Thứ hai, 29/06/2020, 19:00 PM
  • Click để copy

Đến cây cô đơn Mắt Biếc, rồi đi đâu chơi nữa?

Về cây cô đơn Mắt Biếc (ở thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) tham quan, chụp ảnh, sau đó nhiều du khách lại quay về Huế. Tuy nhiên, ở xung quanh khu vực này còn có rất nhiều điều chờ bạn khám phá.

Cây cô đơn Mắt Biếc. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Cây cô đơn Mắt Biếc. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Trải qua nhiều tháng từ khi xuất hiện trên bộ phim Mắt Biếc, đến nay, cây Vông đồng - được mọi người gọi là cây cô đơn Mắt Biếc vẫn chưa hết hot.

Hằng ngày, nơi đây vẫn đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, vui chơi, chụp ảnh kỷ niệm…

Theo quan sát của chúng tôi, có số lượng rất nhiều du khách sau khi đến chụp ảnh ở cây cô đơn này thì rời đi và quay trở về TP Huế. Đây sẽ là điều rất đáng tiếc, bởi xung quanh khu vực này cũng như ở huyện Quảng Điền có rất nhiều địa điểm đáng để bạn bỏ công sức tìm đến tham quan, vui chơi.

Cây cô đơn Mắt Biếc

Một bạn trẻ chụp ảnh bên cây cô đơn Mắt Biếc.

Một bạn trẻ chụp ảnh bên cây cô đơn Mắt Biếc.

Địa điểm đầu tiên tất nhiên sẽ là cây cô đơn Mắt Biếc. Cứ chiều tà, rất đông du khách đến đây tham quan, check-in... Những ngày nghỉ cuối tuần, nơi đây trở thành địa điểm đáng đến trên hành trình khám phá những địa điểm du lịch mới.

Trường tiểu học Đo Đo

Cách cây cô đơn nổi tiếng này không bao xa, trường tiểu học cộng đồng Đo Đo xuất hiện trong bộ phim Mắt Biếc cũng là nơi đáng đến để chụp ảnh.

Trường tiểu học cộng đồng Đo Đo. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Trường tiểu học cộng đồng Đo Đo. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Đến đây, du khách được chứng kiến nơi cậu học trò Ngạn, cô học trò Hà Lan từng theo học trong những năm tháng tuổi thơ. Trước ngôi trường này, dòng sông Bồ yên bình cùng làng quê đậm chất quê nhà cũng khiến bao du khách nhẹ lòng, thư thái.

Mây tre đan Bao La

Cách cây cô đơn không bao xa, chính là mảnh đất nổi tiếng với nghề mây tre đan. Từ những cây tre thẳng tắp, người dân làng Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) đã biến chúng thành những vật dụng độc lạ phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Hơn 600 năm trước, người dân ở ngôi làng đã có truyền thống biến những cây tre thành những sản phẩm phục vụ cuộc sống như thúng, mủng…

Du khách tham quan HTX Mây tre đan Bao La. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Du khách tham quan HTX Mây tre đan Bao La. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Khi đến đây, du khách cảm nhận được không khí vui tươi của làng nghề, được xem những sản phẩm mới lạ như những chiếc quang gánh nhỏ bé, chiếc ghe thu nhỏ, bản đồ Việt Nam… và mua về làm quà cho bạn bè, người thân.

Đặc biệt hơn, du khách có thể trực tiếp làm ra các sản phẩm đan lát, mang lại cho họ những trải nghiệm đáng nhớ với nghề đan lát này.

“Rừng” mía Hạ Lang, Hà Cảng, Phú Lễ

Nói là “rừng” nhưng thực ra chúng là những cánh đồng mía khổng lồ của người dân xã Quảng Phú. Ở các ngôi làng ở cạnh cây cô đơn Mắt Biếc như làng Hạ Lang, Hà Cảng, Phú Lễ có những cánh đồng mía rộng lớn, bao la, bát ngát.

Một bạn trẻ check-in bên “rừng” mía.

Một bạn trẻ check-in bên “rừng” mía.

Những cây mía tím nhanh chóng thu hút du khách, không chỉ bạn trẻ mà người lớn bước vào bên trong cánh đồng này để chụp ảnh, lưu lại những khoảnh khắc đẹp.

Phá Tam Giang

Cách cây cô đơn Mắt Biếc khoảng vài kilomet, phá Tam Giang - vùng đầm phá nước lợ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á cũng là địa điểm thú vị để du khách tham quan, hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng những vẻ đẹp của tạo hóa.

Đến làng Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền), du khách liên hệ với người dân sẽ được họ đưa đi khám phá hệ thống đầm phá Tam Giang trên những chiếc thuyền cole, cùng trải nghiệm cuộc sống thường ngày của họ.

Lênh đênh trên phá Tam Giang. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Lênh đênh trên phá Tam Giang. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Lênh đênh trên chiếc thuyền, du khách sẽ được thoải mái tận hưởng không gian trong lành giữa đầm phá, ngắm cảnh, chụp những bức ảnh đẹp…

Du khách có thể hóa thành ngư dân để trải nghiệm cuộc sống, sản xuất hằng ngày như bắt trìa, đổ nò sáo, thu hoạch hải sản đầm phá như cá dìa, cá hanh…, thưởng thức những hải sản này ngay trên thuyền.

Chiều tà, du khách sẽ cùng ngư dân quay thuyền trở về bờ. Tại đây, du khách sẽ được thả mình trong cảnh đẹp hoàng hôn trên phá Tam Giang. Đây là trải nghiệm ấn tượng khó phai trong lòng nhiều người.

