Vì sao Nhà máy nước mặt Sông Đuống được sử dụng ống Trung Quốc, từng bị phản đối kịch liệt ở Sông Đà?
Đại diện Công ty CP nước mặt Sông Đuống (chủ đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống) xác nhận sử dụng đường ống của Nhà thầu thiết bị Xinxing (Trung Quốc), chất lượng gang dẻo. Điều đáng nói vào năm 2016, cũng chính nhà thầu Xinxing từng bị Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) hủy hợp đồng mua ống gang dẻo cho dự án nước sạch Sông Đà số 2 sau khi dư luận phản đối, Chính phủ và TP Hà Nội vào cuộc.
Dư luận đang rất quan tâm đến thông tin xung quanh câu chuyện Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.
Bên cạnh những thắc mắc tại sao có câu chuyện một công trình cung cấp nước sạch quan trọng cho người dân Thủ đô với số vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, được đích thân Chủ tịch UBND TP Hà Nội tham gia "bấm nút" khánh thành hôm 5/9, lại có thể "xé rào" bất chấp cảnh báo của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)?
Đáng chú ý, một vấn đề khác liên quan đến Nhà máy mặt nước Sông Đuống còn đang được dư luận đặc biệt quan tâm đó là thông tin cho rằng, dự án này có sử dụng đường ống Trung Quốc từng bị dư luận phản đối kịch liệt vào những năm 2016 khi Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) dự định sử dụng đối với đường ống Sông Đà số 2?
Trao đổi với PV đại diện Công ty CP nước mặt Sông Đuống (chủ đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống) xác nhận việc dự án có sử dụng đường ống của Nhà thầu thiết bị Xinxing. Đây là nhà thầu Trung Quốc từng bị dư luận phản đối khi Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) ký kết hợp đồng mua đường ống gang dẻo cho dự án nước sạch Sông Đà Giai đoạn 2 gói thầu Cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện (CCOG-09).
Vì thế câu hỏi được dư luận đặt ra là tại sao Sông Đà bị phản đối còn Nhà máy nước mặt Sông Đuống lại được sử dụng ống Trung Quốc?
Nước sạch Sông Đà bị phản đối ra sao khi định dùng đường ống Trung Quốc?
Theo tìm hiểu của PV, dự án nước sông Đà giai đoạn 2 được Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng VN (Vinaconex, Bộ Xây dựng) giao Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco) làm chủ đầu tư từ năm 2010.
Đến ngày 21/3/2016, khi Viwasupco thông báo kết quả chọn nhà thầu cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sông Đà giai đoạn 2, trong đó cho biết Công ty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing trúng thầu với giá thấp hơn khoảng 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt.
Cụ thể, công ty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) sẽ là nhà thầu cung cấp hệ thống ống gang dẻo cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông (Dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2).
Trong báo cáo kết quả triển khai công tác lựa chọn nhà thầu cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sông Đà Giai đoạn 2, Viwasupco thừa nhận dự án nước sông Đà giai đoạn 2 là một công trình xây dựng quan trọng phục vụ cung cấp nước sạch cho người dân tại thủ đô Hà Nội, đảm bảo yếu tố an ninh, dân sinh và ổn định xã hội.
Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện tuyến ống số 1, Công ty Viwasupco đã cẩn trọng trong các khâu chuẩn bị lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra Viwasupco cũng cho rằng, gói thầu Cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện (CCOG-09) là gói thầu quan trọng, có tầm ảnh hưởng và quyết định lớn đến chất lượng và tiến độ của dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Viwasupco đã tiến hành “đấu thầu rộng rãi quốc tế” để tìm kiếm nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm nhằm cung cấp ống gang dẻo để triển khai gói thầu CCOG-09.
Đơn vị này cũng khẳng định, hồ sơ mời thầu đã được đơn vị tư vấn của Trường đại học Xây dựng lập, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị VN thẩm định và được Hội đồng Quản trị Công ty phê duyệt trước khi ban hành.
Tuy nhiên, sau khi kết quả Công ty Xingxing trúng thầu được công bố thì đã xuất hiện rất nhiều ý kiến phản đối của người dân và các chuyên gia bởi lo lắng chất lượng đường ống cũng như vấn đề về sức khỏe.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn của dư luận, ngày 25/3/2016, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng) chỉ đạo UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát toàn bộ quá trình thực hiện dự án.
