Mua nhà từ 300 triệu đồng bằng tiền mặt phải báo cáo nhằm chống rửa tiền: 'Quy định có như không'
Theo đánh giá của chuyên gia, quy định dùng tiền mặt trên 300 triệu mua bán bất động sản phải báo cáo để chống rửa tiền là khó khả thi, không phù hợp với thực tiễn.
Quy định mua nhà 300 triệu phải báo cáo nhằm chống rửa tiền
Dư luận đang quan tâm đến vụ việc, Sở Xây dựng TP HCM có công văn gửi doanh nghiệp kinh doanh và sàn giao dịch, môi giới bất động sản (BĐS) trên địa bàn yêu cầu lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn từ 300 triệu đồng trở lên về Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước).
Đây được cho là bước làm của Sở Xây dựng TP HCM sau chỉ đạo của Bộ Xây dựng vài tháng trước đó về việc chống rửa tiền thông qua giao dịch bất động sản.
Cụ thể: Bộ Xây dựng đã có công văn 1590 gửi Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Nội dung công văn cho biết: Bộ Xây dựng đề nghị các Sở Xây dựng phải yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản (gọi chung là các đơn vị báo cáo) phải thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, khách hàng, áp dụng biện pháp tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao, phân công cán bộ thực hiện phòng, chống rửa tiền…
Lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo đúng các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền.
Bên cạnh đó, đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố tại chính tổ chức mình về các giao dịch bất động sản và gửi kết quả về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước ngày 1/9/2019.
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản phải ban hành và thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố. Rà soát cập nhật Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố nếu đã ban hành.
Liên hệ với Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có thông tin và hướng dẫn về các "Danh sách đen, Danh sách cảnh báo, Danh sách cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEPs)" theo quy định của pháp luật...
Quy định thừa thãi
Nhìn nhận về quy định nói trên, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng: Đây là quy định không phù hợp với thực tế.
Theo ông Châu: Đối tượng phải báo cáo là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý, môi giới, sàn giao dịch BĐS thì cũng mới chỉ phản ánh được một phần giao dịch trên thị trường. Trong khi Luật Kinh doanh BĐS không quy định giao dịch BĐS phải qua sàn và người mua cũng có thể mua trực tiếp từ chủ đầu tư.
Ông Châu cho rằng: Thực tế, hiện nay giao dịch BĐS qua sàn chỉ chiếm khoảng 9%-10% toàn thị trường. Vì thế, nếu có báo cáo thì số lượng giao dịch gửi lên cơ quan quản lý là rất ít, không bao quát được tình hình toàn thị trường.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng: Mốc giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo là con số không hợp lý trên thực tế bởi áp dụng như thế thì tất cả giao dịch đều phải báo cáo vì hiện tại giá một sản phẩm BĐS đã vượt xa con số này rồi.
Chưa kể việc phải báo cáo giao dịch sẽ khiến khách hàng e ngại, ảnh hưởng tiêu cực đến các giao dịch, khách có thể ngừng giao dịch khiến doanh nghiệp, các sàn kinh doanh thiệt hại.
Ông Châu cũng chỉ ra quy định của Bộ Xây dựng không có căn cứ pháp luật, vì từ năm 2009 Chính phủ đã ban hành nghị định phòng, chống rửa tiền với mức là 200 triệu đồng và các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ.
Ngoài BĐS còn có chứng khoán và ngân hàng cũng bị áp dụng quy định này. Nhưng bây giờ Bộ Xây dựng lại quy định từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo và chỉ áp dụng với sàn môi giới là không đúng. Hơn nữa, đây chỉ là văn bản, không phải là thông tư dưới luật nên nguy cơ có cũng như không là rất cao. Các sàn, doanh nghiệp không báo cáo cũng không sao.
Trước quy định này nhiều người dân cũng tỏ ra băn khoăn vì họ cho rằng, số tiền mặt 300 triệu hiện tại là con số phổ biến ai cũng có thể thực hiện giao dịch.
"Thậm chí những người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội hiện tại cũng cần bỏ ra ít nhất gần 500 triệu đồng để được mua trả góp. Như vậy, người thu nhập thấp cũng thuộc đối tượng giao dịch rửa tiền...?", Chị Lan Anh một người dân đang có nhu cầu mua nhà ở xã hội tại Hà Nội chia sẻ. Đây cũng là ý kiến băn khoăn của rất nhiều người dân trước thông tin trên.
Liên quan đến quy định này trao đổi với PV, một số luật sư cũng cho rằng quy định này rất xa rời thực tế, thậm chí gây phiền hà cho người dân.
Chúng tôi tiếp tục thông tin vụ việc.
Sẽ có quy định thống nhất về chỗ đỗ xe tại chung cưGửi ý kiến tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cử tri TPHCM đề nghị ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn xác định diện tích xe đạp, xe cho người tàn tật, xe động cơ hai bánh và xe ô tô để xác định được phần sở hữu chung - riêng đối với nơi để xe trong hồ sơ thiết kế, cấp phép xây dựng chung cư, tránh phát sinh tranh chấp. |
TP HCM muốn tiếp tục làm 3 dự án BT ở Thủ ThiêmTP HCM kiến nghị Thủ tướng được cho tiếp tục thực hiện 3 dự án BT ở khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm gồm: Xây dựng 4 tuyến đường chính; cầu Thủ Thiêm 2; Khu dân cư phía Bắc thuộc Khu chức năng số 3, số 4 và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam. |
Cò ăn chênh 300 triệu, căn hộ bình dân bị làm giáMột dự án chung cư tại Hà Nội có mức giá chênh lên tới 300 triệu đồng với những căn đẹp. Đây là điều hy hữu trong bối cảnh hàng loạt dự án chung cư đang bán giá gốc, thậm chí còn được chiết khấu. |