Để chiêm ngưỡng nét đẹp độc đáo của hệ thống đầm phá này, du khách chịu khó đến vào sớm bình mình hay nán lại vào lúc hoàng hôn sẽ thấy được khung cảnh tuyệt vời của màu trời hòa quyện vào màu nước làm mê đắm lòng người. Ngoài ra, du khách có thể đến đây bất cứ lúc nào để khám phá hệ thống đầm phá nước lợ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á này.

Làng Bích họa Ngư Mỹ Thạnh

Nằm bên phá Tam Giang, làng Ngư Mỹ Thạnh hình thành cách đây 20 năm, hầu hết người dân đều sống bằng nghề đánh bắt nuôi trồng thủy sản. 

Thời gian gần đây, ngôi làng này thu hút hơn bởi những bức bích họa trên tường nhà người dân. Từ những bức tường nhà cũ, xuống màu, nay được khoác lên sắc màu đẹp mắt. Có 7 bức bích họa với diện tích khoảng 150m2.

Làng bích họa. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Làng bích họa. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Tái hiện khung cảnh về đầm phá Tam Giang, về cảnh sinh hoạt, đánh bắt trên đầm phá cùng không gian và con người của làng Ngư Mỹ Thạnh. Sự xuất hiện của những bức tranh khiến vùng quê bên đầm phá thêm sức sống, rực rỡ hơn. Qua đó, thu hút khách du lịch đến với tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng đầm phá Tam Giang.

Bãi biển Tân Mỹ

Những năm trở lại đây, bãi tắm Tân Mỹ được coi là điểm đến hấp dẫn đối với những ai yêu thích du lịch khám phá.

Nghỉ ngơi bên bãi biển.

Nghỉ ngơi bên bãi biển.

Thuộc xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), bãi biển Tân Mỹ với bãi cát dài thoải thu hút nhiều du khách về đây tham quan. Nơi đây vẫn giữ được nét đẹp thuần khiết, có nước biển trong xanh nổi bật trên nền bãi cát trắng phẳng chạy dọc bờ biển.

Nơi đây có nhiều điều chờ bạn khám phá.

Nơi đây có nhiều điều chờ bạn khám phá.

Đến đây, du khách được hòa mình trong làn nước biển trong, thưởng thức các món ăn tươi ngon được chế biến từ sản vật nơi đây, ngắm hoàng hôn, dựng lều ngủ ngoài bờ biển…

Đình làng Thủ Lễ

Di tích cấp Quốc gia này thuộc thị trấn Sịa (huyện Quảng Ðiền). Làng Thủ Lễ là một trong những làng được thành lập khá sớm, trước thời Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa.

Sau khi làng được thành lập, 8 vị khai canh đã chọn vị trí trung tâm của làng để xây dựng Đình.

Đình nằm trên khuôn viện rộng khoảng 1.000 m2. Từ ngoài vào là 4 trụ biểu hình khối vuông cao lớn, trên mỗi trụ đều có câu đối chữ Hán. Cách trụ biểu 5 mét là nhà bia, hồ bán nguyệt, tiếp đến là bức bình phong.

Đình có 5 gian 2 chái, 48 cột gỗ lớn. Đình không có vánh ngăn và hệ thống cửa ở mặt tiền, mái lợp ngói âm dương. Nội thất chia làm 2 phần, bên trong là Hậu cung bố trí các án thờ, ngoài là Tiền đường treo hoành phi, liễn đối và câu đối. Hai bên tả, hữu Đình có hai nhà Tăng.

Đình Thủ Lễ còn lưu giữ một khánh đá, một phiến đá bùa, 57 sắc phong, hơn 400 trang văn bản (địa bạ), 16 câu đối, 3 bức hoành, hai tượng hạc bằng gỗ.

Ðặc điểm nổi bật của Đình Thủ Lễ là kiểu nhà rường truyền thống, với bộ rường gỗ vững chãi biểu trưng cho cư dân đầm phá Tam Giang. Hằng năm, có 2 lễ chính, Xuân tế (tháng Giêng Âm lịch) và Thu tế (tháng 7 Âm lịch).

Với giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật đó, Đình Thủ Lễ được công nhận là di tích cấp Quốc gia vào năm 1999.

Rừng cháy ở xã Quảng Thái

Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ ở Thừa Thiên Huế rủ nhau đến cánh rừng cháy ở huyện Quảng Điền để vui chơi, nhất là chụp những bức ảnh đẹp.

Cánh rừng cháy. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Cánh rừng cháy. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Cánh rừng cháy này nằm ở xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền). Ở đây, rất nhiều cây bị cháy vô tình trở thành khung cảnh tuyệt vời để chụp ảnh, giúp cho bạn có những tấm ảnh thần thánh đăng lên Facebook. Đây là địa điểm check in đang rất hot.

Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Do vậy, sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, để ghi nhớ công lao của Đại tướng, Đảng bộ và nhân dân huyện Quảng Điền đã đầu tư xây dựng khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại quê nhà.

Khu di tích Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở tại thôn Niêm Phò (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) bao gồm Nhà lưu niệm, bia tưởng niệm và nhà trưng bày bổ sung di tích.

Trong những năm qua, khu lưu niệm là nơi sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong và ngoài tỉnh.

Đây là một trong những di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu trên địa bàn huyện Quảng Điền, bảo vệ và phát huy vai trò của di tích là việc làm có ý nghĩa to lớn, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của cán bộ và nhân dân huyện nhà đối với người con ưu tú của quê hương.

Ngoài những điểm trên, ở huyện Quảng Điền còn có nhiều điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa, có thể kể đến như thành Hóa Châu, Miếu Bà Tơ, chùa Thiện Khánh…

Bài liên quan