Thứ bảy, 05/10/2019, 17:54 PM
  • Click để copy

Nghịch lý khách sạn 'không phép' trên đỉnh Mã Pì Lèng: Càng tẩy chay càng đông khách, 'huyện xin không thông tin'

Một nghịch lý diễn ra khi giữa làn sóng bị tẩy chay thì khách sạn Panorama "không phép" trên đèo Mã Pì Lèng vẫn đang rất đông khách, thậm chí trong tình trạng cháy phòng.

Khách sạn Panorama
Khách sạn Panorama "không phép" trên đèo Mã Pì Lèng vẫn đang rất đông khách dù làn sóng tẩy chay diễn ra sôi sục trên mạng xã hội. (Ảnh: Zing.vn).

Câu chuyện về việc khách sạn Panorama hay còn gọi với cái tên tòa bê tông 7 tầng xây dựng "không phép" án ngữ ở hông đèo Mã Pì Lèng (hay còn có tên gọi là Mã Pí Lèng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) đang trở thành tâm điểm của dư luận.

Điều đáng chú ý, giữa làn sóng tẩy chay của cộng đồng mạng với dòng chia sẻ kêu gọi của Nhà báo Trần Đăng Tuấn vừa qua những tưởng tòa khách sạn "không phép" này sẽ bị ế ẩm. 

Thế nhưng một nghịch lý đang diễn ra đó là việc dù bị kêu gọi tẩy chay, dù bị cho điểm 1 sao nhưng thực tế khách sạn này lại đang bị "cháy phòng". Trên một số ứng dụng mạng đặt khách sạn cho thấy, hiện tại phía khách sạn đã hết phòng.

Trong khi đó, theo ghi nhận của báo chí vào ngày 5/10, khu vực khách sạn này vẫn là điểm dừng chân rất lý tưởng của những du khách đến đèo Mã Pì Lèng.

Toàn cảnh khách sạn 'không phép' trên đỉnh Mã Pì Lèng. (Ảnh: Zing,vn).
Toàn cảnh khách sạn 'không phép' trên đỉnh Mã Pì Lèng. (Ảnh: Zing.vn).

Tờ Zing.vn miêu tả: Sau khi có thông tin về việc công trình xây sai phép, vẫn có đông khách du lịch đến đây. Khi phóng viên có mặt, tầng nhà nằm sát mặt đường có rất đông du khách đến uống cà phê và ngắm cảnh. Từ ban công tòa nhà có thể bao quát đèo Mã Pí Lèng, hẻm Tu Sản và con đập trên sông Nho Quế.

Lễ tân khách sạn cho ha,y không còn 1 chỗ nghỉ nào và du khách phải đặt chỗ cả tháng trước đó mới mong có phòng. Giá phòng nghỉ ở đây cũng khá đắt đỏ khi dao động mở mức 700 nghìn đồng/đêm.

Như vậy, giữa làn sóng bị tẩy chay thì khách sạn Panorama "không phép" trên đèo Mã Pì Lèng lại càng đông khách. Điều này cho thấy sự kêu gọi tẩy chay gần như chỉ diễn ra trên không gian mạng.

Đèo Mã Pì Lèng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. (Ảnh: FB).
Đèo Mã Pì Lèng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. (Ảnh: FB).

Ở diễn biến khác, tờ Tiền Phong trong bài viết "Bất ngờ công trình 'chui' trên đỉnh Mã Pì Lèng được huyện coi là điểm du lịch" dẫn lời ông Ma Văn Trưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc trong buổi làm việc mới đây cho biết: Ông  Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc còn xếp công trình này là một trong 8 điểm lưu trú du lịch trên địa bàn huyện.

"Ngoài những điểm lưu trú tại trung tâm huyện thì tính cả Panorama nữa chúng tôi có 8 điểm du lịch có dịch vụ lưu trú kể cả dạng Homestay".

Đáng chú ý hơn khi ông này còn nói rằng Chủ tịch huyện muốn xin báo chí đừng thông tin nữa. "Khi được hỏi về tính pháp lý của công trình này, ông Trưởng luống cuống xin phép ra ngoài gọi điện xin ý kiến của chủ tịch huyện vì vị Chủ tịch này đang đi họp dưới tỉnh: "Theo ý kiến Chủ tịch thì công trình này nằm trong diện kêu gọi đầu tư của huyện, vấn đề pháp lý thì có một số chỗ chưa đúng, chúng tôi cũng đang cho rà soát lại để hoàn chỉnh hồ sơ. Chủ tịch cũng có ý xin anh em báo chí đừng thông tin nữa", báo Tiền Phong đề cập.

Tòa khách sạn thời điểm đang xây dựng. (Ảnh: FB).
Tòa khách sạn thời điểm đang xây dựng. (Ảnh: FB).

Trước đó, tìm hiểu được biết, chủ đầu tư của công trình được ví như "cái răng sâu" hay "cái gai" trên Mã Pì Lèng này chính là một phụ nữ ở TP Hà Giang tên Vũ Thị Ánh.

Theo thông tin ban đầu, bà chủ tòa bê tông 7 tầng trên đỉnh Mã Pì Lèng đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với mục đích sử dụng là Đất trồng cây hàng năm khác chưa phải đất thổ cư, đất xây dựng. Công trình chưa có Giấy phép xây dựng.

Chúng tôi tiếp tục thông tin.