Chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô nhìn từ góc độ kinh tế môi trường
Việc đề xuất tăng, giảm, thay đổi mức thuế, phí, lệ phí nói chung và lệ phí trước bạ nói riêng là hoạt động của Chính phủ nhằm quản lý, điều chỉnh hoạt động kinh tế đi đúng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi.
Giới thiệu
Trong vài năm trở lại đây, Bộ Tài chính đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô một số lần. Cụ thể là hai lần đề xuất chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô-tô lắp ráp, sản xuất trong nước đã được thực hiện. Trong hai lần này (từ ngày 29/6 - 31/12/2020 và từ ngày 1/12/2021 - 31/5/2022) chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần kích thích tâm lý mua sắm ô-tô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô-tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số.
Bản thân tôi, do mua ô tô cá nhân đã lâu (2001) nhưng không biết thời ấy có lệ phí trước bạ hay không nên phải tra lại và thấy:
Lệ phí trước bạ ô tô = Giá tính lệ phí trước bạ x Mức thu lệ phí trước bạ (%)
Trong đó:
Giá tính lệ phí trước bạ đối với ô tô mới nhất được quy định Quyết định số 449/QĐ-BTC ngày 15 tháng 3 năm 2024 áp dụng cụ thể với từng loại xe .
Mức thu lệ phí trước bạ, theo Nghị định số: 10/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2022, trong đó Điều 8 khoản 5, điểm a) quy định:
“Ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống (bao gồm cả xe con pick-up):Nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%. Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức thu quy định chung tại điểm này”.
Như vậy, với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi mua lần đầu phải chịu mức thu phí trước bạ là 10% nên với mức giá tính phí dưới 1 tỷ người mua phải nôp vài chục triệu đồng còn với mức giá trên 4 tỷ phải nộp trên 400 triệu đồng. Quả là mức lệ phí phải nộp không hề nhỏ. Khi giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp người mua xe mới giảm đáng kể mức đóng lệ phí trước bạ, từ vài chục đến trên 200 triệu đồng.
Theo dự thảo mới đây của Bộ Tài chính, từ ngày 1/8 năm nay đến hết ngày 31/1/2025, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức hiện hành. Giống như những lần trước, ưu đãi lệ phí trước bạ chỉ dành cho xe lắp ráp trong nước, còn xe nhập khẩu thì không. Từ ngày 1/2/2025 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo mức cũ, quy định tại Nghị định số 10/2022. Tuy nhiên, khi đưa lấy ý kiến rộng rãi đã có nhiều ý kiến góp ý, cả đồng thuận và trái chiều. Đã có nhiều bài viết liên quan tới dự thảo này và những lý do đồng thuận hoặc trái chiều được đưa ra thảo luận. Trong bài viết này chúng tôi chỉ trình bày một số vấn đề cần xem xét thêm để đi đến quyết định có đưa đề xuất của Bộ Tài chính vào thực hiện hay không.
Những tiêu chí đưa một đề xuất chính sách vào thực hiện
Một đề xuất chính sách mà Chính phủ đưa ra liên quan đến nhiều đối tượng, trong đó có đối tượng trực tiếp chịu tác động. Chắc chắn, một đối tượng luôn được đề cao là lợi ích chung, lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước. Với đề xuất của Bộ Tài chính theo Tờ trình 170/TTr-CST năm 2024 về Nghị định của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (sau đây gọi tắt là Đề xuất BTC 2024) thì đối tượng trực tiếp là doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước và người mua loại xe này (cả xe mới và xe cũ).
Để đánh giá tác động của một đề xuất kiểu này phải phân tích cả mặt tích cực, lợi ích và mặt tiêu cực, chi phí mà nó gây ra cho tất cả các đối tượng. Người ta phải ước tính được dòng tiền từ các đối tượng chuyển cho nhau và cả dòng tiền mà toàn xã hội phải chi trả do các tác động tiêu cực tới môi trường.
Trong lý thuyết kinh tế môi trường thì có một số dòng tiền chưa được tính đến trong các giao dịch thực tế nên có thể coi là ngoại ứng bao gồm ngoại ứng tích cực (được coi là lợi ích) và ngoại ứng tiêu cực (được coi là chi phí). Bằng nhiều phương pháp khác nhau các nhà khoa học kinh tế dần dần tìm ra cách tiếp cận, phương pháp ước tính được giá trị lợi ích, chi phí ngoại ứng bằng tiền. Khi ấy thông qua tính toán các giá trị kinh tế tổng hợp để xác định lợi ích chung toàn xã hội để biết hiệu quả của một chính sách, dự án.
