Quy định mới của EU có làm đổ vỡ thỏa thuận khí đốt với Mỹ?
Brussels chuẩn bị phạt các công ty nhiên liệu hóa thạch vì phát thải khí methane vượt mức cho phép – điều này dự kiến sẽ làm phật lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một bộ quy định ít được biết đến của Liên minh châu Âu (EU) nhằm chống biến đổi khí hậu đang trở thành rào cản lớn đối với nỗ lực của châu Âu trong việc tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Mỹ, theo cảnh báo của các chuyên gia trong ngành và các chính trị gia.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng nếu EU không muốn đối mặt với các mức thuế thương mại gây thiệt hại nặng nề, “việc họ có thể làm ngay lúc này là mua dầu khí của Mỹ”. Mặc dù các quan chức EU cho biết họ sẵn sàng đàm phán với Nhà Trắng, nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng các quy định mới về phát thải sắp được ban hành có thể cản trở nỗ lực này.
Năm 2027, các quốc gia EU dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng hình phạt đối với các công ty nhập khẩu nhiên liệu không tuân thủ các quy định mới về phát thải khí methane. Những biện pháp này được xây dựng với sự ủng hộ từ ông Biden. Tuy nhiên, ông Trump dường như sẵn sàng đảo ngược các yêu cầu từ phía Mỹ. Nếu các công ty Mỹ tận dụng cơ hội này để nới lỏng các nỗ lực kiểm soát khí methane, điều đó có thể dẫn đến chi phí bổ sung khi khí đốt của họ được bán vào thị trường EU.
Tình huống này có khả năng tạo ra căng thẳng, đặc biệt là khi ông Trump, người luôn nhìn mọi thứ qua lăng kính thuế quan, theo Matteo Mazzoni, Giám đốc phân tích năng lượng tại công ty thông tin hàng hóa ICIS.
Theo ông Mazzoni, các biện pháp này “trên thực tế hoạt động như một dạng thuế biên giới đối với xuất khẩu của Mỹ, và làm tăng gánh nặng hành chính cũng như chi phí vận hành cho cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu”.
Khí Methane, loại khí thường rò rỉ trong quá trình khai thác và vận chuyển nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt gây hại cho môi trường. Trong vòng 20 năm, khí methane có khả năng làm nóng bầu khí quyển mạnh hơn CO2 gấp 84 lần.
Để đối phó, các quan chức đã bắt đầu thiết lập các hướng dẫn nghiêm ngặt hơn để theo dõi và hạn chế phát thải khí methane.
Bắt đầu từ năm nay, các loại nhiên liệu nhập khẩu vào EU phải kèm theo dữ liệu chi tiết về lượng khí methane phát thải trong quá trình khai thác. Sau 2 năm nữa, nếu không đáp ứng các tiêu chí của EU, sẽ có một “hệ thống hình phạt” được áp dụng, bao gồm cả “khoản tiền phạt hoặc lệ phí” đối với các nhà xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Trump lại đi theo hướng hoàn toàn ngược lại, hứa hẹn tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch từ mức cao kỷ lục hiện tại và loại bỏ mọi rào cản trong phát triển năng lượng trong nước.
Hôm thứ Hai tuần này, ông đã thu hồi hàng loạt sắc lệnh môi trường và ban hành chỉ thị xóa bỏ bất kỳ biện pháp nào “gây cản trở việc phát triển tài nguyên năng lượng quốc gia”. Điều này có khả năng làm suy yếu các quy định về khí methane và CO2.
Cách tiếp cận này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các quy định sắp tới của EU. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Anna-Kaisa Itkonen nói với POLITICO rằng, “việc mở rộng nhập khẩu khí đốt từ Mỹ sẽ phải tuân thủ các quy định về khí methane của chúng tôi” và khẳng định sẽ không có kế hoạch miễn trừ.
Đáng nói, đây không phải là quy định EU duy nhất làm phật lòng ông Trump trong các cuộc thảo luận thương mại. Từ năm 2026, EU sẽ áp dụng phí đối với các mặt hàng nhập khẩu có cường độ carbon cao như thép và phân bón, nếu các mặt hàng không đáp ứng tiêu chuẩn của EU – thực chất là một dạng thuế carbon tại biên giới.
Chính sách áp thuế lên khí thải từ nước ngoài của EU là “một vấn đề dự kiến sẽ gây nhiều tranh cãi, vì điều đó có thể bị hiểu như một hành động trả đũa đối với các mức thuế tăng mà ông Trump đã hứa áp đặt”, theo Leslie Palti-Guzman, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Thủ tục hành chính và dấu hiệu cảnh báo
Các nhà quan sát đang theo dõi liệu ông Trump có chấm dứt một nỗ lực ít được biết đến tại Bộ Năng lượng Mỹ, nhằm xây dựng khuôn khổ giám sát và báo cáo lượng khí methane phát thải từ các chuyến hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hay không – đây là loại nhiên liệu chính mà châu Âu đang nhập khẩu.
Ý tưởng này nhằm tiêu chuẩn hóa dữ liệu, giúp người mua dễ dàng tin tưởng người bán về lượng khí nhà kính được phát thải trong quá trình khai thác và vận chuyển nhiên liệu.
Nếu sáng kiến này bị hủy bỏ, các nhà khai thác LNG của Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc thuyết phục người mua ở châu Âu rằng khí đốt của họ sạch như quảng cáo, theo ông Kevin Book, Giám đốc công ty tư vấn ClearView.
“Nếu sáng kiến này nằm trong số các thỏa thuận bị loại bỏ trong lệnh về khí hậu của ông Trump, điều đó sẽ tạo ra trở ngại lớn cho các nhà xuất khẩu Mỹ”, ông Book nói. “Đây là câu hỏi then chốt cho bất kỳ ai muốn bán LNG vào thị trường được quản lý chặt chẽ như châu Âu. Các quy định của EU sẽ áp dụng hình phạt từ năm 2027 – đây được xem là tương lai gần trong ngành LNG”, ông nhận định.
