Chủ khách sạn Grand Plaza và bê bối tại sân golf Phượng Hoàng
Tập đoàn Charmvit chủ đầu tư khách sạn Grand Plaza cũng là chủ đầu tư dự án sân golf Phượng Hoàng (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm.
Vụ việc nhân viên bảo vệ khách sạn Grand Plaza đuổi người trú mưa trong cơn dông lốc chiều tối 29/8 vừa qua, đang khiến dư luận phẫn nộ.
Theo tìm hiểu được biết, khách sạn Grand Plaza nằm trong tổ hợp trung tâm thương mại tại địa chỉ Trần Duy Hưng do tập đoàn Charmvit (một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Khách sạn do Công ty TNHH khách sạn Grand Plaza Hà Nội (pháp nhân của Charmvit tại Việt Nam) quản lý.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH khách sạn Grand Plaza Hà Nội được thành lập năm 2007, do ông Lee Dae Bong (sinh năm 1941) làm người đại diện theo pháp luật. Ông Lee Dae Bong đồng thời là Tổng giám đốc của doanh nghiệp.
Trước đó, công ty này còn có thêm ông Goo Gi Woon (sinh năm 1970) là người đại diện pháp luật.
Công ty TNHH khách sạn Grand Plaza Hà Nội có địa chỉ trụ sở chính tại 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội với ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày...
Tìm hiểu về Tập đoàn Charmvit được biết, doanh nghiệp này còn đầu tư vào các dự án bất động sản, xây dựng, golf tại Việt Nam. Tập đoàn Charmvit cũng là chủ đầu tư dự án sân golf Phượng Hoàng (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) từng bị Thanh tra.
Theo tìm hiểu, dự án sân golf Phượng Hoàng được triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2005 và chính thức hoạt động vào năm 2009, với mức đầu tư lên tới 38 triệu USD. Trước đó vào ngày 18/8/2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Thể thao và giải trí sân golf Long Sơn (tên gọi trước của Công ty TNHH sân golf Phượng Hoàng).
Theo tờ Reatimes, đến thời điểm năm 2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã vào cuộc thanh tra và ban hành kết luận thanh tra số 3118 KL-TTCP. Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án trên, cùng trách nhiệm lớn thuộc về tỉnh Hòa Bình.
Theo TTCP, dự án sân golf Phượng Hoàng không nằm trong quy hoạch sử dụng đất nào được phê duyệt từ năm 2001 – 2020, cũng như chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2198/QĐ - TTg ngày 3/12/2010.
Tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg (ngày 26/11/) và Quyết định 795/QĐ-TTg (ngày 26/5/2014) của Thủ tướng Chính Phủ, sân golf Phượng Hoàng 54 lỗ tại Hòa Bình dự kiến được phát triển đến năm 2020. Trong khi đó, sân golf này được tỉnh Hòa Bình cho phép xây dựng năm 2005 và sử dụng vào năm 2008.
Theo kết luận của TTCP, vào tháng 2/2004, ông Bùi Văn Dư, thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã cùng Tập đoàn Charmvit ký Văn bản thỏa thuận đầu tư đầu tiên của dự án sân golf này. Đến khoảng tháng 5/2014, hai bên ký tiếp văn bản đầu với giá mức giá thuê đất “siêu rẻ” là 0,01USD/m2 đất/năm và được trả tiền thuê đất một lần, thời gian thuê đất 50 năm.
Thanh tra Chính phủ còn phát hiện việc xây dựng công trình sân golf, nhà điều hành, khách sạn 3 tầng và các công trình phụ trợ khác không có giấy phép xây dựng, không có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm Luật Xây dựng 2003.
Tờ này còn dẫn đánh giá của các chuyên gia kinh tế nhận định, dự án sân golf Phượng Hoàng 54 lỗ tại Hòa Bình đã gây thiệt hại cho nhà nước lên tới 100 tỷ…Những đường điện cáp của sân golf xây dựng trái phép còn ảnh hưởng tới việc canh tác của người dân quanh đây, khiến mọi người rất bức xúc.
Đáng chú ý hơn nữa, cơ quan Thanh tra đã nhận định, dự án đầu tư xây dựng sân golf Phượng Hoàng là dự án đầu tư nước ngoài 100%, nhưng UBND tỉnh Hòa Bình đã buông lỏng quản lý và để xảy ra nhiều sai phạm.
Mặc dù dính nhiều tai tiếng tại các dự án đã đầu tư, thế nhưng thời gian gần đây Tập đoàn Charmvit tiếp tục mơ đầu tư xây dựng dự án Trường đua ngựa (vốn đầu tư dự kiến 500 triệu USD) tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
Dự án có tên Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa) được Charmvit đề xuất với Hà Nội trên diện tích hơn 100 ha, thuộc xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn.
Doanh nghiệp này cũng cho biết, sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 600 lao động trực tiếp, 1.500-2.000 việc làm khác khi dự án này đi vào hoạt động.
Dự án đã được UBND TP Hà Nội bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thủ đô đến năm 2020, định hướng 2030. Tuy nhiên, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể này thuộc Thủ tướng.
Đầu năm 2019, tại một cuộc gặp giữa Tập đoàn Charmvit với lãnh đạo Hà Nội báo chí dẫn lời Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, dự kiến dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa của Charmvit sẽ được khởi công trong năm 2019.
Trở lại sự việc nhân viên bảo vệ khách sạn Grand Plaza đuổi người trú mưa trong cơn dông lốc chiều tối 29/8. Trước lối hành xử vô cảm của nhân viên khách sạn, cộng đồng mạng đưa ra nhiều ý kiến đánh giá thấp về khách sạn cũng như văn hóa làm việc của tập đoàn này.
Trước khi xảy ra sự việc trên, hồi đầu tháng 3 năm nay, Charmvit cũng từng dính bê bối bảo vệ đánh người xảy ra tại tòa nhà Charmvit Tower cùng địa chỉ trên đường Trần Duy Hưng.
PV đã nhiều lần liên hệ với đại diện Charmvit tại Việt Nam nhưng vị này chưa có hồi âm.
Sai phạm tại khu Linh Đàm: Quận Hoàng Mai lấy ý kiến hàng vạn cư dânQuận Hoàng Mai tiến hành lấy ý kiến các hộ dân mua nhà, căn hộ tại các dự án trên địa bàn do doanh nghiệp 'đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư. |
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo tình trạng xuống cấp đường băng sân bay Nội BàiTrước phản ánh của báo chí về tình trạng xuống cấp đường băng sân bay Nội Bài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, báo cáo. |
Vụ nhân viên khách sạn Grand Plaza đuổi 2 mẹ con trú mưa: Người quay clip lên tiếngNgười quay lại clip nhân viên khách sạn Grand Plaza Hotel đuổi người trú mưa ở Hà Nội không giấu nổi sự bức xúc trước thái độ vô cảm của nhân viên này. |