Thứ hai, 22/10/2018, 10:12 AM
  • Click để copy

Di dời hơn 15 ngàn nhân khẩu ra khỏi Di tích Huế

Đề án sau khi được triển khai và hoàn thành hứa hẹn sẽ tạo ra diện mạo hoàn toàn mới, đẹp hơn, sạch hơn cho bộ mặt đô thị cũng như di sản Huế. Đặc biệt, 4.200 hộ dân với hơn 1,5 vạn nhân khẩu sẽ có điều kiện sống tốt hơn và phát triển hơn tại nơi ở mới.

di-doi-hon-15-ngan-nhan-khau-ra-khoi-di-tich-hue
Di tích Kinh thành Huế là Quần thể di tích Cố đô Huế có giá trị lịch sử.

Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa tổ chức buổi khảo sát thực địa khu vực giải tỏa trong khuôn khổ Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích Kinh thành Huế. 

Theo tìm hiểu, di tích Kinh thành Huế được xây dựng vào năm 1805 – 1833 (dưới thời vua Gia Long, vua Minh Mạng). Đây là Quần thể di tích Cố đô Huế có giá trị lịch sử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.

di-doi-hon-15-ngan-nhan-khau-ra-khoi-di-tich-hue
Do ở thượng thành nên chiếc thang này là đồ dùng quen thuộc của người dân trong khu di tích.

Hiện nay, tại nhiều điểm di tích, nhân dân địa phương tự động lấn chiếm dần mặt bằng của công trình kiến trúc, xây dựng nhà ở, mở vườn, trồng hoa màu…

Cho đến nay, trong các khu vực I di tích Kinh thành có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống. Ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Phần lớn các hộ dân sống trong những ngôi nhà tạm bợ, chật hẹp, các điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe và mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích”.

Theo ghi nhận, cuộc sống của người dân sống tại các di tích rất vất vả như nhà cửa xuống cấp, đi lại khó khăn… Ngoài ra, khu vực những bức tường thành cũng xuống cấp nghiêm trọng và bốc mùi hôi thối do nước thải sinh hoạt của người dân gây ra.

di-doi-hon-15-ngan-nhan-khau-ra-khoi-di-tich-hue
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm khảo sát tại khu vực thượng thành.

Tình trạng này khiến giới hạn tầm nhìn và làm giảm vẻ mỹ quan của di tích; ảnh hưởng đến diện mạo và sự bền vững của công trình kiến trúc, đặc biệt là làm môi trường bị ô nhiễm nặng.

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra đề án di dời các hộ dân ra khỏi khu vực di tích kinh thành Huế.

di-doi-hon-15-ngan-nhan-khau-ra-khoi-di-tich-hue
Tệ nạn xã hội xuất hiện trong khu di tích.

Mục đích của đề án này nhằm giúp các hộ dân sống ở trên di tích có được sự an cư lạc nghiệp, bởi hầu hết các hộ dân ở đây đều thuộc diện khó khăn và họ luôn mong muốn được di dời đến nơi ở mới tốt hơn. Thứ hai là nhằm chỉnh trang đô thị, trả lại mỹ quan cho bộ mặt đô thị, cũng như bộ mặt di sản Huế. Thứ ba là nhằm bảo vệ di sản Huế, một di sản lớn của dân tộc đã được UNESCO vinh danh.

di-doi-hon-15-ngan-nhan-khau-ra-khoi-di-tich-hue
di-doi-hon-15-ngan-nhan-khau-ra-khoi-di-tich-hue
Tường thành đen xì và xuống cấp vì nước thải sinh hoạt của dân xả ra.

Theo đề án của tỉnh, từ năm 2019 cho đến năm 2025 sẽ di dời khoảng 4.200 hộ dân ra khỏi di tích, với tổng kinh phí di dời giải phóng mặt bằng ước tính khoảng 2.735 tỷ đồng (đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí).

Trong đó, giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) sẽ di dời 2.938 hộ, kinh phí di dời giải phóng mặt bằng khoản 1.880 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ, với tổng kinh phí di dời giải phóng mặt bằng khoản 855 tỷ đồng.

Ngoài ra, kinh phí đầu tư xây dựng khu tái định cư giai đoạn 1 khoảng 946 tỷ đồng và giai đoạn 2 khoảng 416 tỷ đồng sẽ được trích từ ngân sách địa phương từ nguồn thu bán vé tham quan di tích, dịch vụ du lịch và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Đề án này sau khi triển khai và hoàn thành, hứa hẹn sẽ tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới, đẹp hơn, sạch hơn cho bộ mặt đô thị Huế, cũng như di sản Huế. Đặc biệt, 4.200 hộ dân với hơn 1,5 vạn nhân khẩu sẽ có điều kiện sống tốt hơn và phát triển hơn tại nơi ở mới.

di-doi-hon-15-ngan-nhan-khau-ra-khoi-di-tich-hue
Nhếch nhác khu di tích.

Tuy nhiên, để đề án này thành công, cần thiết phải có sự đồng thuận của toàn xã hội, sự quyết tâm của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các ban ngành liên quan và sự hỗ trợ mạnh mẽ về nguồn lực từ Chính phủ.

Theo ông Phan Văn Tuấn, hiện Đề án đang được chuẩn bị lấy ý kiến của các bộ ngành và sau đó sẽ được trình lên Thường vụ Quốc hội. Sau khi thực hiện việc di dời, sẽ cải tạo mặt bằng, trả lại nguyên trạng cho di tích và triển khai trùng tu, tôn tạo và bảo tồn di tích ở Kinh thành Huế.