'Đại gia' Ninh Bình là chủ đầu tư siêu dự án tâm linh Lũng Cú
Dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) với tổng số vốn dự kiến trên 800 tỷ đồng xây dựng trên quy mô diện tích 75ha do Công ty Cổ phần Phúc Lộc Hà Giang làm chủ đầu tư.
'Đại gia' Phúc Lộc và siêu dự án tâm linh Lũng Cú
Siêu dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú được xây dựng trên địa phận xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) nằm cách cột cờ Lũng Cú khoảng 500m đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Được biết, dự án này có quy mô quy hoạc lên đến 75ha với tổng số vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng, được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt từ năm 2016.
Dự án có các hạng mục chính bao gồm: Khu tâm linh chùa Lũng Cú có diện tích 70,5ha và đại tượng phật có diện tích khoảng 4,5ha. Trong đó, khu tâm linh chùa Lũng Cú, xây dựng chùa 4,8ha, khu đào tạo phật giáo 1,89ha và khu nhà khách rộng 9ha còn lại giữ nguyên hiện trạng 54,8ha.
Theo tìm hiểu của PV, Chủ đầu tư của siêu dự án này là Công ty Cổ phần Phúc Lộc – Hà Giang do ông Nguyễn Trường Sơn đứng tên đại diện pháp luật. Theo thông tin tìm hiểu, Công ty Cổ phần Phúc Lộc – Hà Giang được thành lập vào tháng 2/2016, trước thời điểm dự án được khởi công khoảng 4 tháng (dự án khởi công tháng 6/2016).
Trong khi đó, trên Báo Hà Giang đưa tin: Ngày 22/6/2016, lãnh đạo tỉnh này đã trao Giấy chứng nhận đầu tư và động thổ dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú (Đồng Văn), do Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư.
Theo Quyết định của UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt, Tập đoàn Phúc Lộc sẽ đầu tư xây dựng Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú tại thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú (Đồng Văn) với tổng diện tích quy hoạch hơn 56ha với tổng mức đầu tư khoảng 889 tỷ đồng xây dựng các công trình tâm linh; khu nhà khách; khu dịch vụ...
Dự án được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng sớm đưa Lũng Cú trở thành Khu du lịch trọng điểm của Quốc gia; phát huy tiềm năng du lịch của địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh truyền thống cho nhân dân tại miền đất nơi cực Bắc địa đầu Tổ quốc.
Bên cạnh đó, vừa giáo dục truyền thống, động viên tinh thần yêu nước, phục vụ du khách tham quan, thưởng ngoạn; góp phần khai thác triệt để những lợi thế của địa phương; phát triển KT-XH; tạo việc làm; phát huy giá trị của hệ thống cảnh quan tự nhiên và môi trường xã hội; tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư cho kinh tế, du lịch, văn hóa của tỉnh.
"Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú đã khẳng định chủ trương đúng đắn tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch trong đó có du lịch tâm linh mà tỉnh Hà Giang đã, đang rất quan tâm", bài báo nêu.
Như vậy, ông chủ thực sự của siêu dự án tâm linh Lũng Cú là chính là Tập đoàn Phúc Lộc.
"Đại gia" Lương Minh Tường và loạt dự án lớn
Tập đoàn Phúc Lộc là một "đại gia" bất động sản có tiếng tại mảnh đất Ninh Bình. Doanh nghiệp này có địa chỉ tại xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) do ông Lương Minh Tường làm Chủ tịch HĐQT.
Ngoài ra, ông Tường còn là Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông Cienco 8.
Tập đoàn Phúc Lộc được biết đến là một trong những doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Ninh Bình với số vốn điều lệ 2.650 tỷ đồng. Tập đoàn này hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ dịch vụ cảng, thi công san lấp đến kinh doanh bất động sản.
Theo tờ Nhà đầu tư: Năm 2005, Công ty TNHH Phúc Lộc có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình được thành lập với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, gồm 2 cổ đông sáng lập là Lương Minh Tường (98% vốn điều lệ) và Lương Minh Tuyên (2% vốn điều lệ).
Năm 2015, cơ cấu cổ đông của Công ty TNHH Phúc Lộc thay đổi, ông Lương Minh Tường không còn là cổ đông sáng lập. Thay vào đó là Tập đoàn Phúc Lộc với tỷ lệ sở hữu 99%, đồng thời vốn điều lệ tăng lên con số 250 tỉ đồng.
Phúc Lộc cũng là chủ đầu tư một dự án lớn ở nhiều tỉnh, thành khác nhau trên cả nước như: Dự án khu biệt thự sinh thái và nhà ở liền kề , Phường Hồng Châu, TP Hưng Yên; Dự án Nhà máy chế biến Khoáng sản Gia Thanh; Dự án "Đường bao Đông Nam quận Hải An"; Dự án Đầu tư cải tạo nền, mặt đường và công trình Km8 – Km29 và Km40 – Km66 trên Quốc lộ 4A ở Lạng Sơn; Liên danh Cường Thịnh Thi - Tập đoàn Phúc Lộc - Tập đoàn Xây dựng miền Trung - CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An trúng thầu dự án cải tạo Quốc lộ 4D và xây mới Tỉnh lộ 155 nối TP. Lào Cai và Sapa; Liên danh nhà đầu tư Công ty Thái Sơn - Tập đoàn Miền Trung - Tập đoàn Phúc Lộc - Tập đoàn Cường Thịnh Thi làm dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nghi Sơn.
Đặc biệt, hai doanh nghiệp do ông Lương Minh Tường làm Chủ tịch HĐQT còn lập ra liên danh thực hiện loạt dự án BT tại tỉnh Thái Nguyên với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng.
Cũng theo tờ báo này, theo danh sách doanh nghiệp nợ thuế được Cục thuế Bình Định công khai, tính đến 31/8/2018, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Phúc Lộc và do ông Lương Minh Tường làm đại diện pháp luật vướng số nợ hơn 12 tỷ đồng tiền thuế.
Xây dựng trước hoàn thiện sau?
Báo chí phản ánh, Quyết định số 3342/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án “Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú” phải đảm bảo nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú và tuân thủ các quy định về bảo vệ di sản văn hóa.
Đồng thời, tại Điều 3 của văn bản nêu rõ: “Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án là căn cứ để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các bước tiếp theo của dự án theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường”.
Thế nhưng, Quyết định nêu trên được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành vào hồi tháng 11/2018, sau gần 2 năm dự án này được giải phóng mặt bằng và triển khai thi công (năm 2016).
Mới đây, khi dư luận xôn xao về dự án khu du lịch tâm linh sẽ phá vỡ cảnh quan thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ngay lập tức phát đi thông tin cho biết, Bộ này từng đưa ra “cảnh báo”, yêu cầu bảo vệ nguyên trạng nhiều hạng mục ở di tích Cột cờ Lũng Cú.
Cụ thể, hồi tháng 6/2018, trong văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu địa phương này thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định hiện hành.
“Yêu cầu Dự án cần bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025 tầm nhìn 2030 và Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030 để tính toán giảm quy mô xây dựng các công trình, đảm bảo bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi và cảnh quan môi trường tự nhiên”, Bộ này thông tin thêm.