Thứ sáu, 20/12/2019, 15:47 PM
  • Click để copy

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông nguy cơ 'vỡ' kế hoạch chạy khai thác năm 2019

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang có nguy cơ vỡ kế hoạch vận hành khai thác thương mại vào năm 2019.

 Sau nhiều lần hứa hẹn, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa biết khi nào khai thác.
Sau nhiều lần hứa hẹn, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa biết khi nào khai thác.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bao giờ đưa vào vận hành khai thác là câu hỏi được không chỉ người dân Thủ đô mà người dân cả nước đặt ra từ lâu nay.

Sau nhiều lần đội vốn, chậm tiến độ, trải qua nhiều đời Bộ trưởng nhưng câu hỏi về dự án này khi nào khai thác vẫn chưa có lời đáp cuối cùng.

Mới nhất, thông tin với báo chí, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, đang tạm hoãn việc vận hành thử toàn hệ thống tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

Nguyên nhân, Tổng thầu EPC (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) chưa xây dựng phương án an toàn cho dự án.

Theo báo Giao Thông: Dự án chưa thể đưa vào khai thác trong tháng 12/2019 do phần lắp đặt thiết bị mới đạt khoảng 97%, phần còn lại chưa lắp đặt không trực tiếp liên quan đến chạy tàu. Vì vậy, tổng thầu dự án (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) phải hoàn thành trước khi dự án được nghiệm thu toàn bộ.

Bên cạnh đó để vận hành dự án, tổng thầu phải hoàn thiện đề cương, cũng như thực hiện vận hành thử toàn bộ hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong 20 ngày để đánh giá an toàn hệ thống và phục vụ nghiệm thu toàn bộ dự án.

“Việc vận hành hệ thống phải tuân thủ theo đề cương vận hành thử chi tiết do tổng thầu xây dựng, được các đơn vị quản lý dự án thẩm tra, phê duyệt. Tổng thầu đã trình đề cương, song cần bổ sung, hoàn thiện nên đến nay chưa được phê duyệt.

Sau khi phê duyệt mới xác định thời gian bắt đầu vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày”, đại diện Ban Quản lý dự án thông tin và cho biết thêm, việc đánh giá an toàn hệ thống do tư vấn độc lập (Liên danh Apave-Certifier-Tricc) thực hiện.

Sau khi dự án nghiệm thu toàn bộ, được cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống để khai thác sẽ được bàn giao cho TP Hà Nội, trực tiếp là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội khai thác, vận hành.

Về phía tổng thầu, đơn vị này cho biết, hiện dự án chưa được bàn giao nên các chi phí để duy trì vận hành thiết bị (như điện) do tổng thầu chi trả, khoảng 100 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, thời gian này tổng thầu cũng phát sinh các chi phí như: lương, thuê văn phòng, thuê nhà cho nhân lực của tổng thầu.

Trước đó, tại buổi họp báo quý III năm 2019 của Bộ GTVT, Bộ GTVT cho biết, từ lâu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được nhắc đến với tổng khối lượng tồn tại còn chỉ khoảng 1%. Tỷ lệ này liên quan đến việc hoàn chỉnh lại hệ thống, khắc phục khiếm khuyết, yêu cầu đúng với thiết kế, một số vấn đề liên quan đến hoàn thiện chỉnh trang Depot...

Nguyên nhân chậm phần lớn do việc chậm trễ của tổng thầu trong việc tập hợp hồ sơ liên quan đến linh kiện lắp đặt để đánh giá mức độ an toàn. Nếu làm đến đâu tập hợp hồ sơ đến đó sẽ rút ngắn được thời gian. Tuy vậy, tổng thầu lại làm hiện trường nhiều hơn, sau đó mới tập hợp nên rất mất nhiều thời gian.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10-2008, với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỉ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh tăng lên 18.000 tỉ đồng (tương đương 868 triệu USD).

Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), với 12 nhà ga trên cao; có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có bốn toa, tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, dự án vẫn tiếp tục chưa hẹn ngày về đích. Lỗi chủ yếu, theo Bộ GTVT, là do Tổng thầu Trung Quốc không thực hiện đúng các cam kết và chỉ đạo của Bộ GTVT.

 

Điều dưỡng, Hộ sinh bệnh viện Trung ương Huế thi tay nghề giỏi

1.232 thí sinh là những cán bộ điều dưỡng - hộ sinh ở bệnh viện Trung ương Huế đã thi tay nghề giỏi.

 

'Bảng điểm chất lượng' hơn 200 phòng khám đa khoa ở TP. Hồ Chí Minh

Dưới đây là danh sách xếp hạng hơn 200 phòng khám đa khoa ở TP. Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn của bộ "tiêu chí chất lượng áp dụng cho PKĐK trên địa bàn TP.HCm, phiên bản 3.0".

 Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-nguy-co-vo-ke-hoach-chay-khai-thac-nam-2019-146505.html