Thứ năm, 14/11/2019, 09:39 AM
  • Click để copy

Chuyện ngược đời về giá nước sạch Sông Đuống: 'Bán lẻ rẻ hơn bán buôn, tiền dân đâu phải vỏ hến'

Việc giá nước sạch của Nhà máy nước mặt Sông Đuống đắt gấp đôi nước sạch Sông Đà do đầu tư lớn khiến người mua nước phải gánh lãi đang gây tranh cãi trong dư luận.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống chưa nghiệm thu đã vận hành khai thác.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống chưa nghiệm thu đã vận hành khai thác. (Ảnh: IT).

Chuyện ngược đời bán lẻ rẻ hơn bán buôn?

Dư luận đang hết sức quan tâm đến câu chuyện giá nước sạch của Nhà máy nước sạch Sông Đuống (10.246 đồng/m3) cao gấp đôi nước sạch Sông Đà. Trong đó, có thông tin người mua nước đang phải bù lỗ cho doanh nghiệp hơn 2.000 đồng/m3 được báo chí đề cập đang gây nhiều tranh cãi.

Theo đó, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 12/11, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho hay: "Theo báo cáo của công ty thì riêng phần chi phí lãi vay ở đây rơi vào khoảng 20%, tức rơi vào khoảng hơn 2.003 đồng trong số tạm tính 10.246 đồng".

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết: Việc xác định giá nước sạch tạm tính tối đa nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, trên nguyên tắc “tính đúng, tính đủ”. Cụ thể đó là: chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%…

Trong khi đó, trả lời trên báo Tuổi Trẻ về việc giá nước cao, bà Đỗ Kim Liên (còn gọi là Shark Liên) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống nói rằng: "TP Hà Nội ký hợp đồng với mức đầu tư này, công suất này thì chúng tôi mới triển khai đầu tư làm. Nếu không ký (với giá tạm tính 10.246 đồng) thì chúng tôi đầu tư lớn rồi lấy cái gì để trả cho ngân hàng? Khi ký hợp đồng thành phố cũng xác định các công ty mua với công suất bao nhiêu, với sản lượng đủ 300.000m3/ngày đêm".

"Giá 10.246 đồng là giá thành phố thoả thuận để chúng tôi đầu tư, nếu không làm sao chúng tôi dám đầu tư lớn đến gần 5.000 tỉ đồng", Shark Liên chia sẻ.

Nữ doanh nhân cũng nói rằng: "Chúng tôi bán 10.000 đồng cho công ty nước thì công ty nước bán lại cho dân, bán bao nhiêu đó là chuyện của đơn vị bán lẻ. TP Hà Nội mua giá hơn 10.000 đồng/m3, nếu Hà Nội đang bán cho người dân giá ví như hơn 5.000 đồng/m3 thì thành phố phải bù cho người dân thì ở đây là người dân hưởng. Hà Nội tạm tính cho chúng tôi hơn 10.000 đồng/m3 thì đã tính tất cả các chi phí, chỉ cho chúng tôi lợi nhuận chút ít để trả lãi cộng với vận hành nhà máy.

Khi kinh doanh thì đương nhiên có lợi nhuận để duy trì công ty hoạt động. Đương nhiên khi Hà Nội định ra giá tạm tính 10.246 đồng thì chúng tôi có lợi nhuận chứ không phải không có, nhưng lợi nhuận vừa đủ để chúng tôi cảm thấy vui vẻ".

Câu trả lời trên của nữ doanh nhân phải chăng có thể hiểu rằng, TP Hà Nội phải cam kết giá mua nước với giá cao gấp đôi thì doanh nghiệp mới chấp nhận làm dự án? Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là tại sao TP Hà Nội lại dễ dàng phê duyệt giá nước cao gấp đôi như thế? 

"Tiền Hà Nội trả doanh nghiệp chung quy lại vẫn là tiền ngân sách, tiền của người dân bỏ ra chứ không phải tiền túi của lãnh đạo TP bỏ ra mà nói TP bù lỗ thì người dân được hưởng...", anh Việt Anh một người dân Hà Nội chia sẻ.

Cũng theo một số người dân, nguyên tắc kinh tế thị trường gần như chẳng có ý nghĩa gì đối với trường hợp này bởi giá bán lẻ còn rẻ hơn bán buôn.

Cần làm rõ tại sao Hà Nội chấp nhận mua nước giá cao?

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ông chưa từng gặp trường hợp dự án đầu tư nào mà người dân “gánh” chi phí lãi vay tương đối lớn cho doanh nghiệp như dự án này.

“Vấn đề đặt ra là hoạt động tài chính của họ có lành mạnh hay không? Cần chứng minh giá này là hợp lý. Hiện không có ai có cơ hội, khả năng xem sổ sách của họ nên cần Ban Kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xem chi phí có minh bạch, có hợp lý hay không để đưa ra giá nước tạm tính này”, ông Hiếu đề nghị.

Cũng theo ông Hiếu, nếu ở nền kinh tế thị trường thật sự giá là điểm cân bằng giữa cung và cầu nhưng mặt hàng nước ở Hà Nội không ở nền kinh tế thị trường hoàn hảo mà bị méo mó đi.

Được biết, với mức giá bán buôn dự tính là 10.246 đồng/m3, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội đều có văn bản có ý kiến không đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.

Theo tính toán của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, nếu mua nước từ nguồn nước mặt Sông Đuống sẽ tác động lớn đến nguồn vốn lưu động và tình hình khả năng thanh toán của công ty. Cụ thể, Công ty này có thể lỗ đến hơn 192 tỷ đồng/năm còn Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội cũng ước tính số lỗ lên đến 58 tỷ đồng.

Trường hợp không thể giảm giá mua nước từ Sông Đuống bởi những ràng buộc đã ký kết trong khi các doanh nghiệp bán lẻ nước “than lỗ” thì khả năng cao đề xuất “xem xét lộ trình điều chỉnh giá nước sạch tiêu thụ tới từng hộ dân phù hợp với tình hình thực tế” của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội được thông qua chỉ là chuyện ngày một, ngày hai.

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, có vẻ như Hà Nội đã cam kết với Công ty nước sạch Sông Đuống sẽ cam kết mua lại với mức giá được 2 bên thoả thuận, chấp nhận bù lỗ để mua nước Sông Đuống. “Mà bù lỗ thì Hà Nội lấy tiền ở đâu. Cam kết này rất khó hiểu”, ông Ánh nói.

Cùng ý kiến trên, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng: Doanh nghiệp vay vốn phân bổ chi phí lãi vay vào giá thành sản phẩm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong trường hợp chi phí đi vay quá lớn làm đội giá thành sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Nếu có nhiều sự lựa chọn, người tiêu dùng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước những sản phẩm giá cao do phải gánh thêm chi phí lãi vay ngân hàng.

Ông Long cũng cho biết: Nước là mặt hàng thiết yếu, có sự kiểm soát của nhà nước. Do đó, cần phải lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, trong đó có năng lực tài chính; Đừng vì không có vốn, phải đi vay với lãi cao, đẩy giá thành cao rồi bắt người mua phải gánh.

Một chuyên gia khác xin giấu tên cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ tại sao Hà Nội lại chấp nhận mua nước giá cao của Nhà máy nước mặt Sông Đuống bởi tiền bù lỗ là tiền ngân sách chứ không phải của ai khác mà nói rằng Hà Nội bù lỗ thì người dân mua nước được hưởng. "Nói như thế là đánh lừa người dân".