Tuy nhiên, Jutta Paulus, một thành viên của Nghị viện châu Âu thuộc Đảng Xanh của Đức, người tham gia xây dựng các quy định về khí methane của EU, khẳng định rằng các quy định này không phải là thuế quan. Hình phạt tài chính chỉ được áp dụng nếu các công ty Mỹ thực sự tận dụng chính sách của ông Trump để hạ thấp các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận.
“Quy định về khí methane đảm bảo nguồn cung cấp đáng tin cậy và giảm thiểu lãng phí năng lượng cũng như tiền bạc”, ông Paulus nói. “Một doanh nhân như Tổng thống Trump hẳn sẽ quan tâm đến việc bán dầu khí cho các nước EU có tiềm lực tài chính mạnh, nơi giá bán có thể cao hơn so với Đông Nam Á. Dù thế nào đi nữa, Tổng thống Mỹ cũng không thể ép các công ty tư nhân phớt lờ những tiêu chuẩn có thể mang lại lợi nhuận cao hơn cho họ”, ông bổ sung.
Tuy vậy, những người phản đối các chính sách khí hậu của EU đã nhanh chóng lợi dụng căng thẳng này để kêu gọi đảo ngược chính sách.
“Quy định về khí methane của EU, một phần của Thỏa thuận Xanh, là ví dụ điển hình về sự can thiệp quá mức của chính sách, đe dọa lợi ích của cả châu Âu và Mỹ”, Filip Turek, thành viên Nghị viện châu Âu từ Đảng cực hữu Motorists của Cộng hòa Séc, người vận động cho giá nhiên liệu rẻ hơn, cho biết.
“Người tiêu dùng và các ngành công nghiệp châu Âu đang phải vật lộn với sức ép từ các quy định môi trường quá khắt khe”, ông Turek nói. “Việc thêm các loại thuế gián tiếp thông qua quy định về khí methane sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các áp lực kinh tế, đồng thời có nguy cơ kích hoạt các biện pháp đáp trả, không mang lại lợi ích cho cả hai bên”, ông nhận định.
Quy định mới của EU có làm đổ vỡ thỏa thuận khí đốt với Mỹ?
26/01/2025, 18:08Quan chức Hungary kêu gọi tranh luận về lệnh trừng phạt của EU với Nga
25/01/2025, 12:31Tỷ phú truyền thông Bloomberg sẽ 'gánh' phí khí hậu thay Mỹ
25/01/2025, 12:26Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cháy rừng
14/01/2025, 15:37Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động để tránh 'sụp đổ khí hậu'
03/01/2025, 11:32Đang cháy rừng ở Australia, diện tích thiệt hại rộng bằng Singapore
27/12/2024, 11:38CNPC: Trung Quốc đạt đỉnh nhu cầu dầu tinh chế
18/12/2024, 11:43Ngân hàng Goldman Sachs rút khỏi liên minh Net Zero
Goldman Sachs Group ( GS , Financial ) đã chính thức tách khỏi Net Zero Banking Alliance (NZBA) mà không đưa ra một lý do cụ thể.
Tàu vận chuyển khí CO2 hóa lỏng đầu tiên trên thế giới
Tàu chở CO2 hóa lỏng thương mại đầu tiên trên thế giới, được thiết kế và chế tạo độc lập bởi một công ty đóng tàu Trung Quốc, đã được bàn giao cho một khách hàng nước ngoài tại TP.Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vào cuối tháng 11 vừa qua.
Châu Âu cảnh báo một số nước không tuân thủ các quy định về năng lượng
Ủy ban Châu Âu (EC) đã khởi động các thủ tục pháp lý đối với một số quốc gia thành viên vì không hoàn toàn thực hiện theo các chính sách năng lượng của EU.
Mỹ tăng sản lượng dầu khí có kích hoạt phản ứng mới từ OPEC+?
Trong một báo cáo từ Stratas Advisors gửi đến AFP vào cuối ngày thứ Năm, công ty này cảnh báo rằng các dấu hiệu cho thấy Mỹ đang tăng cường sản lượng dầu có thể kích thích phản ứng từ OPEC+.
CEO Vitol dự báo giá dầu năm 2025
Giá dầu toàn cầu dự kiến duy trì trong khoảng 70 đến 80 USD/thùng vào năm 2025, tương tự như năm 2024, trong khi rủi ro địa chính trị tạo ra sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung, Russell Hardy, Tổng giám đốc điều hành của Vitol cho hay.
Sự trái ngược về quan điểm môi trường và biến đổi khí hậu giữa ông Trump và bà Harris
Với đường lối đối ngược, hai ứng cử viên của Đảng Dân chủ - bà Kamala Harris và Đảng Cộng hòa - ông Donald Trump đã có những quan điểm, lập trường khác nhau về chính sách biến đổi khí hậu nếu đắc cử vị trí Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ mới.
Có nguy cơ thành 'bãi thải' cho xe điện Trung Quốc, Úc kêu gọi hành động khẩn cấp
Không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Úc, các xe điện Trung Quốc còn lo ngại gây ra các vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin.
Tổng thống Putin đề xuất chiến lược kinh tế mới cho BRICS
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất một nền tảng đầu tư BRICS để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên và sự phát triển của Nam và Đông Bán cầu.
Đông Nam Á cần đầu tư 190 tỷ USD vào năng lượng sạch để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, Đông Nam Á cần tăng đầu tư vào năng lượng sạch gấp 5 lần hiện tại, để đạt được các mục tiêu về khí hậu.