Thứ hai, 28/10/2019, 07:22 AM
  • Click để copy

Giá nước Sông Đuống bán cho dân đắt gấp đôi nước sạch Sông Đà: Có lợi ích nhóm hay không?

Nhà máy nước mặt Sông Đuống sử dụng đường ống dẫn của Trung Quốc tiếp tục khiến nhiều người bàn tán khi được quyết giá bán nước cao gần gấp đôi so với nước sạch Sông Đà.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống đang bán nước cao hơn so với nước sạch Sông Đà. (Ảnh: IT).
Nhà máy nước mặt Sông Đuống đang bán nước cao hơn so với nước sạch Sông Đà. (Ảnh: IT).

Cùng sử dụng nước sạch nhưng phải trả tiền gấp đôi?

Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng đường ống của Trung Quốc đang trở thành chủ đề gây tranh cãi của dư luận.

Đáng chú ý, nên cạnh những tranh cãi đó, hiện nay một vấn đề đang được nhiều người quan tâm đó là việc Nhà máy nước mặt sông Đuống hiện nay được áp dụng giá bán nước sạch cao gần gấp đôi so với giá bán của nước sạch Sông Đà.

Cụ thể: Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đang áp dụng mức giá tạm tính là 7,700đ/m3, còn mức giá nước được phê duyệt từ tháng 10/2017 là: 10.246 đồng/m3. Trong khi đó, hiện mức giá bán của nước sạch Sông Đà chỉ là: 5.069,76 đồng/m3.

Thực tế trên khiến nhiều người dân băn khoăn rằng phải chăng có sự không công bằng? Tại sao cùng sử dụng nước sạch nhưng người dân phía Tây Nam Hà Nội nơi sử dụng nước Sông Đà lại chỉ cần bỏ ra 1 nửa tiền còn người dân sử dụng nước sạch của Sông Đuống lại phải bỏ ra gấp đôi?

Để làm rõ vì sao có sự chênh lệnh nhau như thế, PV đã liên hệ với Công ty CP nước mặt Sông Đuống (chủ đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống).

Phản hồi PV, đại diện Công ty CP nước mặt Sông Đuống cho hay: Theo quy định giá thành sản xuất nước áp dụng trên địa bàn TP và các khu vực lân cận do UBND Hà Nội quy định, phụ thuộc chủ yếu vào quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án, được tính đúng, tính đủ theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính (Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT của Bộ Tài chính – Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và PTNT) và được các cơ quan chức năng thẩm định trình phê duyệt theo quy định.

Giá nước bán cho các đối tượng dân cư và các đối tượng sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP Hà Nội được thành phố quy định tại Quyết định số 38/QĐ-UBND và QĐ số 39/QĐ-UBND năm 2013.

"Việc so sánh hiệu quả và giá nước giữa các Nhà máy phải được đưa về cùng thời điểm đầu tư, quy mô đầu tư và vận hành hoạt động.

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống có quy mô công suất 300.000 m3/ngđ, tuyến ống truyền dẫn 81km tổng vốn đầu tư 4.998 tỷ (Trong đó CPGPMB là 521 tỷ và tuyến ống dài hơn 35 km so với tuyến ống sông Đà, Sử dụng nguồn vốn vay thương mại).

Do đó dự án Sông Đuống có quy mô đầu tư lớn, khấu hao và lãi vay lớn hơn và cho chất lượng nước tốt nhất ổn định và an toàn, khi đó chi phí giá nước sạch được tính đúng, tính đủ sẽ cao hơn so với nước nhà máy Sông Đà", đại diện chủ đầu tư nước mặt Sông Đuống chia sẻ.

Như vậy, phải chăng có thể hiểu rằng việc Nhà máy nước mặt Sông Đuống áp dụng giá bán nước cao hơn gần gấp đôi Sông Đà là vì giá thành đầu tư?

Thế nhưng nên nhớ rằng, dù việc áp dụng giá bán rẻ hơn gần gấp đôi song những năm qua nước sạch Sông Đà được ví như "con gà đẻ trứng vàng" của doanh nghiệp khi việc kinh doanh liên tục báo lãi lớn.

