Thứ tư, 13/11/2019, 08:19 AM
  • Click để copy

Chuyên gia kinh tế: Dân mua nước sạch Sông Đuống gánh lãi vay 2.000 đồng/m3, có bất công không?

Để xây dựng nhà máy nước sạch Sông Đuống, doanh nghiệp đã vay tới 80%, tương đương gần 4.000 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, do đó người dân phải gánh cả chi phí lãi vay khoảng 20%/m3 nước (rơi vào khoảng 2.000 đồng/m3).

Người dân mua nước sạch Sông Đuống đang phải gánh lãi vay 2.000 đồng/m3 thay cho doanh nghiệp. (Ảnh: IT).
Người dân mua nước sạch Sông Đuống đang phải gánh lãi vay 2.000 đồng/m3 thay cho doanh nghiệp. (Ảnh: IT).

Câu chuyện giá nước sạch của Nhà máy nước sạch Sông Đuống (10.246 đồng/m3) cao gấp đôi nước sạch Sông Đà thời gian qua là chủ đề gây tranh cãi lớn trong dư luận.

Mới đây, vào ngày 12/11, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Sở Tài chính TP đã có những trả lời về vấn đề này.

Trong đó, cho biết, “Theo báo cáo của công ty thì riêng phần chi phí lãi vay ở đây rơi vào khoảng 20%, tức rơi vào khoảng hơn 2.003 đồng trong số tạm tính 10.246 đồng”, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội thông tin.

Như vậy có thể hiểu rằng, người dân Hà Nội mua nước sạch của Sông Đuống đang phải gánh lãi vay thay doanh nghiệp số tiền là hơn 2.000 đồng/m3.

Thông tin được lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội đưa ra khiến dư luận người dân đặt nhiều câu hỏi rằng việc: Người dân mua nước sạch Sông Đuống gánh lãi vay 2.000 đồng/m3 thay cho doanh nghiệp thì có vô lý không, có bất công không?

"Tại sao người dân phải gãnh lãi cho doanh nghiệp khi quy tắc thị trường từ xưa đến nay là lời ăn, lỗ chịu. Việc doanh nghiệp chấp nhận đầu tư thì cũng phải chấp nhận rủi ro, bởi nếu họ lãi thì họ có chia cho người dân hay không? Trong khi đó, người dân mua nước lại phải gánh nợ vay cho họ?", một chuyên gia kinh tế bình luận với PV.

Cũng theo vị này, nếu đầu tư 5.000 tỷ đồng mà doanh nghiệp báo cáo phải đi vay 4.000 tỷ thì tại sao TP không đấu thầu để chọn doanh nghiệp có nguồn vốn xứng đáng hơn, qua đó giảm được giá nước cho người dân.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng Hà Nội cần lời giải thích thỏa đáng hơn đó là việc tính giá như trên dựa trên quy tắc, nghị định nào?

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Hà Nội và doanh nghiệp cần giải thích cho người dân rõ ràng những câu hỏi sau: "Khi duyệt dự án này thì họ có tính đến vấn đề giá nước không? Nếu có tại sao giá cao gấp đôi như vậy vẫn duyệt? Có đánh giá đến tác động cuộc sống của người dân khi chịu mức giá cao vậy không? Phải chăng họ đang đẩy cái khó cho người dân?"

Vị chuyên gia cũng đồng quan điểm quy tắc kinh tế thị trường lời ăn, lỗ chịu nếu doanh nghiệp đầu tư thì phải chịu quy tắc này. "Còn việc đầu tư dự án mà rủi ro đẩy về phía người dân, lợi ích thì doanh nghiệp hưởng ai cũng có thể làm".

Trong khi đó trả lời báo giới, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc Hà Nội đề xuất mua nước sạch sông Đuống giá cao đang đặt ra rất nhiều vấn đề về tính công khai, minh bạch.

"Thứ nhất, Hà Nội phải trả lời rõ cho dư luận biết về những căn cứ để đưa ra mức giá tối đa 10.000 đồng/m3? Thứ hai, cũng là tư nhân nhưng vì sao giá nước Sông Đà chỉ có hơn 7.000 đồng/m3 đã có lãi, mà Sông Đuống lại cao hơn? Có ưu ái gì ở đây không? Còn nếu nói nước Sông Đuống “sạch” hơn nên giá phải cao hơn Sông Đà thì dựa trên căn cứ nào? Tất cả những cái này, Hà Nội phải trả lời một cách rõ ràng, minh bạch, chứ không thể chung chung được”.  Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bày tỏ.

Cũng liên quan đến Nhà máy nước sạch Sông Đuống, nhiều người cho rằng doanh nghiệp đang được "ưu ái" bởi dù chưa được nghiệm thu vẫn khai thác. Thậm chí sử dụng đường ống nước của Nhà thầu Trung Quốc từng bị "tuýt còi" trong dự án của Sông Đà.

Tại Quốc hội vừa qua, nhiều ĐBQH cũng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề an ninh nguồn nước qua vụ đổ dầu thải ở nguồn nước Nhà máy Sông Đà. Đặc biệt là việc, tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống.

Giá nước Sông Đuống cao vì doanh nghiệp đi vay nhiều?

Ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết: Việc xác định giá nước sạch tạm tính tối đa nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, trên nguyên tắc “tính đúng, tính đủ”.

Cụ thể đó là: chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%…

Theo ông Hà, đây là mức giá tạm tính tối đa, còn mức giá cụ thể phải chờ khi nào nhà máy đi vào hoạt động chính thức. “Giá nước sạch Sông Đuống 10.246 đồng/m3 là mức giá tạm tính để ký kết thỏa thuận, chứ đây không phải là giá bán đến người tiêu dùng, cũng không phải là giá bán lẻ”, ông Hà nói.

Ông Hà cũng cho biết thêm, giá nước mặt sông Đuống cao hơn nước sạch sông Đà xuất phát từ nhiều yếu tố. Nhà máy nước mặt Sông Đà hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỷ đồng, còn giá đầu tư của Sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay cũng ảnh hưởng khi nhà đầu tư nước mặt sông Đuống hiện vay 80%, tương đương gần 4.000 tỷ đồng. Chi phí lãi vay có hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là chi phí lãi vay trong giai đoạn thực hiện dự án, được tính vào trong giá thành đầu tư dự án và được vốn hóa vào tổng chi phí dự án. Còn sau khi nhà máy đi vào hoạt động, phần vốn vay công ty phải trả hàng năm, lãi vay ấy được tính vào trong giá thành.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nước thô đầu vào cũng khác nhau Đối với nhà máy nước sông Đà thì được dẫn nguồn nước từ hồ Đầm Bài. Còn sông Đuống thì phải bơm nước trực tiếp từ sông Đuống vào một hồ lắng ở phía trong, chất phù sa của sông Đuống nhiều hơn và đơn vị phải xử lý bùn thải lọc ở dưới. Cuối cùng là chi phí liên quan đến nguyên vật liệu trực tiếp. Chất lượng nước thô khác nhau dẫn đến hao phí về xử lý vật tư hóa chất khác nhau.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/chuyen-gia-kinh-te-dan-mua-nuoc-sach-song-duong-ganh-lai-vay-2-000-dong-m3-co-bat-cong-khong-141594.html