Chủ nhật, 21/07/2019, 07:39 AM
  • Click để copy

Dự án Lotte Mall Hà Nội thi công gây nứt, ảnh hưởng 19 nhà dân

Chủ đầu tư và nhà thầu thi công siêu dự án Lotte Mall Hà Nội (phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) thừa nhận đang làm các thủ tục để đền bù, giải quyết với người dân bị nứt nhà, ảnh hưởng do quá trình thi công dự án gây ra.

Siêu dự án Lotte Mall Hà Nội gây ảnh hưởng, làm lún, nứt nhà dân.
Siêu dự án Lotte Mall Hà Nội gây ảnh hưởng, làm lún, nứt nhà dân. (Ảnh: Nguyễn Nam).

Nguồn tin của PV cho biết, vừa qua UBND phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) đã tổ chức buổi đối thoại giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án Lotte Mall Hà Nội với một số người dân khu biệt thự Vườn Đào để bàn luận, giải quyết việc đền bù do ảnh hưởng của việc thi công dự án.

Trong đó, có việc một số nhà dân tại khu biệt thự Vườn Đào (cạnh công trường dự án) phản ánh bị lún, nứt tường.

Theo nguồn tin của PV, tại buổi đối thoại đại diện chủ đầu tư dự án Lotte Mall đã nhận trách nhiệm khi chưa tiến hành khảo sát hiện trạng nhà dân trước khi cho đơn vị phá dỡ vào thi công.

Nguồn tin cũng cho biết, đại diện Lotte Mall thừa nhận quá trình thi công đã làm ảnh hưởng đến 19 hộ dân tại khu vực. Cũng tại cuộc đối thoại, người dân yêu cầu chủ đầu tư phải có ngay biện pháp khắc phục hậu quả mà dự án đã gây ra.

Tuy nhiên, đơn vị bảo hiểm PVI - nhà bảo hiểm cho dự án lại cho rằng: Trước khi có kết quả khảo sát, giám định và thống nhất giữa các bên, sẽ không thể ký cam kết với người dân. Kết thúc cuộc đối thoại, tất cả chỉ là lời hứa của chủ đầu tư...

Nhà dân tại khu biệt thự Vườn Đào bị lún nứt nghi do ảnh hưởng từ việc thi công dự án Lotte Mall Ha Noi.
Nhà dân tại khu biệt thự Vườn Đào bị lún nứt nghi do ảnh hưởng từ việc thi công dự án Lotte Mall Ha Noi. (Ảnh: Nhà Báo Công Luận).

Trao đổi với PV, đại diện chủ đầu tư Lotte Mall nói đây là phản ánh từ lâu và hiện các bên đang thực hiện giải quyết cho dân. Trong khi đó, ông Thu (người đại diện cho) Công ty TNHH Lotte Engineering & Construction hay còn gọi là Lotte E&C cho biết, tất cả các thông tin đã được đơn vị báo cáo lên chính quyền địa phương.

Người này từ chối trả lời các câu hỏi và nói rằng vụ việc này đang giải quyết người dân. "Trước khi làm đã khảo sát và sau khi làm sẽ khảo sát thiệt hại của người dân để đền bù", ông Thu nói.

Trước đó, như đã đưa tin, tính đến tháng 7/2019, siêu dự án Lotte Mall Hà Nội (Lott Mall Hanoi) đang đi vào giai đoạn thi công nền móng. Khu vực công trường có nhiều công nhân làm việc, các xe tải chở đất và vật liệu xây dựng tấp lập ra vào.

Cũng theo tìm hiểu của PV, kể từ khi khởi công phá nền móng cũ của dự án Ciputra Mall đến nay, siêu dự án có quy mô 600 triệu USD này đã nhiều lần bị phản ánh là gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quanh khu vực, nhất là đối với các hộ dân sinh sống tại khu biệt thự Vườn Đào, nơi chỉ cách dự án một con đường nhỏ.

Theo đó, Lotte Mall Hà Nội bị phản ánh gây tiếng ồn quá mức suốt ngày đêm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi tiếng máy móc, khoan ủi, phá bê tông và tiếng xe trọng tải lớn chạy ra vào công trường.

Xe tải chạy ra vào phục vụ dự án giữa ban ngày. (Ảnh: Nguyễn Nam).
Xe tải chạy ra vào phục vụ dự án giữa ban ngày. (Ảnh: Nguyễn Nam). 

Bên cạnh đó, việc thi công cũng gây khói bụi cho những người đi đường hay việc con ngõ 683 đường Lạc Long Quân thông ra đường Võ Chí Công cũng bị đào xới, cắm biển, chiếm dụng làm bãi đỗ xe, bán hàng nước phục vụ công nhân của công trường.

Ngoài ra, việc một số con đường bị phản ánh là xuống cấp, có hiện tượng lún, nứt do xe trọng tải lớn phục vụ công trình này ra vào thường xuyên. Hay việc người dân lo lắng siêu dự án này hình thành sẽ làm phá vỡ quy hoạch vốn có, gây ra ùn tắc giao thông...