Sau rà soát, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Viwasupco tạm dừng việc ký hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật tư ống gang dẻo và phụ kiện.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị thuê đơn vị tư vấn quốc tế có đủ năng lực thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng toàn diện của đoạn đường ống mẫu do nhà thầu cung cấp. Trong trường hợp kết quả không đạt yêu cầu về kỹ thuật, chủ đầu tư phải hủy kết quả đấu thầu.
Hội đồng quản trị Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) sau đó đã thông qua nghị quyết hủy thầu và không ký kết hợp đồng với Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) cho dự án đường ống nước sông Đà 2.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống nói gì?
Trao đổi với PV, đại diện Công ty CP nước mặt Sông Đuống (chủ đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống) cho biết: Dự án sử dụng vốn doanh nghiệp tư nhân, do đó không nhất thiết tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu.
Tuy nhiên công ty đã tổ chức đoàn chuyên gia tổ chức lựa chọn đánh giá các nhà cung cấp (Ống Gang, Ống Thép, Ống HDPE, Bê Tông lòng thép) trên cơ sở các tiêu chí về kỹ thuật (đường kính lớn, độ bền, khả năng chịu tác dụng của lực, khả năng thi công cũng như mức sẵn sàng của hàng hóa khi thực hiện tiến độ dự án trong thời gian ngắn) và tìm ra nhà cung cấp đáp ứng đủ các yêu cầu đưa ra.
"Tiêu chí lựa chọn dựa vào sự phù hợp giữa kỹ thuật và kinh tế. Hệ thống tuyến ống truyền dẫn của nhà máy nước mặt Sông Đuống sử dụng rất nhiều loại vật liệu khác nhau tùy thuộc vào địa hình và địa chất cụ thể nơi tuyến ống đi qua.
Cụ thể vật liệu ống gồm ống thép, ống HDPE, ống gang dẻo được sản xuất ở Đức, Pháp, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE. Việc kiểm định chất lượng tất cả các loại vật liệu cho tuyến ống chúng tôi được thực hiện bởi đơn vị kiểm định độc lập của Pháp và Ban quản lý dự án của Công ty cùng giám sát chặt chẽ công tác thi công xây dựng mạng lưới đường ống đảm bảo chất lượng theo quy định", Công ty nêu.
Cũng theo doanh nghiệp này, Xinxing là nhà thầu thiết bị được hầu hết các công ty cấp nước tại Việt Nam cũng như trên thế giới tin dùng trong lĩnh vực cấp nước, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn Việt Nam đối với các điều kiện kỹ thuật, vệ sinh, an toàn thực phẩm và được Nhà máy nước mặt Sông Đuống lựa chọn sử dụng cho một số tuyến ống dẫn phù hợp địa hình địa chất. Đây cũng là sản phẩm đã và đang được sử dụng tại 120 nước trên thế giới tại châu Âu, châu Mỹ, châu Á như Đức, Pháp, Áo...
Lý giải cho câu chuyện sử dụng đường ống Xinxing từng bị dư luận phản đối, chủ đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống cho rằng: Về thông tin liên hệ tới việc đường ống Xinxing tại 1 số dự án nhà máy nước khác dễ bị bục vỡ, thì nguyên liệu của các đường ống đó không phải ống gang dẻo.
"Tại dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống, chúng tôi sử dụng ống gang dẻo đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp thiết kế nên nên không có khả năng gây các sự cố tương tự...", đơn vị này đề cập.
Chất lượng đường ống có vấn đề?
Phía chủ đầu tư trả lời là vậy nhưng theo thông tin từ báo chí, sự cố đường ống cũng đã xảy ra đối với dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Trên báo Dân Việt cho hay: Khoảng 4h ngày 3/6/2019, xe container mang BKS 15C - 044.77 đã sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của nhà máy nước mặt sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội). Trước đó, Thanh tra Giao thông huyện Gia Lâm cho biết vị trí này đã bị sụt lún, với diện tích khoảng 20m2. Do sự cố này mà một số khu vực thuộc 3 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa chịu ảnh hưởng nước yếu trong vài ngày.
Sự cố sụt lún dẫn tới xe hạng nặng sập hố gây vỡ ống nước của nhà máy nước mặt sông Đuống khiến dư luận phải thêm một lần lưu tâm tới chất lượng ống và chất lượng thi công của dự án này.
Còn theo Vietnamnet, trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội ngày 30/8/2019, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định của Bộ Xây dựng) đề cập: Công trình còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống; Về sự cố vỡ ống tại chân cầu vượt Phú Thụy (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) ngày 3/6/2019, hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế.
“Căn cứ theo quy định tại điều 31, 32, Nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng”, văn bản nêu rõ.
Chúng tôi tiếp tục thông tin.