Thứ tư, 06/11/2019, 10:11 AM
  • Click để copy

Nhiều lo ngại từ vụ 'đại gia' Thái Lan mua cổ phần Nhà máy nước mặt Sông Đuống

Vụ việc Công ty WHA Utility and Power thuộc sở hữu của Tập đoàn WHA của Thái Lan thâu tóm 34% cổ phần Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã có nhiều ý kiến lo ngại và băn khoăn rằng an ninh nguồn nước có được đảm bảo?

Doanh nghiệp Thái Lan thâu tóm 34% cổ phần của Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Doanh nghiệp Thái Lan thâu tóm 34% cổ phần của Nhà máy nước mặt Sông Đuống. (Ảnh: IT).

"Con gà đẻ trứng vàng" mang tên nước sạch và cuộc thâu tóm lịch sử

Lĩnh vực kinh doanh nước sạch xưa nay được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là con gà đẻ trứng vàng của doanh nghiệp. Đây là lĩnh vực mà hàng hóa là một trong những nhu cầu thiết yếu của người dân vì thế không lo ế ẩm.

Bằng chứng của việc lợi ích đến từ kinh doanh nước sạch được thể hiện qua báo cáo tăng trưởng của các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch trong những năm qua luôn ở mức "siêu lợi nhuận".

Đơn cử như Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà ((Viwasupco) vừa qua dù xảy ra bê bối nước sạch ô nhiễm dầu thì con số lợi nhuận vẫn đạt rất cao.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2019, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco-VCW) đã đạt doanh thu thuần  đạt 137,8 tỉ đồng, tăng 17% và lợi nhuận sau thuế hơn 72,4 tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là quý thứ 2 kể từ khi công ty lên giao dịch trên sàn UPCoM đạt lãi cao. Lũy kế 9 tháng, Viwasupco ghi nhận doanh thu thuần tăng 21% lên 401,5 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 199 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo kế hoạch đề ra, năm 2019 công ty sẽ đạt doanh thu 476 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 75,5 tỉ đồng.

Như vậy sau 9 tháng năm 2019, công ty đã thực hiện 84% chỉ tiêu doanh thu và đã vượt 165% kế hoạch lợi nhuận năm. Tính đến hết 30.9, công ty đang có lợi nhuận chưa phân phối là 283,7 tỉ đồng và vốn điều lệ 750 tỉ đồng. 

Lợi nhuận cao là thế nhưng mới đây TP Hà Nội tiếp tục lên phương án điều chỉnh giá nước. Xu hướng cho thấy giá thành nước sạch sẽ còn tiếp tục tăng. Thậm chí, mức giá Hà Nội chấp thuận cho Nhà máy nước sạch Sông Đuống còn đắt gấp đôi Sông Đà.

Cụ thể: Tháng 7/2017, Hà Nội đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.

Đáng chú ý, giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7 %/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều này cho thấy, lợi nhuận từ kinh doanh nước sạch sẽ còn gia tăng trong thời gian tới đây.

Lo ngại khi "đại gia" Thái Lan mua cổ phần Nhà máy nước mặt Sông Đuống

Vụ việc đại gia Thái Lan thâu tóm 34% cổ phần Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Nêu ý kiến về ngành kinh doanh nước sạch đô thị, ĐBQH Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng việc đảm bảo nước sạch cho cộng đồng phải là của nhà nước, không thể giao trách nhiệm cho một hay một nhóm doanh nghiệp làm thay.

Theo Đại biểu Thạch Phước Bình, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nước sạch thuộc lĩnh vực nhà nước không cần nắm quyền chi phối, tỷ lệ sở hữu được giảm xuống còn dưới 50% và năm 2020 nhà nước có thể thoái vốn toàn bộ.

Số liệu của Hội cấp thoát nước Việt Nam cho biết, hiện đã có hơn 100 doanh nghiệp nhà nước kinh doanh nước sạch thoái vốn trên 63 tỉnh, thành cả nước. Làn sóng mua bán các doanh nghiệp nước sạch diễn ra rầm rộ với sự nhập cuộc của các đại gia trong nước và cả doanh nghiệp nước ngoài.

Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà mua lại Công ty TNHH một thành viên nước sạch VINACONEX thuộc Bộ Xây dựng; Công ty nhựa Đồng Nai mua hàng loạt công ty tại nhiều địa phương trên cả nước như Công ty Nước sạch 3 Hà Nội, Công ty Cấp thoát nước Bình Thuận, Tây Ninh, Bắc Giang, Long An...

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình.

“Sự xuất hiện ồ ạt của các doanh nghiệp tư nhân từ đủ mọi ngành nghề đã biến thị trường nước sạch được định giá hàng chục tỷ USD trở thành cuộc giành giật khốc liệt và để lại nhiều hệ lụy tiêu cực”, đại biểu Bình nói.

Nhắc đến sự cố ô nhiễm nước Sông Đà, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, sự việc này đã làm bộc lộ rất nhiều yếu kém và sự tắc trách của doanh nghiệp cũng như chính quyền từ trung ương đến địa phương khi đá trách nhiệm cho nhau, lúng túng trong giải quyết hậu quả.

Không chỉ vụ nước sạch Sông Đà, đại biểu Bình cũng nhắc đến sự việc của nhà máy nước sạch Sông Đuống chưa nghiệm thu đã khánh thành.

Từ hai sự việc này, đại biểu Bình kiến nghị Chính phủ không nên thoái vốn toàn bộ mà cần phải có lộ trình và nắm một phần vốn nhất định trong các công ty cấp thoát nước.

“Bởi vì nước sạch là một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là quyền con người đã được khẳng định trong Hiến pháp, do đó việc bảo đảm nước sạch cho cộng đồng phải là của Nhà nước, không thể giao trách nhiệm cho một hay một nhóm doanh nghiệp làm thay”, đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh.

Theo đại biểu Bình, nếu để doanh nghiệp tư nhân kiểm soát toàn bộ hệ thống nước sạch từ sản xuất, phân phối đến bán lẻ cho người dân, trong khi khung pháp lý, hệ thống chính sách chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp và còn nhiều lỗ hổng sẽ để lại những hậu quả khôn lường.

Tại tọa đàm "Quản lý thị trường nước sạch – nhìn từ vụ nước nhiễm dầu”, tổ chức chiều ngày 4/11 vừa qua, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Tôi đồng tình không nên khắt khe nhà nước độc quyền, quan trọng là toàn bộ hệ thống nhà nước có kiểm soát nổi hay không, chứ không phải nhà nước không kiểm soát được thì không cung cấp dịch vụ công".

"Chúng ta đã có nhiều dịch vụ công đã được đưa ra tư nhân hóa, xã hội hóa, điều quan trọng là quyền kiểm soát của Nhà nước phải rất chặt chẽ, chỉ cần một lần cung cấp nước ảnh hưởng đến người dân thì doanh nghiệp lập tức phá sản ngay", Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển truyền thông cho rằng, đa phần các quốc gia sẽ không chọn giải pháp cho phép nước ngoài cung cấp các dịch vụ ảnh hưởng đến an ninh như mặt hàng nước sạch.

Trên thế giới, vừa có cả mô hình kết hợp giữa nhà nước và tư nhân, hoặc mô hình tư nhân cung cấp hoàn toàn. Nước Anh, sau năm 1989 tư nhân hóa hoàn toàn dịch vụ cung cấp nước sạch. Những mô hình hỗn hợp thì tư nhân cung cấp không nhiều.

Việc để doanh nghiệp tư nhân nước ngoài tham gia vào thì rất mới mẻ đối với các quốc gia bởi nước còn liên quan đến yếu tố an ninh. Đa phần các quốc gia sẽ không chọn giải pháp cho phép nước ngoài cung cấp mà chỉ để cho các doanh nghiệp trong nước tham gia, ông Đồng nhấn mạnh.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/nhieu-lo-ngai-tu-vu-dai-gia-thai-lan-mua-co-phan-nha-may-nuoc-mat-song-duong-140887.html