Thứ sáu, 11/09/2020, 09:05 AM
  • Click để copy

Áo dài - trang phục mang đạo lý làm người

Người Huế gọi áo năm thân là áo ngũ thân hay ngũ thể, với ý nghĩa tương truyền rằng năm thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người…

Chiếc Áo dài truyền thống. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Chiếc Áo dài truyền thống. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Những ngày này, trước việc nam cán bộ, công chức Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế mặc áo dài truyền thống khi đi làm trong ngày thứ Hai đầu mỗi tháng đã xuất hiện 2 luồng dư luận trái chiều, phía ủng hộ, phía lại phản đối…

Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”. Cùng với Sở Văn hóa và Thể thao, hiện nay đã có một số đơn vị, ngành tại Thừa Thiên Huế triển khai phục hồi phong trào mặc Áo dài truyền thống đối với toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động.

Đây là những tín hiệu đáng mừng đánh dấu sự trở lại của chiếc Áo dài truyền thống, đặc biệt là áo Ngũ thân, chiếc áo được sản sinh ra từ Thừa Thiên Huế và đã trở thành quốc phục của người Việt trong hàng trăm năm qua.

Áo dài là áo năm thân. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Áo dài là áo năm thân. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Huế từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, là Kinh đô triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn. Không những vậy, Huế còn là mảnh đất sản sinh ra chiếc Áo dài Việt Nam. Thật thiếu sót nếu nói về Áo dài Việt Nam mà không đề cập đến “cái nôi” của tà áo dài truyền thống.

Tại Hội thảo “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” do Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tổ chức vào đầu tháng 7, Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên Huế - nói rằng: “Áo dài là tên gọi chung cho trang phục của đàn ông và đàn bà. Áo dài là áo năm thân. Người Huế gọi áo năm thân là áo ngũ thân hay ngũ thể, với ý nghĩa tương truyền rằng năm thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu” (cha mẹ mình và cha mẹ người hôn phối), thân trong tượng trưng cho người con. Áo dài có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường (Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín), ngũ luân (quân thần: vua - tôi, phụ tử: cha - con, phu phụ: chồng - vợ, huynh đệ: anh - em, bằng hữu: bạn bè). Mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý”.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Theo ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trải qua quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, chiếc Áo dài xứ Huế đã đi qua chặng đường dài phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử. Một thời kì dài đi khắp nẻo đường từ thành thị đến nông thôn, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc áo dài của các mệ, các cô, các chị và các em học sinh…

“Nó làm tôn lên tính cách đức độ, kín đáo, thùy mị, toát lên được thần thái của người phụ nữ Huế trong cách đi đứng, ứng xử. Hay hình ảnh của các cụ ông, các bác, các chú trong dịp lễ hội văn hóa truyền thống, việc làng, việc họ cùng chiếc áo dài khăn đóng thể hiện phong thái của người chính nhân quân tử với Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín”, ông Thọ cho hay.

Từ thập niên 1990 trở lại đây, áo dài dần dần được hồi sinh với diện mạo mới. Ở mảnh đất sinh ra chiếc áo dài này, những lễ hội Áo dài gắn liền với Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế bắt đầu từ năm 2000 đến nay. Nhờ những dịp này đã giúp hình ảnh chiếc áo dài lan tỏa khắp nơi, trở thành nét văn hóa đặc sắc, riêng có của miền sông Hương, núi Ngự.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Không chỉ giúp chiếc áo dài đến với nhiều người qua các dịp Festival cố định, khoảng 2 năm trước, tỉnh Thừa Thiên Huế quy định nữ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ hai hằng tuần; khuyến khích nữ cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên mang áo dài tối thiểu hai đến ba ngày trong tuần (trong đó có ngày thứ hai). Trong dịp 8/3 hay 20/10, phụ nữ mặc áo dài truyền thống khi tham quan di tích Huế được miễn vé…

Theo sử liệu, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765) là vị chúa Nguyễn thứ 8 trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765. Vị chúa này chính là người đã có công khai sáng và hình thành nên chiếc Áo dài Việt Nam.

Từ năm 1826 đến năm 1837, vua Minh Mạng quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước. Chiếc áo dài từ đó được áp dụng rộng rãi, thống nhất trên toàn quốc.

Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam.

Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam.

"Từ đó (năm 1837 - PV), bộ trang phục Áo dài Việt Nam sản sinh từ kinh thành Phú Xuân - Huế đã dần dần thay thế các dạng trang phục cổ truyền của xứ Đàng Ngoài, từng bước được điều chỉnh để trở thành trang phục chung cho đàn ông và đàn bà Việt Nam. Trải qua nhiều năm thăng trầm cùng thế cuộc, từ chiếc nôi ở xứ Huế, Áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc sáng, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu", nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa khẳng định.

Bài liên quan