Thứ hai, 23/09/2019, 19:02 PM
  • Click để copy

Kỷ luật nguyên Chủ tịch huyện Sóc Sơn hàng chục cán bộ vụ 'xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn

Trong số hàng chục cán bộ bị xử lý kỷ luật liên quan đến vụ việc "xẻ thịt" đất rừng Sóc Sơn có Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Minh Tuấn, nguyên Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn - Vương Văn Bút.

Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật liên quan đến vụ
Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật liên quan đến vụ "xẻ thịt" đất rừng Sóc Sơn. (Ảnh: Chí Hiếu).

Tin tức mới nhất liên quan đến vụ việc “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn gây bức xúc dư luận thời gian qua. Trong đó có những sai phạm liên quan đến biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh và biệt phủ Thành Chương.

Mới đây, UBND huyện Sóc Sơn đã có báo cáo kiểm điểm về chính quyền và kiểm điểm về mặt đảng đối với cán bộ có liên quan theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội.

Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn đã kiểm điểm trách nhiệm tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy 3 nhiệm kỳ từ 2005 đến 2020 và các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trách nhiệm liên quan.

Trên cơ sở báo cáo của huyện Sóc Sơn, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có thông báo về kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn giai đoạn 2008 - 2018.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kết luận Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn qua 3 nhiệm kỳ (từ năm 2006 đến nay) cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cũng đã có các quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách đối với ông Đỗ Minh Tuấn – Phó Chủ tịch huyện Sóc Sơn. Nguyên Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút và nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Tạ Văn Đạo cùng bị kỷ luật cảnh cáo.

Về mặt chính quyền, UBND huyện Sóc Sơn đã xem xét kỷ luật đối với 80 trường hợp. Trong đó, không kỷ luật (vì sai phạm chưa đến mức phải kỷ luật) là 19 trường hợp; không kỷ luật vì hết thời hiệu (ốm, chữa bệnh) 22 trường hợp; khiển trách 29 trường hợp; cảnh cáo 6 trường hợp; cách chức 2 trường hợp, và buộc thôi việc 2 cán bộ công chức, lao động hợp đồng.

Trước đó, vào tháng 3/2019, Thanh tra Hà Nội chỉ rõ trong số 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp nêu từ năm 2008 không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới.

Theo Thanh tra Hà Nội, đến năm 2017 huyện Sóc Sơn xác định 555 công trình vi phạm, đến thời điểm thanh tra vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Chỉ riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.

Ngày 1/4, UBND Hà Nội có văn bản chỉ đạo xử lý, khắc phục sau thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn giai đoạn 2008-2018.

Theo đó, UBND TP giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với tập thể và cá nhân các thời kỳ 2006-2018 đã không nghiêm túc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và UBND TP về xử lý khắc phục sau thanh tra; buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng, để xảy ra các vi phạm như kết luận thanh tra.

Ngoài ra, yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn phải tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm được lập hồ sơ xử lý trong các năm 2017, 2018 trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn, trả lại nguyên trạng ban đầu.

Với các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, vi phạm trật tự xây dựng giai đoạn 2006-2018 tại thị trấn Sóc Sơn và 10 xã trên, huyện phải lập kế hoạch và thiết lập hồ sơ, phương án xử lý, khắc phục.