Thứ hai, 25/05/2020, 18:55 PM
  • Click để copy

Đóng tre làm kè giữ đất, chống sạt lở ở khu vực Hồ Tịnh Tâm

Những ngày này, ở khu vực Hồ Tịnh Tâm - một danh thắng nổi tiếng của đất Kinh thành Huế đang được làm kè tre nhằm giữ đất và chống sạt lở.

Đóng tre làm kè ở khu vực hồ. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Đóng tre làm kè ở khu vực hồ. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Giữa thời tiết nắng nóng của tháng 5, nhiều công nhân đang chăm chỉ đóng tre làm kè ở khu vực Hồ Tịnh Tâm để giữ đất, chống sạt lở. Đây là một phần công việc trong công tác chỉnh trang danh thắng nổi tiếng này.

Hồ Tịnh Tâm là di tích thuộc địa phận phường Thuận Thành (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Dưới triều Nguyễn, Hồ Tịnh Tâm là 1 trong 20 thắng cảnh của đất Thần Kinh.

Vốn là vườn ngự uyển nằm bên Kinh thành Huế đi vào trong thi ca, đến nay, Hồ Tịnh Tâm được đánh giá là một trong những thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam vào thế kỷ 19.

Tiến hành đóng tre. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Tiến hành đóng tre. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Ngày nay, vì nhiều lý do khác nhau nên hồ vẫn ở trong trạng thái phế tích, cảnh quan Hồ Tịnh Tâm bị ô nhiễm trầm trọng do tình trạng bèo xâm lấn và việc xả thải trực tiếp xuống lòng hồ của một bộ phận dân cư.

Do đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai các giải pháp nhằm chỉnh trang khu vực Hồ Tịnh Tâm, khắc phục nguy cơ ô nhiễm môi trường, lấn chiếm hồ.

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai trồng tre dọc hai bên đường Lê Văn Hưu (đê Kim Oanh) và làm kè tre để giữ đất, chống sạt lở.

Kè tre chống sạt lở. Ảnh: Tuấn Hiệp

Kè tre chống sạt lở. Ảnh: Tuấn Hiệp

Nói về việc này, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, đây là giải pháp tạm thời để giữ đất hai bên vỉa hè cũng như tạo cảnh quan khu vực hồ. Sau này, sẽ triển khai nghiên cứu tổng thể để có giải pháp tu bổ và tôn tạo hợp lí, mang tính lâu dài và bền vững.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Hồ Tịnh Tâm là một danh thắng nổi tiếng của đất Kinh thành, việc bảo tồn và phát huy giá trị là việc làm cần thiết để nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách và người dân”.

Cũng theo ông Thọ, việc phục hồi và tu bổ phải tôn trọng tối đa tính nguyên gốc của các yếu tố cấu thành di tích, hạn chế sử dụng các biện pháp can thiệp vào yếu tố gốc làm thay đổi các giá trị của di tích.

“Việc làm trước mắt và cần làm ngay là phải tập trung xử lý nước thải và cải tạo môi trường. Khi người dân có ý thức bảo vệ di sản thì việc phục hồi và tôn tạo mới có ý nghĩa", ông Thọ chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị UBND TP Huế đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân không xả rác thải xuống hồ, bảo vệ môi trường khu dân cư; kết hợp ra quân Ngày Chủ nhật xanh để làm vệ sinh môi trường xung quanh hồ. Ngoài ra, có kế hoạch xử lý hệ thống nước thải, cải thiện môi trường nước Hồ Tịnh Tâm. 

Được biết, xét về tổng thể, Hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1.500m. Trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Trong đó, đảo Bồng Lai nổi bật nhất nằm ở phía Nam của hồ, chính giữa đảo có điện Bồng Doanh với kiến trúc 3 gian 2 chái, mái trùng diêm, lợp ngói lưu li.

Hàng tre xanh mát được trồng ở bên đường. Ảnh: Tuấn Hiệp

Hàng tre xanh mát được trồng ở bên đường. Ảnh: Tuấn Hiệp

Hồ được ngăn cách với bên ngoài bằng vòng tường gạch. Bốn mặt có 4 cửa gồm: cửa Hạ Huân, Đông Hy, Xuân Quang và cửa Thu Nguyệt. Xung quanh các đảo trên hồ và dọc bờ hồ đều trồng các loại liễu trúc, các hoa cỏ lạ, dưới hồ trồng sen bách diệp.

Vừa là di tích kiến trúc, vừa là danh lam thắng cảnh, Hồ Tịnh Tâm là cả một tổng thể kiến trúc cung đình gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật khác nhau; được phân bố giữa quan cảnh thiên nhiên có sẵn và được bàn tay con người cải tạo, bồi đắp thêm tạo thành công trình kiến trúc cầu kỳ, tinh mỹ mà hài hòa với thiên nhiên đến mức hoàn hảo.