Như chúng ta đều biết, thuế, phí, lệ phí là các công cụ kinh tế phục vụ quản lý kinh tế thuộc loại hiệu quả nhất. Mỗi loại thuế, phí, lệ phí đều có phạm vi điều chỉnh cung, cầu, giá cả, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Chẳng hạn, chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Đặc biệt trong bối cảnh ngành ô tô đang tiếp tục gặp khó như hiện nay thì việc cân nhắc tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí là cần thiết. Khi đó, chi phí (có thể coi như giá) để sở hữu một chiếc xe sẽ giảm, lượng người mua xe, lượng xe mua bán, giao dịch trên thị trường tăng lên, lượng xe lăn bánh cũng sẽ tăng tương ứng. Vậy dòng tiền giao dịch, chi phí, lợi ích ngoại ứng cần phải được ước tính, đánh giá để thấy rõ lợi ích, hiệu quả thực thi.
Dự án giảm mức thu lệ phí trước bạ đã được thực hiện hai lần gần đây nên đã có đủ các thông số để tính các giá trị lợi ích, chi phí trong đó có lợi ích chi phí ngoại ứng. Về cơ bản, giảm lệ phí trước bạ sẽ được coi là giảm giá sản phẩm nên theo quy luật cung cầu thì lượng mua xe ô tô sẽ tăng lên, số lượng xe lưu thông tăng lên. Khi đó, các dòng tiền có thay đổi và ngoại ứng cũng sẽ xuất hiện.
Các lợi ích, chi phí của các bên thu về bao gồm:
Đối với ngân sách nhà nước: Ở Việt Nam, mức thu lệ phí được ấn định trước, không nhằm mục đích bù đắp chi phí; mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân. Lệ phí trước bạ do Chính phủ quy định.
Mức phí trước bạ giảm thì mức thu sẽ giảm nhưng số lượng xe mua tăng nên sẽ có thêm phần thu từ việc tăng này. Bởi vì, số xe mua tăng lên thì các loại thuế, phí khác đánh vào mua bán xe cũng tăng lên. Rất tiếc là trong một số tài liệu mới chỉ ra mức giảm thu ngân sách do giảm lệ phí trước bạ đối với Đề xuất BTC 2024 vào khoảng 867 tỷ đồng/tháng mà chưa tính thử phần bù thu ngân sách do số lượng xe giao dịch tăng thêm với nhiều loại thuế, phí đi kèm. Theo một bài báo đăng trên VOV online ngày 04/01/2024 thì ngoài việc phải chi trả tiền mua ô tô, chủ xe còn phải chịu rất nhiều loại thuế, phí khác nhau để đủ điều kiện lưu thông, nghĩa là phải 'cõng' nhiều loại thuế, phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiêp, phí đăng ký và phí lấy biển số xe, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ,… Nếu tính được phần bù này sẽ biết tổng lượng thu ngân sách tăng giảm bao nhiêu.
Đối với doanh nghiệp lắp ráp sản xuất xe trong nước thì thu nhập sẽ tăng lên do họ tăng sản xuất và bán được nhiều xe hơn.
Đối với người mua xe thì họ giảm được chi phí để sở hữu chiếc xe và có xe để hoạt động. Tuy nhiên do nhiều xe được mua nên tổng số tiền chi mua xe vẫn tăng lên.
Đối với xã hội nói chung thì thêm phương tiện xe lăn bánh có thể dẫn đến tăng tai nạn giao thông, tăng mức thải khí nhà kính (KNK), tăng phát thải chất ô nhiễm không khí (bụi, NOx, CO, hydrocarbons, benzene, formaldehyde,…) và ngoại ứng khác.
Nếu hai đợt giảm lệ phí trước đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được nghiên cứu kỹ tính toán các dòng tiền, các lợi ích chi phí ngoại ứng cụ thể thì sẽ có thể đánh giá đúng lợi ích tổng hợp toàn xã hội thu được và có cơ sở để đưa ra Đề xuất BTC 2024. Do các nghiên cứu dạng này chưa được thực hiện nên quyết định có đưa trình đề xuất này hay không phải dựa nhiều vào nhận định của tổ chức, của một số chuyên gia.
Như vậy, trước yêu cầu của Chính phủ: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương trình Chính phủ trước ngày 15 tháng 7 năm 2024 xem xét, ban hành Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2024, không để chậm trễ hơn nữa, Bộ Tài chính đã có Tờ trình 170/TTr-CST năm 2024 về Dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong đó, đề xuất cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ (giảm thuế trước bạ ô tô 2024) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Hai phương án đã được xem xét, bao gồm:
Phương án 1: Cân nhắc không thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (không giảm thuế trước bạ ô tô 2024 sản xuất, lắp ráp trong nước);
Phương án 2: Giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng như Nghị định 41/2023/NĐ-CP.
Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 1. Nghĩa là Bộ Tài chính không đề xuất tiếp tục giảm mức lệ phí trước bạ nữa.
