Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: 210 phụ huynh bị đề nghị xử lý, Bí thư Triệu Tài Vinh nói gì?
Liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Công an tỉnh Hà Giang đã đề nghị xem xét, xử lý những phụ huynh có con được nâng điểm. Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang (có con gái được nâng điểm) khẳng định “làm gì có chuyện vùng cấm" khi trao đổi bên hành lang Quốc hội.
Vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đang đi đến giai đoạn kết thúc điều tra, do đó được dư luận đặc biệt quan tâm.
Nhiều câu hỏi về việc xử lý các bị can nâng điểm thi cho thí sinh thế nào? Phụ huynh thí sinh ra sao? Nhất là trường hợp của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh (người có con gái được nâng điểm) thế nào khi bản thân Bí thư Hà Giang từng khẳng định không liên quan và nghi vấn "Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?".
Theo TTXVN, Công an tỉnh Hà Giang đã có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền có hình thức xử lý phù hợp tùy theo tính chất, mức độ đối với những phụ huynh có con được nâng điểm tại kỳ thi này.
"Kết quả điều tra đã xác định, tại Hội đồng thi THPT Quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang có 107 thí sinh được can thiệp, nâng điểm và có 210 bố, mẹ của 107 thí sinh (có 2 thí sinh sinh đôi, 2 thí sinh có bố đã mất) hiện đang sinh sống, làm việc trong các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh và làm nghề nông nghiệp, kinh doanh, lao động tự do... tại tỉnh Hà Giang và một số tỉnh khác", TTXVN đưa tin.
Trong khi đó, tờ Tiền Phong dẫn lời Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội hôm 6/6 cho biết, không biết trường hợp thí sinh được nâng đến 29,95 điểm "còn việc nâng nhiều thì biết rồi”.
Về câu hỏi vấn đề xử lý cán bộ có con em vi phạm gian lận thi, thì có xử lý triệt để hay không? Có vùng cấm trong các trường hợp này không? Ông Triệu Tài Vinh nói: “Làm gì có chuyện vùng cấm?”
Như vậy, dư luận đang quan tâm rằng, bản thân Bí thư Triệu Tài Vinh liệu có bị xử lý, hoặc được minh oan khi "có người gắp điểm bỏ vào bài thi của con gái ông Vinh" như ông này từng nghi ngờ?
Trước đó, liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, báo chí đưa tin về việc một thí sinh được nâng đến 29,95 điểm cho 4 môn thi trắc nghiệm gồm: Toán, Ngoại ngữ, Hóa, Lý.
Công an tỉnh Hà Giang cũng đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố 5 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Giang vừa ban hành cáo trạng truy tố 5 bị can, cụ thể như sau:
Bị can Nguyễn Thanh Hoài - Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, và Vũ Trọng Lương - Phó trưởng phòng, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại điều 356 Bộ luật Hình sự.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Triệu Thị Chính bị cáo buộc tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo điều 358 Bộ luật Hình sự.
Ông Phạm Văn Khuông - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, và bà Lê Thị Dung - Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang, bị truy tố tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" quy định tại điều 366 Bộ luật Hình sự.
Cáo trạng xác định bị can Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương đã bàn bạc thống nhất thực hiện việc nâng điểm môn thi trắc nghiệm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ông Lương là người trực tiếp tác động vào 309 bài thi của 107 thí sinh.
Đang xác minh việc đưa tiền "chạy điểm"
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Cho đến hiện nay, cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an và công an các tỉnh Sơn La và Hà Giang đang điều tra 3 vụ, 16 bị can liên quan đến gian lận thi cử xảy ra trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 vừa qua.
Kết quả điều tra 3 vụ án đến nay đã đủ căn cứ kết luận hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, thực hiện can thiệp, sửa chữa, nâng điểm cho thí sinh theo tội danh đã được khởi tố. Đã làm rõ 214 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi.
Cụ thể, Bộ trưởng cho hay: Ở Hòa Bình 63 thí sinh, Hà Giang 107, Sơn La 44 thí sinh.
Vấn đề làm rõ vi phạm của các phụ huynh đưa tiền cho bị can để nhờ nâng điểm thì trước mắt để đảm bảo đúng thời hạn điều tra theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra kết luận điều tra để truy tố các bị can, xác định rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để thực hiện việc can thiệp, sửa chữa, nâng điểm cho thí sinh. Còn việc đưa nhận tiền nêu trên đang được tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ theo quy định của pháp luật.
Vấn đề cho rằng Bộ Công an phải vào cuộc để điều tra để đảm bảo khách quan, không để cho các địa phương làm, Bộ trưởng cho hay: Trong 3 vụ án nêu trên, có 2 vụ án xảy ra tại Sơn La và Hà Giang là do công an địa phương thụ lý điều tra, do Viện Kiểm sát địa phương kiểm sát điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
Do tính chất đặc biệt của các vụ án nên Bộ Công an vẫn đặc biệt quan tâm chỉ đạo, giám sát để đảm bảo việc điều tra đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.
“Đến nay, chưa có dấu hiệu nào thể hiện cơ quan điều tra công an địa phương không khách quan, để lọt người, lọt tội”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Cũng theo Tư lệnh ngành Công an: Bộ Công an cũng đang tiếp tục giám sát chặt chẽ vấn đề này cùng phối hợp với Việm Kiểm sát tối cao cũng như Viện Kiểm sát địa phương để giám sát vấn đề này.
Sau khi khám bệnh ở TP HCM, người đàn ông leo xuống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè để tự tửTừ Hải Phòng vào TP HCM khám bệnh, người đàn ông gieo mình xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để tự tử. |
Nhiều bất ngờ trong vụ người đàn ông bị hổ cắn đứt tay ở Bình DươngTheo tiết lộ, người đàn ông bị hổ cắt đứt tay ở Bình Dương từng có thời gian làm nhân viên chăm thú. |
Chủ đầu tư nói thông tin yêu cầu BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là 'chưa chính xác'Theo chủ đầu tư, thông tin Tổng Cục Đường bộ yêu cầu BOT Pháp Vân dừng thu phí từ ngày 10/6 tới đây là thông tin chưa chính xác. |
Gian lận điểm thi 2018: Trên 500 bài thi được nâng điểmTheo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong vụ việc gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã có trên 500 bài thi được nâng điểm. |