờ Lũng Cú

Trở lại với siêu dự án khu du lịch tâm linh Lũng Cú đang gây tranh cãi trong dư luận. Từ những ghi nhận cho thấy, hiện nay, ngọn núi ngay sát danh thắng Lũng Cú đang bị đục khoét nham nhở tạo mặt bằng và đang xây dựng các gian chùa, bậc thang và các công trình lưu trú.

Trong khi đó, dự án này thuộc quần thể cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu mà cách đây không lâu việc xây dựng tòa nhà Panorama Mã Pì Lèng đã bị UNESCO có ý kiến.

Một số chuyên gia về văn hóa đã lên tiếng cho rằng, việc xây dựng công trình tâm linh Phật giáo bề thế sẽ tạo ra những khác biệt so với văn hóa tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại nơi đây.

Siêu dự án tâm linh cách cột cờ Lũng Cú không xa.
Siêu dự án tâm linh cách cột cờ Lũng Cú không xa. (Ảnh: Google maps).

TS Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, đã là một dự án du lịch thì phải tuân theo những nguyên tắc phát triển bền vững, đó là phải bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hóa, và người dân (chứ không phải vài cá nhân, doanh nghiệp) được hưởng lợi.

“Dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú chiếm đất đai nông nghiệp, xẻ núi, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên cần được bảo vệ là vùng cao nguyên đá Đồng Văn cũng như vùng đệm xung quanh di tích cột cờ Lũng Cú, kinh doanh sản phẩm du lịch không thuộc về văn hóa bản địa, dễ thấy nó không đạt được các nguyên tắc phát triển bền vững nêu trên”, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn nêu ý kiến.