Theo báo chí, ngày 18/10, giữ lúc đang gặp bê bối về việc nước nhiễm dầu, Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco, mã CK: VCW) vẫn công bố báo cáo tài chính quý III/2019 cho thấy, đà tăng trưởng cao.

Lợi nhuận trước thuế Nước sạch Sông Đà liên tục tăng hàng năm.
Lợi nhuận trước thuế Nước sạch Sông Đà liên tục tăng hàng năm. (Ảnh: Đời sống pháp lý).

Doanh thu gần 138 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận trước thuế hơn 76 tỷ đồng, tăng 28%. Đây cũng là quý hoạt động tốt thứ hai từ khi doanh nghiệp này lên UPCoM, chỉ sau quý II/2019.

Các chỉ tiêu đánh giá hoạt động của Viwasupco tiếp tục là con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán khi biên lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh xấp xỉ 60%, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu 55%. Bình quân mỗi 10 đồng doanh thu thì công ty này mang về 6 đồng lợi nhuận gộp và 5,5 đồng lợi nhuận trước thuế.

Chia sẻ với PV, một chuyên gia kinh tế từng khẳng định, kinh doanh nước sạch là lĩnh vực rất có lãi, có thể coi là mỏ vàng của doanh nghiệp.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống được ưu ái?

Như đã phản ánh, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) từng có văn bản đề cập đến việc Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, nhà máy vẫn được khánh thành và đưa vào sử dụng như hiện nay?

Ngoài bất cập ấy, một vấn đề cũng gây tranh cãi đó là việc Nhà máy nước mặt Sông Đuống đang sử dụng đường ống của Nhà thầu thiết bị Xinxing. Đây là nhà thầu Trung Quốc từng bị dư luận phản đối khi Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) ký kết hợp đồng mua đường ống gang dẻo cho dự án nước sạch Sông Đà Giai đoạn 2 gói thầu Cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện (CCOG-09).

Vì thế câu hỏi được dư luận đặt ra là tại sao Sông Đà bị phản đối còn Nhà máy nước mặt Sông Đuống lại được sử dụng ống Trung Quốc?

Lãnh đạo Hà Nội thực hiện nghi thức mở van nhận nước để chính thức khánh thành giai đoạn 1 dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. (Ảnh: IT).
Lãnh đạo Hà Nội thực hiện nghi thức mở van nhận nước để chính thức khánh thành giai đoạn 1 dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. (Ảnh: IT).

Một bất cập khác cũng được báo Dân Việt đề cập trong bài viết "Nhà máy nước sông Đuống bán giá cao gấp đôi sông Đà: Hà Nội quyết mua, ai thiệt?" đó là: Tại báo cáo về hoạt động cấp nước bán buôn trên địa bàn TP Hà Nội, Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà cũng cho biết, hiện tại công ty này đang tiến hành cung cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3.

Chỉ cần với giá bán này, hai đơn vị mua lại nước của Công ty nước sạch sông Đà là Viwaco và Hà đông vẫn đang hoạt động ổn định và có lãi. Hiện tại ngân sách nhà nước không phải thực hiện bù giá cho các đơn vị này.

Chính Viwasupco đã khuyến cáo với cơ quan chức năng, nếu mua nước từ một đơn vị cung cấp khác có giá cao hơn, có thể dẫn tới việc hao tổn ngân sách do trợ giá nước. Đương nhiên ai cũng biết, như vậy giá nước đến với người dân sẽ cao hơn. Và ngân sách thành phố cũng sẽ hao tổn thêm phần nào bởi bù giá.

Người dân có quyền đặt câu hỏi: "Tại sao UBND TP Hà Nội lại có “ưu ái” đối với Công ty cung cấp nước mặt sông Đuống?" Nếu không gọi là "ưu ái", rất khó dùng từ khác khi mà cùng đều là đơn vị cung cấp nước sạch cho cư dân thủ đô, nhưng nước từ Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống lại cao gấp đôi như thế?