Nhiều tờ báo đã nêu ý kiến đồng ý với việc không đưa trình Đề xuất BTC 2024 với nhiều lý do, trong đó có lý do về khả năng đi ngược lộ trình Net Zero? [1]
Báo Nhân Dân online ngày 31/7/2024 [2] đã đăng bài có tiêu đề rất gần với những gì người dân quan tâm, đó là những tác động có thể xảy ra khi thực hiện Đề xuất BTC 2024. Một điều mà nhiều bộ, ngành bày tỏ lo ngại khi được lấy ý kiến là đề xuất này sẽ vi phạm cam kết quốc tế, dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang, nên cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó. Bài báo trích dẫn ý kiến của luật sư Trương Thanh Hà: "Trước khi thực hiện, Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ lại các chính sách trợ cấp cho hàng hóa trong nước, đặc biệt là trợ cấp giảm phí, lệ phí, giảm thuế có vi phạm các cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế và các hiệp định thương mại song phương và đa phương hay không. Bên cạnh đó, xu thế hỗ trợ bằng thuế, phí chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giải quyết tận gốc vấn đề".
Chúng tôi cho rằng các bài báo đã nêu được những lý do để có thể ủng hộ hoặc không ủng hộ việc đưa ra thực hiện Đề xuất BTC 2024 nhưng nhìn chung đó là những lý do còn có phần phiến diện, chưa tổng quát hóa được tất cả các khía cạnh liên quan.
Vì vậy, xin mạnh dạn đưa ra cách tiếp cận có tính đến lý thuyết kinh tế môi trường, đó là xem xét tổng thể tất cả các tác động, tất cả lợi ích, chi phí khi thực hiện Đề xuất BTC 2024.
Trước hết phải xác định được số lượng ô tô sẽ tăng thêm khi thực thi Đề xuất BTC 2024 trong giới hạn thời gian có hiệu lực (gọi mức này là X).
Xác định mức thu ngân sách từ số lượng X này, kể cả thu từ lệ phí trước bạ.
Xác định tổng mức thu nhập tăng thêm của các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước khi thực hiện dự án.
Tổng chi phí giảm của người mua số lượng X do giảm lệ phí trước bạ.
Tổng mức phát thải KNK và chất ô nhiễm không khí tăng thêm khi X phương tiện hoạt động tính cho từng năm sau khi phương tiện đưa vào hoạt động.
Tính toán tổng chi phí lợi ích thu được khi đưa vào sử dụng X phương tiện (tính cho chu kỳ sử dụng, 20 năm?).
Tính toán khả năng tăng mức tai nạn giao thông (nếu có).
Tính đến chiết khấu đồng tiền
Khi đó ước tính được tất cả chi phí, lợi ích khi thực hiện Đề xuất BTC 2024 và áp dụng phương pháp đánh giá chi phí lợi ích mở rộng để xác định lợi ích chung toàn xã hội làm cơ sở quyết định thực hiện hay không đề xuất này.
Kết luận
Việc đề xuất tăng, giảm, thay đổi mức thuế, phí, lệ phí nói chung và lệ phí trước bạ nói riêng là hoạt động của Chính phủ nhằm quản lý, điều chỉnh hoạt động kinh tế đi đúng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi. Tuy nhiên, vấn đề đánh giá hiệu quả của đề xuất thay đổi mức thuế, phí, lệ phí không hề dễ dàng mà phải tiếp cận tổng hợp, tính đến nhiều khía cạnh mới có thể đánh giá được.
Tiếp cận lý thuyết, phương pháp kinh tế môi trường có thể đánh giá được tính hiệu quả khi đưa ra một chính sách vào thực thi. Các quốc gia có nền kinh tế thị trường hoạt động hiệu quả đã áp dụng tốt cách tiếp cận này và Việt Nam cũng phải từng bước áp dụng trong tương lai.
Cùng chủ đề
Tin tức kinh tế ngày 1/1: Lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước tăng trở lại
OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 lên 2,7%
Doanh số 'sa sút', Bộ Công Thương vẫn muốn giảm 50% phí trước bạ ô tô
Ý kiến trái chiều quanh đề xuất giảm 50% phí trước bạ ô tô trong nước
Bộ Tài chính 'bác bỏ' đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô
Khách quốc tế dồn dập đến Nha Trang dịp lễ 2/9
01/09/2024, 15:58Giá xăng dầu hôm nay ngày 12/8: Giá dầu biến động
12/08/2024, 12:00Bác Trọng - Nhà lãnh đạo của lòng dân
22/07/2024, 14:04Một số hình ảnh nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
20/07/2024, 14:16Thiết bị tiết kiệm điện - thật hay ảo?
Gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài quảng cáo về các thiết bị tiết kiệm điện với khả năng “đỉnh của chóp”, giúp tiết kiệm được đến 40% lượng điện tiêu thụ. Một số hộ gia đình tại Hà Nội đã đua nhau lắp đặt thiết bị này. Nhưng nó có thật sự tốt như lời đồn?
Người dân mong giữ lại khu dân cư bãi giữa sông Hồng
Người dân làng Bắc Cầu (quận Long Biên) đã kiến nghị TP Hà Nội nâng cấp kè quanh làng và cho phép người dân không phải di dời, được sinh sống ổn định như cũ.