Đặc biệt, có thông tin cho biết, đã có hộ dân gần dự án Lotte Mall Hà Nội phản ánh việc bị sụt lún, nứt nhà. Theo thông tin PV có được, căn nhà bị lún nứt nằm trong khu biệt thự Vườn Đào, cách dự án một con đường.

Tìm hiểu được biết: Lotte Mall Hà Nội do Công ty TNHH Lotte Properties làm chủ đầu tư có quy mô tổng diện tích hơn 7,3ha với mật độ xây dựng là 50%. Tổng diện tích tầng nổi của dự án là 288.789m2 và tổng diện các tầng là 360.000m2.

Dự án này được thiết kế bởi 3 đơn vị là Công ty TNHH Junglim Architecture Việt Nam, Công ty Benoy Architecture và Công ty Cổ phần Tư vấn KTKT&MT NDC. Trong khi đó, nhà thầu chính của dự án Lotte Mall Hanoi là Công ty TNHH Lotte Engineering & Construction.

Dự án cũng có thiết kế mới so với ban đầu. Theo như thiết kế mới, Lotte Mall Hà Nội sẽ vẫn có các hạng mục như trung tâm thương mại, siêu thị, rạp chiếu phim, khách sạn, căn hộ dịch vụ, thủy cung và văn phòng. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là 4 góc của dự án sẽ là 4 tòa cao ốc thay vì 1 tòa như bản phối cảnh ban đầu.

Phối cảnh hiện đại của siêu dự án Lotte Mall Hà Nội.
Phối cảnh hiện đại của siêu dự án Lotte Mall Hà Nội. (Ảnh: IT).

Theo tìm hiểu, giữa năm 2017, Tập đoàn Lotte đã mua lại dự án Ciputra Mall của Công ty TNHH phát triển đô thị Nam Thăng Long. Sau khi thương vụ diễn ra, TP Hà Nội đã cấp phép một dự án trung tâm thương mại mới cho Lotte với tổng vốn đầu tư lên tới 300 triệu USD và dự án được đổi tên thành Lotte Mall Hanoi.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, Lotte đã xin tăng gấp đôi vốn đầu tư lên thành 600 triệu USD với mục đích mở rộng các hạng mục của dự án Lotte Mall Hanoi.

Trước đó, Ciputra Hanoi Mall từng được dự kiến là một dự án Tổ hợp trung tâm thương mại có quy mô rất lớn, được khởi công xây dựng hồi năm 2010 do Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư.

Dự án có vị trí "vàng" thuộc đô thị mới Ciputra. Dự án nằm trên tuyến đường Võ Chí Công kết nối trung tâm với sân bay quốc tế Nội Bài, mặt kia tiếp giáp đường Lạc Long Quân hướng ra hồ Tây .

Ciputra Mall từng được kỳ vọng sẽ là một tổ hợp mua sắm bậc nhất Thủ đô khi hoàn thành năm 2014. Dự án có quy mô rộng tới 7,3ha, được chủ đầu tư giới thiệu có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng này có tổng diện tích sử dụng lên đến 200.000 m2 (siêu thị lớn nhất trên địa bàn Hà Nội).

Các không gian được bố trí trong trung tâm gồm có khu vực bán lẻ, với 1.200 cửa hàng, 48 nhà hàng, quán cafe, siêu thị rộng khoảng 8.500 m2, với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn trong và ngoài nước, khu vui chơi giải trí. 71.000 m2 tầng hầm dành cho nơi để xe. Ngoài ra, nơi đây còn có một trung tâm chiếu phim đa năng với 12 rạp màn hình rộng…

Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong phần móng thì thị trường BĐS gặp khó khăn, số phận đại siêu thị này cũng chìm theo năm tháng. Đến giữa năm 2017, Tập đoàn Lotte đã mua lại dự án Ciputra Mall với giá trị không được tiết lộ.

 

Bất động sản trong tuần: Nóng vụ thu sổ đỏ chung cư, nghi án Alibaba lập dự án ‘ma’...

Thị trường bất động sản trong tuần ghi nhận vụ việc nóng như vụ thu sổ đỏ chung cư, nghi án Alibaba lập dự án ‘ma’, đề nghị thu hồi dự án Cienco 4, phản ánh Chung cư COWA số 199 Hồ Tùng Mậu…

 

Đánh thuế để tránh đầu cơ

Các chuyên gia cho rằng, thuế tài sản là một yếu tố góp phần phòng chống đầu cơ, tham nhũng liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, không thể chỉ dùng mỗi thuế tài sản để kiểm soát tham nhũng, mà còn phải sử dụng cùng lúc nhiều công cụ khác nữa.

 

Dự án tái định cư N01 - D17 Duy Tân: Bỏ hoang nhiều năm, dân không có nhà ở

Được khởi công xây dựng từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành năm 2013, thế nhưng đến nay sau 9 năm dự án nhà ở tái định cư D17 Duy Tân vẫn chưa thể về đích. Các hạng mục mới chỉ dừng ở hoàn thiện phần thô và "nằm đắp chiếu".